Chào NTK Võ Việt Chung, năm nay anh làm kỷ niệm 25 năm và ra mắt 3 bộ sưu tập, anh có thể chia sẻ thêm về các bộ sưu tập lần này không?
Tên chính của chương trình lần này là Lãnh Mỹ A - Báu Vật Nghìn Năm, bộ thứ 2 là Hoa Khôi xứ Nam Kì từng diễn ở New York Fashion Week, bộ thứ 3 tôi giới thiệu thời trang ứng dụng, sau 25 năm tôi sẽ ra mắt dòng sản phẩm này. Hiệu này tên “Nưa", cho cả nam lẫn nữ.
Mỗi bộ sưu tập đều khác nhau, đối với tôi thời điểm 5 năm khác, 10 năm khác, 15 năm khác, 20 năm khác và chặng đường 25 năm có 3 bộ nói lên những chặng đường trước. Trở lại thời điểm đầu tiên khi mới bước vào nghề, tôi không làm về áo dài, tôi làm về đồ ứng dụng. Sau 25 năm tôi muốn quay lại đồ ứng dụng nhưng không phải lấy chung, chỉ bay thôi và tôi lấy tên Nưa - tên của trái nưa tôi dệt ở Mỹ A, cũng từ Nưa làm nên tên tuổi của tôi, tôi sẽ giới thiệu trong chương trình ở cuối phần diễn đầu tiên. Trong chương trình, phần diễn đầu tiên chỉ mở màn, chưa vào hẳn chương trình, sau đó khai mạc trên lầu để bắt đầu tuần lễ.
Bộ sưu tập quay trở lại để diễn trong kỷ niệm 25 năm, việc tuyển chọn người mẫu cũng như lựa chọn nàng thơ trong bộ sưu tập có phải bài toán khó với anh không?
Nhức đầu lắm, tôi không chọn người mẫu mới. Tất nhiên, người mẫu mới sẽ có phần nào nhưng khi làm, tôi mới biết các bạn trẻ thích người mẫu. Hiện nay có đến một trăm mấy chục bạn rồi, lúc đó tôi ngồi casting đến 4 giờ chiều. Minh Tú là nàng thơ, cũng là cố vấn thời trang. Tôi nghĩ đây cũng là sân chơi dành cho giới trẻ, làm gì thì làm, trong cuộc sống làm gì đẹp tôi làm thôi. Trong 25 năm tôi thích khám phá những gương mặt mới, làm vậy tội nghiệp cho những bạn cố vấn, sẽ cực hơn nhưng như vậy vui hơn.
Trong các nàng thơ của anh lại không có Lê Âu Ngân Anh?
Trong 12 nàng thờ, có H'Hen Niê chỉ 4-5 năm vì trước khi trở thành hoa hậu đã làm việc với tôi rồi, Lệ Hằng cũng là khách hàng từng mua đồ của tôi, Diễm My thi nhiều năm lắm rồi, Ngân Anh chỉ hợp tác không lâu... Tôi chọn những người đã làm việc chung như một lời cảm ơn, tri ân. Tôi chọn Ngân Anh chụp cho buổi triển lãm 25 năm, còn bộ này tôi chọn thiết thực. Công việc nào ra công việc đó, tôi không lẫn lộn, Hoa hậu là Hoa hậu, đây là 25 năm của tôi không liên quan đến việc đó. Hoa hậu chỉ là ngã rẽ như gameshow để tôi làm chương trình thôi, còn 12 mỹ nhân đó là những người đóng góp rất nhiều cho tôi, Ngân Anh đâu đóng góp gì cho tôi đâu (cười).
Anh là một trong những người đầu tiên truyền đạt câu chuyện của Lãnh Mỹ A quay lại với cuộc sống hiện đại. Anh có thể nói câu chuyện li kì đó như thế nào?
