Ở cái giải đấu vốn có truyền thống hào hoa, vị nghệ thuật như Copa America, người ta đang rất cầu mong có một cái kết đẹp. Giữa Uruguay và Paraguay, cảm giác như đội bóng đứng trước mới xứng đáng là thiên sứ của cái đẹp…
Chưa ai dám thực sự tin tưởng Uruguay cho một trận chung kết sẽ chơi tấn công toàn diện, với tinh thần của bóng đá vị nghệ thuật. Bởi nhớ lại những gì đã diễn ra với thày trò Tebarez xuyên suốt Copa America 2011, nét thực dụng vẫn toát lên trong cái cách Uruguay cầm hòa Chile hay hạ Argentina từ chấm 11m.
Nhưng có một thực tế cần phải thừa nhận rằng, sở dĩ Uruguay đang cùng với Argentina đồng sở hữu nhiều danh hiệu vô địch Nam Mỹ nhất là bởi họ đã rất tôn trọng cái truyền thống của bóng đá tấn công trình diễn ở nơi đây. Và đến giải đấu được tổ chức trên đất Argentina, Uruguay vẫn kiên trì với phong cách 4-3-3 thiên về tấn công. Với sự xuất hiện đồng thời của Forlan - Suarez - Cavani, người ta đã đúng khi so sánh Uruguay với Brazil, Argentina hay Chile - những thiên sứ của bóng đá đẹp ở mảnh đất Nam Mỹ.
Uruguay là hiện thân của bóng đá đẹp
Xem Uruguay thi đấu, thấy âm hưởng của bóng đá vị nghệ thuật vẫn được toát lên. Họ khác Paraguay chính ở cái tâm thế, cái tinh thần lúc nhập cuộc. Nếu như Uruguay thích một trận cầu có nhiều bàn thắng, mong một cuộc chơi phải được kết thúc trước loạt sút luân lưu thì Paraguay là sứ giả của điều ngược lại. Cái cách Paraguay vào chung kết đã bị chỉ trích nhiều. Nhưng chẳng ai làm gì được họ. Bởi đó là con đường hợp lý nhất để Paraguay đi lên.
Giữa Uruguay và Paraguay chẳng hề khác nhau về mục đích. Họ cùng đến Copa America 2011 với tham vọng vô địch. Cái khác nhau chỉ là phương hướng hành động. Với một đội bóng có nền tảng phòng ngự và thể lực tốt, Paraguay đã rất khôn ngoan khi áp dụng xuyên suốt chiến thuật phòng ngự phản công. Và điều ấy dĩ nhiên không thể thực hiện được với Uruguay, khi đội hình của họ lấy sức mạnh tấn công làm nền tảng.
Bóng đá đương đại, người ta đã quá nhiều lần chứng minh sự thắng thế của tư duy thực dụng, của bóng đá coi kết quả cuối cùng mới là quan trọng nhất. Nhưng gần đây, nghịch lý cho điều tưởng như là một logic ấy đã xuất hiện. Sau thành công của ĐT Tây Ban Nha ở EURO 2008 rồi World Cup 2010, sự thống trị của Barcelona ở La Liga và trên bình diện châu Âu cấp CLB đã khẳng định rằng, bóng đá đẹp, vị nghệ thuật vẫn có chỗ đứng, vẫn có cách để giành được vinh quang. Cốt lõi cho cơ hội thành công chính là một tư tưởng xuyên suốt vì cái đẹp, lấy nó làm nòng cốt để xây dựng đội hình.
Nhìn Đức lãng mạn hóa, Tây Ban Nha nhảy múa với tiqui-taca lấy cảm hứng từ Barca, các nền bóng đá hùng mạnh của Nam Mỹ không khỏi chạnh lòng. Bây giờ, Brazil đang trong quá trình xây dựng một lối đi, một đội tuyển mới cho tương lai. Bây giờ, Argentina gặp khó với dấu hỏi mang tên Lionel Messi. Và những Chile, Colombia… thì như những bình pha lê đẹp song dễ vỡ. Cảm giác, Nam Mỹ chỉ còn Uruguay có điều kiện tốt nhất để tiến bước trên con đường vinh quang, trong khi vẫn bảo tồn được những giá trị đẹp.
Và đó cũng là lý do, khi được hỏi, phần đông những người Nam Mỹ trung lập mong Uruguay lần thứ 15 vô địch Copa America. Trong mắt của họ, Uruguay, chứ không phải Paraguay, mới là thiên sứ của cái đẹp nơi bóng đá Nam Mỹ.
BongdaPlus