Quỷ Đỏ sẽ lại thăng hoa, hay khựng lại sau một bước đà hoàn hảo?
Chính Chelsea là một lời nhắc nhở cho M.U. Mùa giải năm ngoái, đội bóng thành London khởi đầu còn ngoạn mục hơn: Toàn thắng 5 trận, ghi 21 bàn và chỉ để thủng lưới 1 bàn. Sau đó, chuyện gì xảy ra thì ai cũng rõ. Lần làm khách gần nhất của Chelsea tới Old Trafford chính là vòng 36 diễn ra đầu tháng 5 vừa qua. Một tỷ số 2-1 cho M.U quá đủ để đặt mua champagne ăn mừng chức vô địch kỷ lục lần thứ 19. Đó là hồi kết buồn cho Chelsea, cho Carlo Ancelotti, cho một mùa giải mà họ đã đề pa không thể tốt hơn nhưng rồi dần lạc lối.
“Super Sunday” giữa M.U và Chelsea luôn là bữa tiệc bóng đá được cả thế giới chờ đợi- Ảnh Getty
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa sút đó, mà hay được viện dẫn nhất là tuổi tác. Chelsea năm ngoái quá già (và năm nay cũng chưa trẻ hơn được bao nhiêu!). Còn M.U hiện tại lại hừng hực sức thanh xuân. Tuy nhiên, nếu muốn một dẫn chứng “khôn đâu đến trẻ” thì Sir Alex chỉ cần lục lại một ký ức u ám cách đây 13 năm. Đó là mùa giải 1997-98 mà M.U cũng đầy tươi tắn, trẻ trung, có những giai đoạn bùng nổ khủng khiếp đầu mùa (33 bàn trong 8 trận từ tháng 10 đến tháng 12). Đến tháng 3, khi M.U dẫn đầu bảng với khoảng cách tới 11 điểm, một nhà cái xứ sương mù còn chung tiền sớm cho những ai đặt cược Quỷ Đỏ vô địch. Nhưng rồi Arsenal vùng dậy mạnh mẽ, lội ngược dòng ngoạn mục. Và M.U trắng tay. Sức trẻ khi ấy lại là “thủ phạm”, bị đánh đồng với sự non nớt, thiếu kinh nghiệm. Đó là mùa mà những trụ cột như Roy Keane dính chấn thương dài ngày và khi mọi thứ bắt đầu xấu đi, M.U càng chật vật hơn bởi không có các đầu tàu lão luyện.
Đôi chân nóng, cái đầu lạnh
M.U đang trong những ngày tháng hồng. Thường họ hay khởi động mùa giải một cách chậm chạp, chỉ tăng tốc kể từ giai đoạn Giáng sinh. Với lịch mùa này mở màn khó khăn, cộng với cuộc chuyển giao thế hệ ở nhiều vị trí quan trọng, ít ai ngờ M.U lại sớm bay cao đến thế. Toàn thắng 4 vòng đầu (chia đều giữa cả sân nhà và sân khách), ghi 18 bàn. Mọi thứ đang hoàn hảo đến khó tin. Wayne Rooney rực sáng như thể “hiệu ứng Samson” (tóc càng dài càng khỏe!). Các tân binh Ashley Young, Phil Jones hòa nhập như thể đã ở Old Trafford từ lâu lắm rồi. David de Gea cũng đã biết “sạch lưới” sau trận thắng 5 sao trước Bolton vòng qua và ngày càng tiến bộ, thích nghi hơn với Premier League. Trên sân đã vậy, nhìn lên băng ghế dự bị cũng đầy ắp các tên tuổi đáng tin cậy. Chưa kể đến các gương mặt đóng bộ chỉnh tề ngồi phía sau đó.
Quan trọng hơn, họ đang lột xác cả trong lối chơi. Sau thất bại trước Barcelona ở Wembley, có cảm giác M.U muốn học hỏi phong cách ấy. Bình tĩnh, kiểm soát và nhiều đường chuyền ngắn, thông minh. Đương nhiên, đây không phải là sự dập khuôn tiqui-taca, bởi đơn giản chẳng CLB nào hội tụ đủ yếu tố để làm giống hệt được như Barcelona. Chất “Premier League” vẫn đậm nét với tốc độ cao của các cánh, triển khai biên nhiều hơn trung lộ.