Đầu tiên khi tôi tu nghiệp ở Châu Âu, tôi muốn tìm chất liệu mang tính truyền thống ở nước mình, đó là gợi ý của cô giáo tôi. Những bức hình tôi mang đi đều do má và ngoại tôi mặc, tôi phải cảm ơn má vì má là người tìm tòi và giúp tôi khôi phục cũng như bỏ ra số tiền rất nhiều trong thời gian đầu. Rõ ràng những câu chuyện Lãnh Mỹ A đến bây giờ, cả câu chuyện gần 20 có rất nhiều, trong câu chuyện đó tôi thấy rằng không phải đơn giản để có thể làm ra Lãnh Mỹ A, không phải đơn giản để phát triển đến hôm nay. trên mạng có nhiều bạn thiết kế trẻ và NTK Công Trí làm lại, tôi vui lắm. Rõ ràng Lãnh Mỹ A đã mang lại một hiệu ứng tốt, cả những nhãn hiệu nước ngoài cũng gợi mua vải bên tôi để về sản xuất, thiết kế. Trong câu chuyện tôi, tôi thấy để hình thành và làm nên 25 năm không phải dễ, rất khó và thăng trầm nhưng tôi may mắn vì sống được đến hôm nay để làm những gì tôi thích. Bây giờ ngồi với bạn tôi không nghĩ 25 năm đâu, tôi nghĩ chỉ mới 5 năm, 10 năm. Không lẽ tôi già vậy sao (cười).
Khi anh đưa Lãnh Mỹ A và Nưa, chắc chắn người khai sáng sẽ gặp rất nhiều thăng trầm và về vấn đề tiền bạc?
Thời điểm đó khó khăn lắm. Gần 20 năm trước khó khăn, không như bây giờ. Đầu năm 2000 đưa ra, báo chí cũng nhiều người phản đối. Tôi có biết chị kia nổi tiếng là tổng biên tập và từng làm rất nhiều tờ báo nói với tôi: “Em làm cái này làm gì? Em cho nó chết đi" vì thấy nuôi nhiều tiền quá. Tôi nhờ đăng bài bài hoài nhưng chị không đăng. Sau đó tôi có được ngày hôm nay. Câu chuyện này chỉ càng thúc tôi làm tốt hơn, khi làm tốt, về hiệu ứng toàn cầu tôi đã đạt được rồi. Hồi xưa tôi đi nước ngoài diễn hoài nhưng tôi không làm PR, có khi tuần lễ thời trang New York tôi đi 1-2 lần nhưng thôi, để năm sau đi lại. Vấn đề PR hiện nay rất cần thiết, sau 25 năm tôi có rất nhiều ý tưởng để làm. Trở lại câu chuyện đầu tiên, rất tốn kém, tôi lại không có tiền, lúc đó chỉ dùng tiền của gia đình thôi. Cảm ơn má, người đã giúp đỡ tôi từ bé, hiểu tôi và biết tôi cần gì, luôn thương yêu lúc tôi thất bại và thành công. Gia đình là nơi quay về yên ấm nhất. Nghề này có nhiều bạn giống tôi, ra chỉ làm theo cho thoả sức mình thôi, họ đâu biết được đôi khi không nắm được ý nghĩ khách hàng, thương hiệu ra rồi lại dẹp. Mỗi lần làm toàn tiền tỷ, không phải chuyện đơn giản đâu.
Anh nhắc rất nhiều về má và bà ngoại, đó có phải hai người phụ nữ vun đắp tình yêu thời trang cho anh và làm cho anh có nguồn cảm hứng không?
Nguồn cảm hứng của tôi nhiều nhất từ má và ngoại, cũng có những người phụ nữ khác trong đó có rất nhiều người tôi từng xem phim như cô Tràng Giang hay chị Thuỷ Hương, những người đó hồi bé tôi thích vô cùng. Tôi cảm nhận được chính ra đó không phải một sớm một chiều, đó sẽ đi vào tiềm thức, vào mỗi câu chuyện, đến một lúc nào đó tự nó ra. Hồi xưa có “Cô Ba Xứ Việt" cũng rất thành công, một nhà thiết kế để gắn liền với một bộ sưu tập rất ít. “Cô Ba Xứ Việt" tôi diễn ở khắp thế giới, lên Fashion TV nữa.
Anh có thể mô tả về má anh được không?
Má tôi là người phụ nữ Nam Bộ, lúc nào cũng vì con. Tôi may mắn vì được má ủng hộ. Ngày xưa ba tôi không cho làm nghề này nhưng má tôi là người quyết định và cho phép tôi làm. Má bán lúa, bán đất cho tôi theo đuổi nghề. Ba biết nhưng ba làm thinh. Ngoài mặt ba không tán thành nhưng bên trong ba vẫn ủng hộ.
Phong cách ăn mặc đời thường của má như thế nào?
Má tôi lớn tuổi rồi, gần 90 rồi, má luôn mang phong cách của một người Nam Bộ.
Khi bị ảnh hưởng phong cách của một người nào đó, những thiết kế cũng bị ảnh hưởng phần nào, anh có bị ảnh hưởng như vậy không?
