Họ đến, và ít nhiều gánh trên vai những kỳ vọng khác nhau. Nhưng sau một thời gian thử lửa, hình ảnh xuyên suốt của 10 ngôi sao sau đây chỉ là nỗi thất vọng não nề.
10. Robbie Keane (West Ham, cho mượn từ Tottenham)
Là ngôi sao lớn nhất trong tập thể West Ham nghèo nàn, nhưng cựu đội trưởng Spurs vật vã mãi vẫn không thể vượt nổi cái bóng quá lớn của chính mình. 483 phút thi đấu và vẻn vẹn 2 bàn thắng cho West Ham, món quà khiêm tốn Keane dành tặng đội bóng mới xuống hạng giải thích tại sao anh có tên trong danh sách này.
Fernando Torres đứng số 1 trong 10 bản hợp đồng thất vọng nhất Premiership 2010/11
9. Pablo Barrera (West Ham, 4 triệu bảng từ Pumas-Mexico)
“Mỏ kim cương Latin” đúng là có quá nhiều tài nguyên, nhưng Pablo Barrera đích thực là một “món hàng lỗi”. Không đóng góp nổi một pha lập công nào kể từ ngày đặt chân tới Premiership, một suất đánh bóng băng ghế dự bị kể từ tháng 2 đến nay dành cho Barrera là lựa chọn quá dễ dàng của HLV Grant.
8. Sebastien Squillaci (Arsenal, 6.5 triệu bảng từ Sevilla)
Arsenal không đòi hỏi một hậu vệ phải biết ghi bàn, nhưng ít ra anh ta phải đáp ứng tối thiểu nhu cầu phòng ngự. Khổ nỗi, ngoại trừ trận thắng 1-0 trước Man United, hễ Squillaci ra sân là Arsenal lại thủng lưới. Mới đây thôi, Squillaci được đánh giá là một trong những cầu thủ chơi tệ nhất trận Arsenal thua Aston Villa 1-2 ngay tại Emirates.
7. Stephen Ireland (Aston Villa, cho Newcastle mượn)
Thời còn thi đấu cho Man City, Ireland quyết định xăm một đôi cánh thật to sau lưng để thể hiện quyết tâm bay cao. Nhưng bến đỗ Newcastle đã không thể chắp cánh cho ước mơ này của anh. 49 phút khoác áo Chích chòe, 0 bàn thắng, những con số ấy nói lên tất cả.
6. Mauro Boselli (Wigan, 6 triệu bảng từ Estudiantes)
Bản hợp đồng tiêu tốn số tiền kỷ lục của Wigan đã trở thành một quả bom xịt đúng nghĩa. Vạ vật trên hàng công, trình diễn điệu tango nửa vời, Boselli bị ném sang Genoa không thương tiếc sau khi chỉ đóng góp 2 pha lập công. Nghe đâu, Wigan cũng chẳng thiết tha triệu hồi cầu thủ này về ở mùa giải tới.
5. Paul Konchesky (Liverpool, từ Fulham)
Fulham đang ngỏ ý muốn chiêu mộ lại “món hàng cũ” họ từng bán sang Liverpool, và The Kop cũng chỉ chờ có thế để hi vọng thu được chút tiền gỡ gạc lại bản hợp đồng lỗ vốn này. Đã không có nhiều đóng góp cho Liverpool, Konchesky còn tạo ra một scandal lãng xẹt khi để mẹ mình lên facebook sỉ nhục Lữ đoàn đỏ không thương tiếc.
4. Christian Poulsen (Liverpool, 4.5 triệu bảng từ Juventus)
Đến bây giờ NHM Liverpool mới hiểu tại sao các CĐV Juventus quyết định trao tặng danh hiệu “Thùng rác vàng” cho Poulsen. Đến Anfield với mơ mộng thành tài, nhưng tiền vệ người Đan Mạch lại trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu cho sự sa sút không phanh của The Kop dưới thời Roy Hodgson. Anh mất vị trí như một hệ quả tất yếu sau khi Kenny Dalglish lên nắm quyền.
3. Edin Dzeko (Man City, 27 triệu bảng từ Wolfsburg)
Nào là “Trái tim sư tử”, “Mảnh ghép vĩ đại”… báo chí Anh đã dùng hết những mỹ từ hay nhất có thể để miêu tả sự xuất hiện của Dzeko tại Man City. Nhưng nếu phải bỏ ra tới 27 triệu bảng để mua về một cầu thủ chỉ biết cắm đầu sút trong mọi tình huống, thì thà Man xanh để Jo đá chính còn hơn.
2. Bebe (Man United, 7.4 triệu bảng từ Vitoria Guimaraes)
Từ một cầu thủ vô danh tiểu tốt, Bebe bỗng vụt sáng trở thành tâm điểm chú ý của cả Premiership sau khi được Sir Alex rước về Old Trafford. Nhưng bản chất của một ngôi sao thời vụ nhanh chóng được phơi bày. Bebe chẳng có chút đóng góp nào cho tân vương Premiership ngoài việc trở thành hình ảnh tương phản để báo giới tôn vinh Chicharito.
1. Fernando Torres (Chelsea, 50 triệu bảng từ Liverpool)
Mất hơn 700 phút để tìm bàn thắng đầu tiên cho Chelsea trong trận “thủy chiến” với West Ham, Torres khiến NHM The Blues phát bực vì sự sa sút đáng ngạc nhiên của mình. El Nino đã đánh mất tất cả những quyền năng từng biến anh thành một trong những cơn ác mộng đáng sợ nhất tại Premiership. Bệ rạc, chậm chạp, vụng về, ích kỷ, quá khó để tìm ra một điểm sáng gỡ gạc danh dự cho Torres.
BongdaPlus