Đang trên đỉnh như vậy, M.U cần nhất điều gì lúc này? Đó chính là sự tỉnh táo, là cái đầu lạnh để giữ đôi chân nóng luôn ở trên mặt đất. Cuộc chơi mới chỉ bắt đầu. Bên kia thành phố, Man. City đua cùng một cách quyết liệt. Champions League cũng đã mở màn. Sẽ đến lúc, kiểu hủy diệt đối thủ một cách tàn nhẫn như hiện nay bị thay bằng những trận đấu chật vật. Sẽ đến lúc, những thăng hoa bị kéo xuống bởi sự bế tắc. Bộ mặt của M.U khi đó mới thể hiện trọn vẹn hơn. Và cả những tham vọng mùa này nữa. Thời gian đang chờ ở phía trước với Chelsea là bài test đầu tiên…
Kinh nghiệm
Nếu M.U đang “càn quét” điểm số đi kèm những cơn mưa bàn thắng thì Chelsea lại khởi động đầy nhọc nhằn. Không tệ chút nào khi họ cũng thắng 3 và chỉ hòa 1 trên sân Stoke, nơi Liverpool đã chứng minh là đi dễ khó về. Nhưng chiến thắng nào của Chelsea cũng tốn không ít mồ hôi.
Andre Villas-Boas cho thấy ông theo khuynh hướng giống như Jose Mourinho, xây dựng nền tảng từ phòng ngự. Đừng chờ đợi Chelsea sẽ đá theo kiểu M.U hay Man. City, hào hứng tìm bàn thắng đến phút cuối cùng. Trẻ trung, song Villas-Boas lại có vẻ thích kiểu cách “già dặn” trong lối chơi. Và chí ít đến lúc này, ông đang thành công.
Thực tế, với những gì tiếp quản ở Stamford Bridge, Villas-Boas khó có ngay được một cuộc cách mạng phong cách. Lối đi hiện nay là “an toàn”, nhất là khi thương vụ quan trọng mùa Hè qua mang tên Luka Modric đã không thành công. Chelsea của Villa-Boas vẫn cần dựa nhiều vào kinh nghiệm, sự dày dạn của các cựu binh hơn là trông đợi những luồng sinh khí mới, cho dù các cựu binh đó có “chậm chạp” như lời chê bai của Fernando Torres.Và khi Didier Drogba chưa hoàn toàn bình phục, Torres đắt giá thì mâu thuẫn, Chelsea sẽ có những vũ khí gì để mang đến Old Trafford trong thử thách lớn đầu tiên của Villa-Boas tại Premier League? Trách nhiệm lớn sẽ thuộc về hàng tiền vệ, nơi những tân binh như Raul Meireles, những cựu binh như Frank Lampard... có nhiệm vụ khóa chặt sự bùng nổ của sức trẻ M.U. Quan trọng hơn cả, Villa-Boas sẽ có “bài” bí mật gì cho 90 phút đặc biệt này? Chưa ai phán xét ông khi mới trải qua một quãng thời gian ngắn ở Stamford Bridge. Nhưng ở Old Trafford cuối tuần này, “Mourinho đệ nhị” sẽ phải thể hiện được tài năng của mình. Vì nếu không, những so sánh sẽ lại được khơi lên...
Một hàng công M.U bùng nổ. Một hàng thủ Chelsea thủng lưới 3 trận liên tiếp, dù chỉ trước những đối thủ làng nhàng. Xét trên mọi khía cạnh, Super Sunday được dự báo là một ngày đẹp nữa của Quỷ Đỏ. Nhưng đừng quên chất kinh nghiệm cũ của Chelsea cộng yếu tố mới mang tên Villa-Boas. Vượt qua thử thách này, “những đứa trẻ của Sir Alex” mới có lời khẳng định thực sự, mới thực sự xứng đáng nhận những tán dương. Làm được hay không đây?
Dự đoán: 2-2
Đội hình dự kiến:
M.U: De Gea; Smalling, Ferdinand, Jones, Evra; Nani, Carrick, Anderson, Young; Rooney, Chicharito.
Chelsea: Cech; Bosingwa, Alex, Terry, Cole; Meireles, Lampard, Ramires; Sturrridge, Torres, Mata.
TT&VH