Có chứ, đồ Lãnh Mỹ A ngoại và má tôi mặc nên tôi cũng bị ảnh hưởng phần nào. trong cuộc sống tôi được nuôi bằng sữa của má nên tôi nghĩ tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngày xưa má tôi hay quấn khăn, mỗi lần quấn khăn tôi đều “chôm”. Vậy mà má không bao giờ thắc mắc hay la rầy một lời. Tôi lấy khăn của má quấn cho con mèo, tôi cắt ra tùm lum và may nhiều kiểu đồ khác nhau. Tôi đã làm vậy từ lớp 1 rồi, hình như điều đó hình thành con người tôi và cái nghề của tôi. Hồi xưa ở trên nóc sân thượng, mỗi cuối năm dọn dẹp đều thấy một đống khăn do con mèo nó xé nhưng má chưa bao giờ mắng tôi, đó là điều tôi cảm ơn.
Áo dài của Việt Nam trên thế giới được mọi người rất yêu thích và chiêm ngưỡng rồi nhưng để họ mặc áo dài sẽ khó vì những kiểu cách, cài khuy họ sẽ không quen, đôi khi mang cảm giác khó chịu nữa. Qua 25 năm làm về áo dài, anh nghĩ áo dài qua bàn tay anh thiết kế đã đơn giản hoá nhiều chưa, đã phù hợp để tất cả những người yêu thích nó mặc chưa?
Từ 10 năm trước, tôi đã cải tiến vì tôi nghĩ một người nước ngoài họ thích áo dài vậy nhưng vẫn cảm nhận sự bức bối do cổ cao, đôi khi nút nhiều quá. Khi làm tôi cho mọi người mặc càng nhiều phải làm sao cho thoáng. Thứ nhất, phải làm sao cho cơ thể phụ nữ cảm thấy thoáng, thấy thoải mái nên tôi làm dây kéo. Đôi khi tôi làm cái áo để cho họ mặc nhưng không bắt họ phải mặc quần áo dài, như vậy rất cứng nhắc trong cách mặc. Họ có thể mặc quần tây, quần jean cũng được. Chính vì thế, áo dài thoáng hơn và được nhiều người mặc hơn. Tôi đã làm cách đây 10 năm rồi chứ không phải bây giờ, càng ngày áo dài trên thế giới càng được mặc nhiều hơn. Áo dài ngắn tôi làm đầu tiên, từ 20 năm trước, bây giờ được nhiều người mặc lắm.
Theo tôi nghĩ, áo dài đôi khi đẹp nhờ sự nền nã nhưng đôi khi trong sự nền nã đó lại khiến người ta cảm thấy khi mặc không dám đi đứng vì họ nhìn vào, họ thấy đẹp thật nhưng không thoải mái. Những lần tôi mang những bộ áo dài qua nước ngoài biểu diễn, những cô người mẫu ở đó nói không dám đi. Tôi nghĩ hãy để cho họ tự nhiên. Tôi có khuyên họ: “Mọi người mặc vào rồi cứ đi bình thường vì khi mặc áo dài đi catwalk rất đẹp, đi gượng ép nhìn ghê lắm". Đó là sự hạn chế nhất định của áo dài, tôi nghĩ cũng đừng nên cải biên quá vì như vậy áo dài sẽ mất đẹp, đồ truyền thống không nên áp đặt cho một đất nước khác, điều đó không hay. Đối với tôi 25 năm như vậy tôi đã cống hiến rất nhiều, sau 25 năm tôi muốn mở một thương hiệu khác, làm sao để tất cả tư duy, sáng tạo tôi từng làm trong suốt 25 năm để tôi sẽ làm một dòng sản phẩm trẻ hơn, ứng dụng hơn và nhiều người biết Võ Việt Chung nhiều hơn.
Điều gì ở những bộ áo dài anh thiết kế anh muốn cải tiến và làm đẹp hơn mỗi ngày?
