Thật khó có câu trả lời thống nhất. Do bộ quần áo hợp dáng người, do màu sắc, hay do bộ trang sức dây chuyền, nhẫn vòng? Có thể là tất cả thứ đó nhưng nếu chỉ một trong chúng lạc mốt là coi như phá hỏng "bức tranh toàn cảnh".
Thế còn đôi bông tai? Nó có phải sinh ra để làm đẹp riêng cái tai không? Vì sao một số bộ lạc nguyên thủy lại xiên nhiều thứ to tướng vào tai, vào mũi? Họ làm cho con người trở nên độc đáo lạ lùng và dũng mãnh, kẻ thù cũng phải sợ.
Bông tai không là tiểu tiết cho cái tai, nó làm tăng độ nhìn vào gương mặt, mở rộng biên độ cái nhìn. Người ta không chỉ chú ý vào mắt mũi miệng hay khuôn mặt, mà bông tai chỉ ra phạm vi rộng thêm của cái nhìn vào khuôn mặt. Có thể nói khuôn mặt đã "nới rộng" ra hơn. Cái đẹp bổ sung nhau qua các góc, các khoảng cách và nó trở nên huyền ảo, khó định hình.
Bông tai đủ kiểu: đeo sát, kẹp, khoen, toòng teng có lẽ là vì lý do sự xuất hiện của nó trên gương mặt là "tự do" có chuyển động ẩn hiện, lung lay. Và nhờ vào kiểu dáng nào, cá tính con người hiện ra thế ấy. Thí dụ người tinh nghịch, phong cách hiphop chẳng hạn, đôi bông thường to, nhiều toòng teng, còn ở công sở, người ta chỉ đeo đôi bông tai sát, có tông màu gần gũi với quần áo.
Bây giờ có bao nhiêu kiểu bông tai? Không ai đếm được. Màu đen, hình xéo, mũi tên ngược đủ cả. Có khi chỉ là một đôi nụ trắng như hạt ngọc trai mà làm sáng bừng gương mặt.
Bông tai là một dẫn chứng cho thấy thời trang có khi chỉ là một chấm nhỏ cũng tạo nên hình ảnh và cảm xúc về cái đẹp. Vì thế người ta cảm thấy nó như dấu chấm trên chữ i, nó là dấu chấm hoàn thiện cho sắc đẹp.
Thời trang trẻ