Tuy nhiên, đi đôi với đó là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng cũng ngày một nhiều. Điều này mang đến không ít rắc rối cho người tiêu dùng.
Xu hướng sử dụng hàng hiệu...
Tâm lý người tiêu dùng và những thay đổi của nền kinh tế chính là tiền đề cho những xu hướng thời trang phát triển không ngừng. Việc chuyển sang dùng sản phẩm ngoại nhập, sang trọng với những thương hiệu nổi tiếng là việc không còn quá xa lạ đối với người Việt Nam. Các cửa hàng, shop bán túi xách, áo quần, giày, nước hoa, ví, dây lưng hàng hiệu như: Espirit, Milano, Levi's, Bossini, CK, Lascote, Gucci, Bonia, Valentino Creation, Giovanni, Adidas, Nike... ngày càng thu hút đông đảo người tiêu dùng.
Dễ thấy, thời trang hàng hiệu đang thành đề tài “hot” trong các công sở, trường học... dù so với thời trang bình dân, giá đắt gấp vài lần thậm chí vài chục lần, tuy nhiên, hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng. Bạn Thuỷ - SV Trường Cao đẳng Lao động xã hội - cho biết: “Chất liệu, mẫu mã hàng hiệu đẹp hơn hàng bình dân rất nhiều, ngay cả đường kim mũi chỉ cũng rất cẩn thận... đắt thì thay vì mua 5 thì mình mua 1, mặc ít mà đẹp còn hơn mặc nhiều mà xấu. Mặc hàng hiệu quen không muốn mặc hàng bình dân nữa”.
Thực tế cho thấy, không chỉ những người phụ nữ, mà cả “cánh mày râu” cũng cảm thấy tự tin hơn khi họ mang những chiếc túi xách, quần áo, phụ kiện hàng hiệu... trên người. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng khi mang túi xách, quần áo, giày dép... đó là họ muốn chuyển tới thông điệp về sự thành công của người sở hữu nó với mọi người.
Thời trang hàng hiệu Lacoste được bán trên website: eshop-vietnam.com chỉ với giá 95.000đ/chiếc.
...đi đôi sự phát triển hàng nhái
Thực tế, đi đôi với việc phát triển các cửa hàng, trung tâm mua sắm bán hàng hiệu thì không ít các cửa hàng đã không ngần ngại bán kèm các dòng hàng thời trang nhái có xuất xứ từ Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc. Hàng nhái cũng có nhiều loại: Hàng nhái chất lượng thấp, trung bình và chất lượng cao.
Loại hàng nhái (hàng fake) chất lượng thấp thường dễ thấy ở các chợ bình dân như Ngã Tư Sở, chợ Hôm, chợ Mơ... Các loại hàng này thường thì chỉ nhái tên thương hiệu, còn chất liệu, kiểu dáng và màu sắc thì... chỉ cần nhìn qua cũng biết là hàng kém chất lượng.
Các loại hàng nhái cao cấp hơn khách hàng có thể tìm mua ở các shop bán lẻ, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu và ngay trên các trang web điện tử như enbac.com, muare.vn, chodientu.vn, kenhmuaban.vn, raovat.vn, 123mua.com... Người bán và người mua hàng ngầm định với nhau để phân biệt hàng nhái theo cấp độ: Hàng fake 1, fake 2, 3...
Sự khác biệt về mẫu mã, chất lượng... giữa hàng nhái cao cấp và hàng thật tất nhiên không phải ai cũng có thể phân biệt được và đương nhiên giá trị thật của sản phẩm cũng khó phân biệt. Vì vậy, không ít người kinh doanh đã nhập nhèm giữa hàng hiệu và hàng nhái để bán hàng kém chất lượng với giá cao và sự chênh lệch về giá giữa các cửa hàng khiến khách hàng cũng trở nên hoang mang. Và khi chọn mua sản phẩm hàng hiệu, người tiêu dùng đa số dựa trên lòng tin vào lương tâm của người bán hàng.
Một chị bán hàng tại shop bán thời trang Lacotse tại siêu thị Parkson (đường Tây Sơn, quận Đống Đa) cho biết: Cách tốt nhất để một chiếc áo Lacoste xịn là mua ở các boutique của Lacoste tại Pháp. Ngay cả mua ở Châu Âu hay Mỹ, bạn cũng có thể bị mua nhầm đồ nhái. Châu Á thì khỏi phải bàn vì ai cũng biết đây là “Cái nôi của đồ hiệu hạng 2” trên thế giới.
Ở VN, Lacoste cũng đã có các boutique. Giá bán 1 chiếc áo polo ngắn tay tại Pháp vào khoảng từ 70 -120 euros giá tại VN khoảng trên dưới 2 triệu đồng. Trong 90% trường hợp, người mua có thể nhận ra hàng rởm từ logo thêu hình con cá sấu trên ngực áo như: Chân cá sấu không có móng, mõm thiếu răng, đuôi quá ngắn, logo chỉ được dán lên áo mà không phải là thêu v.v... Ngoài ra, còn rất nhiều chi tiết khác mà hàng nhái không thể đạt được chất lượng như: Vải mỏng, dễ rách, tay ngắn, cổ áo dễ bị nhão, 100% các cúc áo của Lacoste đều được làm bằng vỏ xà cừ...
Hàng thật càng tinh vi đến đâu thì hàng rởm cũng theo sát tới đó. Nếu một số nơi lập lờ bán hàng nhái, thì một số nơi vẫn công khai đó là hàng nhái để bán cho các khách hàng bình dân giá rẻ hơn rất nhiều giá của hàng hiệu. Tại một cửa hàng kinh doanh mặt hàng xách tay tại Gia Lâm, người bán hàng không ngại giới thiệu cho khách hàng đây là hàng hiệu chính hãng, fake 1, fake 2... Các loại mặt hàng bán tại cửa hàng hầu hết là có nguồn gốc từ Hồng Kông, Thâm Quyến, Hàn Quốc...
Về mẫu mã và chất lượng, hàng fake 1, 2 thường thì chỉ có những người thật sự sành mới phân biệt được. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn chọn mua dù biết đó là hàng nhái vì nhu cầu ăn mặc đẹp thì ai cũng có, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng kinh tế để mua hàng hiệu chính hãng, với giá hơn bình dân, nhưng có sản phẩm đẹp.
Chị Hằng – KTT Nguyễn Khuyến - cho biết: “Chị biết chiếc túi Luis Vuitton chị mua là hàng Hàn Quốc nhái, nhưng vẫn chấp nhận vì dù chất lượng không rõ, nhưng có mẫu mã đẹp giống như túi hàng hiệu mà chỉ khoảng 3,5-5 triệu đồng, trong khi chiếc túi hàng chính hãng có giá lên đến vài chục triệu đồng”.
Tuy nhiên, do sự nhập nhèm nói trên nên việc kinh doanh hàng nhái, hàng hiệu khá lộn xộn.
Lao Động