Áo dài đã rất đẹp nhưng để mỗi lần ra một bộ sưu tập phải có điểm nhấn. Với tôi công việc hằng ngày yêu thích cũng như nguồn cảm hứng, tôi phải luôn có nguồn cảm hứng sáng tạo khác nhau. Áo dài 25 năm để giữ được phong độ khó lắm vì quá đẹp, quá hoàn hảo rồi, tôi ghét nhất NTK nào cắt manh mún ra, tội nghiệp lắm. Hôm trước, bên Channel ra một bộ sưu tập nào đó, dùng chất liệu đẹp, có thể tháng sau tôi lấy chất liệu đó làm áo dài, đó là cái hay. Tôi thích đồ truyền thống không bị lỗi mốt. Áo dài mặc lụa đẹp thật nhưng nhiều người mặc đi từ sáng đến chiều bị nhăn nhúm lại, rất xấu, nếu sử dụng những chất liệu khác trên thế giới có tính chất co giãn, lúc đó áo dài sẽ đẹp lắm. Một lần nữa tôi khẳng định áo dài đi đâu cũng đẹp, phụ nữ Việt Nam mặc cũng đẹp, phụ nữ nước ngoài mặc cũng đẹp. Cho dù mặc đồ đi tới lui, làm mọi chuyện nhưng khi mặc áo dài tự nhiên nền nã hẳn và có chừng mực trong cách đi đứng, như trong một bài hát có viết “miệng cười khúc khích", mặc áo dài nhiều người cười khúc khích chứ. Tôi nghĩ dù một người phụ nữ năng động hằng ngày trong những buổi tiệc, khi mặc áo dài sẽ khác liền. Mặc áo dài như một sự trau chuốt.
Sự sáng tạo trong những cái mới trong những chiếc áo dài phải có chừng mực nhất định. Khi bay bổng trong thời trang ứng dụng và thời trang cao cấp, để thoả mãn thiết kế ai cũng cho phép nhưng nếu dựa vào đó trên áo dài làm tùm lum cũng nên hạn chế. Tôi từng thấy những chương trình như Thuý Nga Paris, làm áo dài rất đẹp nhưng làm nhiều quá cũng không hay. Áo dài dựa trên một chiếc đầm dạ hội làm sexy quá cũng mất hay.
Đối tượng mặc áo dài của anh hầu như là những người thích cái đẹp, sang trọng và có tiền. Những đối tượng đó có phải người nổi tiếng hay giàu có mới có thể mặc Áo dài Võ Việt Chung?
Tôi nghĩ cũng nhiều thành phần, nhưng hiện nay tôi có rất nhiều chính khách. Suốt những năm nay áo dài của tôi không chỉ những cô người mẫu, khách hàng của tôi trên thế giới phần đông là doanh nghiệp, các phu nhân, các đại sứ, nữ doanh nhân, phu nhân của đại sứ mua rất nhiều. Miền Nam mua ít hơn ngoài Hà Nội, ở đó họ mua nhiều lắm.
Áo dài mắc như vậy họ có những đòi hỏi hay tiêu chí riêng nào không?
Tôi may mắn khi khách đến với tôi, họ cho tôi quyền quyết định, họ chỉ nói ý tưởng. Thường khách đến với tôi sau 1-2 lần đều để tôi làm hết. Trước khi họ đến, họ biết bên tôi là như vậy, thường tôi cũng để cho khách hàng có ý kiến của họ và đa phần đều không đẹp, những lần sau họ không muốn như vậy, họ muốn tôi nhìn họ, tiếp xúc họ, tôi đồng ý có tiếng nói chung, tôi tôn trọng họ nên tôi tiếp thu và giải thích cho họ thế nào mới hợp lý. Bên tôi thường đều là những vị khách lâu năm.
Những đối tượng chính khách, doanh nhân hay quý phu nhân mặc áo dài của anh có thêm phần sang trọng và sang trọng đối với thương hiệu Võ Việt Chung nhưng bên cạnh đó cũng có phần hạn chế khi một số người nghĩ phải có tiền mới có thể mặc áo dài Võ Việt Chung, người bình thường không mặc được, như vậy phân khúc đối tượng khách hàng bị dè chừng, anh nghĩ sao?
