Dù đã có rất nhiều “gương tày liếp” của các đàn anh đàn chị đi trước về việc ăn mặc hở hang quá đà, phản cảm lên sân khấu bị dự luận phản ứng gay gắt nhưng dường như các nghệ sĩ trẻ vẫn không mấy quan tâm. Chính vì thế mà thỉnh thoảng, khán giả lại phải "mắt chữ A, miệng chữ O", đỏ mặt chứng kiến một bộ trang phục “phản thời trang” của nghệ sĩ khi họ xuất hiện.
Đỏ mặt với thời trang người nổi tiếng
Nhiều người khi đi xem các chương trình biểu diễn hay đến các sự kiện chẳng giám nhìn thẳng vào những “người nổi tiếng” vì... ngượng. Lý do là những bộ quần áo mà họ mặc chẳng biết vô tình hay cố ý nhưng cứ “bắt” người đối diện phải nhìn vào những chỗ nhạy cảm trên cơ thể, hoặc nếu không thì cũng khoe hết “vốn liếng” vì vừa bó sát vừa ít vải. Những bộ trang phục “đặc biệt” kiểu này sau khi “chiêm ngưỡng” thì chỉ có thể bình luận bằng hai từ: phản cảm!
Minh Hằng, Đoan Trang, Trang Trần với những bộ trang phục "nóng mắt".
Ca sĩ Đoan Trang từng chịu nhiều chê trách của dư luận khi cô mặc chiếc váy đỏ quá ngắn để lộ chiếc quần màu đen bên trong (cũng rất ngắn) trong một sự kiện. Dù giải thích thế nào thì cuối cùng, ca sĩ Socola vẫn phải lên tiếng xin lỗi công chúng vì bộ trang phục này. Hay trường hợp của người mẫu Trang Trần cũng gây một phen… “hốt hoảng” cho bàn dân thiên hạ khi cô mặc chiếc quần màu da bó chặt, phô hết phần mông, còn phần nhạy cảm của cô cũng “rõ mồn một” trong lần tham dự buổi ra mắt một bộ phim.
Cùng trong danh sách là diễn viên Lý Nhã Kỳ. Cô bị phản ứng gay gắt khi mặc chiếc áo cổ rộng, hở gần hết khuôn ngực để lên sân khấu trong một vở kịch có nội dung rất nghiêm túc. Dù sau đó cô giải thích bằng nhiều lý do nhưng hình ảnh của cô vẫn bị mất điểm trong mắt khán giả. Còn mới đây nhất là vụ việc ca sĩ Minh Hằng diện chiếc quần ren trong một buổi biểu diễn từ thiện. Chiếc quần này chất liệu ren nhưng lại lót bên trong bằng vải màu da nên thành ra “kín mà như hở”. Chắc hẳn trước lúc lên sân khấu, Minh Hằng không bao giờ nghĩ chiếc quần của cô lại "phản chủ" như vậy?
Vì đâu nên nỗi?
NTK Đức Hùng
Những bộ trang phục như trên của các nghệ sĩ đều phải xuất phát từ một ý tưởng nào đó của chính họ hay của nhà thiết kế (nhà may), vì vậy hãy nghe những nhà thiết kế phân tích xem vì đâu nên nỗi?
Nhà thiết kế Đức Hùng, một người từng thiết kế trang phục cho rất nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu, đưa ra quan điểm của cá nhân anh rằng, cách ăn mặc của nghệ sĩ hiện nay không có vấn đề gì, dù có thể với mọi người là hơi sexy, hơi phá cách một chút. “Cá nhân tôi tôn trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ. Những nhà thiết kế như tôi có thể sẽ cảm nhận được nhanh hơn, rõ hơn, dễ chấp nhận hơn mọi người khi nhìn những bộ trang phục như thế. Tuy nhiên, những nhà thiết kế như chúng tôi chỉ là số ít, trong khi nghệ sĩ là phục vụ cho số đông công chúng, vì vậy cho dù phong cách của nghệ sĩ là gì đi nữa thì cũng phải hướng đến tiêu chí “vừa mắt” với số đông", anh nói.