Tôi thấy suy nghĩ đó nhiều người nói lắm. Đó là điều tất nhiên. Nhiều người đồn đồ bên tôi chỉ dành cho những người có tiền. Cũng dễ hiểu thôi vì bên tôi có những xấp vải rất đặc biệt, tôi mua rất mắc, nhiều khi con số lên cả mấy ngàn đô. Sau đó tôi trình bày với khách hàng, tôi giới thiệu, họ đồng ý nên tôi may thôi. Ở xưởng tôi có 30 người, vừa thiết kế, vừa may mặc… 30 người đó làm một món hàng trong một tháng, không tính ngày nghỉ, số lượng chỉ có chừng đó, những người đặt may hàng cao cấp cũng chỉ chừng đó. Nếu tôi bỏ phân khúc giá rẻ hơn, ai may? Vậy nên, những người may đồ cao cấp, tôi phải ưu tiên thôi. Họ cũng không có nhiều hơn nữa, vả lại mỗi lần đào tạo thêm thợ lại rất mệt. Ví dụ 30 người chỉ may bấy nhiêu bộ trong một tháng thôi, đôi khi tôi nghĩ sẽ làm 1 bộ rẻ hơn nhưng trong vòng mười mấy năm qua vẫn không được, không có thời gian. Vô tình tôi phải chọn phân khúc khách hàng như vậy thôi, phân khúc cao cấp lại làm cho giá cả tôi thành như vậy chứ không phải vì tôi muốn. Đôi khi tôi cũng muốn giá tầm mấy trăm đô cho khách vào mua. Những người khách với phân khúc cao cứ vào đặt như vậy tôi không còn thời gian làm áo dài mấy trăm đô nữa, vẫn thích mấy ngàn đô hơn. Đôi khi tôi cũng mệt mỏi, muốn có sự quảng bá tới khách càng nhiều càng tốt nhưng nói về vấn đề ra thành phẩm lại không được. Khách hàng đến với tôi hơn như vậy nhưng số lượng người làm ra không nhiều buộc tôi phải chọn phân khúc đó.
Nếu nói về đối tượng phân khúc khách hàng như vậy, quay lại với thời trang ứng dụng anh có nghĩ vì là thời gian ứng dụng nên sẽ mở rộng đối tượng hơn ao dài?
Đồ ứng dụng làm rất rẻ, có mấy trăm đô thôi, tầm mấy triệu thôi, tôi nghĩ có người vào mua 10 cái là chuyện bình thường. Đó là sự không chọn khách, khách rất dễ dàng, một người công nhân lãnh lương ra, mua mấy cái là bình thường, điều tôi nhắm đến sắp tới. Tôi nghĩ điều đó rất bình thường và tôi muốn vẫn giữ thương hiệu Võ Việt Chung, không kén khách và gần như nhiều người mơ ước thực hiện được sau 25 năm. Tôi có tiêu chí rõ ràng, đồ tôi làm ra phải giải phóng cơ thể, không bó buộc, đó là sự phóng thoáng trong thời trang, kể cả nam nữ.
Nói về Lãnh Mỹ A, hiện nay cũng có nhiều thương hiệu, có nhiều bạn trẻ làm về Lãnh Mỹ A, anh nghĩ giữa người đầu tiên và những người khai sáng tiếp theo có sự cạnh tranh hay hỗ trợ nào không?
Tôi nghĩ những khó khăn tôi đã làm. Bây giờ các bạn chỉ cần vào làm thôi, như vậy tốt mà, nếu các bạn không làm sẽ bị mai một. Lãnh Mỹ A càng nhiều người làm càng tốt, làm sao cho làng càng có nhiều người làm nghề được càng tốt, tôi rất ủng hộ họ.
Tư tưởng của anh rất thoáng vì những người khai sáng đầu tiên luôn muốn độc quyền?
Tại sao phải độc quyền, độc quyền như vậy mấy người làng nghề không biết sống sao, họ sẽ bị bó buộc, sống vì đồng tiền, tôi cũng sẽ không có doanh thu tốt, phải để người khác làm. Lãnh Mỹ A đâu phải dễ mua, đắt tiền lắm chứ không hề rẻ. Tôi nghĩ như vậy còn ít, các bạn nên phát triển nữa, làm gì làm nhưng các bạn vẫn nhớ tôi là người đầu tiên.
Anh nghĩ như thế nào khi xưa có quan niệm “Ăn no mặc đẹp" đã quá thịnh hành nhưng ngày nay có quan niệm mới hơn “Ăn đẹp mặc sang" giống như anh mở học viện như vậy?
Học viện này còn mới nhưng tôi thấy như chị Trang bên trường John Robert Power làm, chị ấy là hoa hậu nhưng tôi không thích dính líu hoa hậu nhiều, tôi thích người bình thường hơn, tôi muốn các công ty đào tạo cho nhân viên đẹp hơn vì đó là bộ mặt của công ty, là hình ảnh tạo nên thương hiệu. Đây là trường tôi muốn nhấn đến điều đó, sau 25 năm tôi muốn mở học viện như vậy.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!
Lam Khánh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)