Nhà Thiết kế Đức Hùng cho rằng, không nên nhầm lẫn khái niệm gợi cảm với sự hở hang. Gợi cảm đồng nghĩa với sự hấp dẫn toát lên ở toàn bộ con người chứ không phải chỉ riêng một bộ quần áo hay một phần nào đó của cơ thể. Nhiều người lầm tưởng cứ phải hở, phải khoe thật nhiều da thịt mới là gợi cảm nhưng hoàn toàn không phải vậy. Có những người dù mặc một bộ trang phục kín mít từ đầu đến chân nhưng ở họ vẫn toát lên một vẻ gợi cảm, cuốn hút riêng. Điều đó có thể bộc lộ từ phong thái, từ ánh mắt, nụ cười, từ trong tâm hồn của họ khiến cho người đối diện cảm nhận được dễ dàng.
Nói như vậy để thấy, nhiều nghệ sĩ của chúng ta hiện nay bị nhầm lẫn về khái niệm gợi cảm nên dẫn đến kết quả là trên sân khấu, khán giả được chứng kiến họ mặc những bộ trang phục tiết kiệm vải tối đa, khoe chỗ này, độn chỗ kia lên (mà theo họ là để… tăng tính gợi cảm). Nhưng thực tế cảm nhận của người đối diện lại hoàn toàn trái ngược.
Cũng theo nhà thiết kế Đức Hùng, sự sáng tạo, thay đổi hình ảnh hay tạo sự khác biệt đối với người nghệ sĩ là cần thiết vì đó chính là đòi hỏi nghề nghiệp của họ. Tuy nhiên sự “khác biệt” này vẫn cần phải có một mức độ nhất định mà số đông công chúng chấp nhận được.
Còn theo nhà thiết kế Ngô Thái Uyên, không có tiêu chuẩn nào về cách ăn mặc của nghệ sĩ trên sân khấu mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Một phần là do khán giả hiện nay khi đến các sân khấu biểu diễn thường sẵn định kiến “soi” ngoại hình, trang phục của nghệ sĩ nhiều hơn là xem họ diễn. Ngược lại, kiến thức về thời trang, văn hóa mặc của các nghệ sĩ cũng chưa đầy đủ nên mới thành ra chuyện như vậy.
Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên
Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên cho rằng, tại Việt Nam hiện nay chưa có một nền công nghiệp giải trí đúng nghĩa, có thế nói là còn đang ở tình trạng “nửa nạc nửa mỡ”. Người diễn chưa chuyên nghiệp, hệ thống tổ chức cũng chưa thực sự đáp ứng chất lượng. Với những bộ trang phục trình diễn có tính chất “bất thường” như kiểu Lady Gaga thì hầu như chưa có sân khấu nào của Việt Nam phù hợp. Vì thế nếu các nghệ sĩ Việt đua theo quốc tế, chọn một bộ trang phục “đặc biệt” một chút lên sân khấu là sẽ bị vênh và gây hiệu ứng ngược.
Theo quan điểm của nhà thiết kế Ngô Thái Uyên, trang phục không có tội gì để gắn cho nó hai chữ “thảm họa” mà lỗi là ở người mặc. Đối với nghệ sĩ, cần phải nắm bộ trang phục mình mặc là để xuất hiện ở sân khấu nào, rộng hay hẹp, nghiêm túc hay giải trí nhẹ nhàng, rồi khoảng cách từ khán giả gần nhất đến người diễn là bao nhiêu, họ có thể nhìn thấy những chi tiết nào trên trang phục của mình… những điều đó phải được tính trước khi chọn lựa một bộ trang phục biểu diễn nếu muốn “an toàn” và đó cũng là cách làm chuyên nghiệp.
Xin được kết thúc bài viết này bằng chia sẻ của nhà thiết kế Đức Hùng: “Với cá nhân tôi, khi đến một buổi biểu diễn ca nhạc, tôi chỉ quan tâm đến tài năng, đến sự cống hiến của người nghệ sĩ đang biểu diễn chứ không quan tâm nhiều lắm đến việc họ mặc gì”. Câu nói của nhà thiết kế này, cũng là ý kiến của số đông khán giả, là một gợi ý (hoặc yêu cầu) rằng các nghệ sĩ cần tập trung vào khả năng chuyên môn của mình hơn là những màn PR về trang phục hay khoe cơ thể trên sân khấu.
Đất Việt