Kết thúc cuộc thi là trở thành …siêu mẫu
Thuật ngữ siêu mẫu dùng để chỉ những người mẫu thời trang cao cấp được trả lương cao, thường nổi danh trên khắp thế giới và có kinh nghiệm về thời trang cao cấp và làm người mẫu thương mại. Nếu theo tiêu chuẩn trên thì ở Việt Nam chưa có ai là Siêu mẫu. Nhưng xét "siêu mẫu theo tiêu chuẩn Việt Nam thì theo bà Thúy Nga – giám đốc công ty Elite chỉ khoảng một đến hai người.
Tuy nhiên, không có một quốc gia nào có lượng “siêu mẫu” nhiều như ở Việt Nam. Bất cứ đâu có sự xuất hiện của người mẫu là có...siêu mẫu. Hoàng Khánh Ngọc – giải vàng siêu mẫu 2004, người đã rời xa sàn diễn, hiện đang định cư tại Úc và chuyển sang kinh doanh ngao ngán cho rằng: “Đôi khi Ngọc thấy từ “siêu mẫu" không còn ý nghĩa ở Việt Nam nữa... Chỉ ở TP.HCM không thôi, khi casting cho event của công ty cô ấy, hơn 20 người thì có đến 13-14 tự xưng là siêu mẫu!"
Hoàng Khánh Ngọc - Giải vàng Siêu mẫu Việt Nam 2004
cảm thấy khá "bức xúc" vì việc "loạn danh xưng
người mẫu hiện nay
Nhiều người lạc quan tỏ ra khá vui mừng vì cái sự “lắm siêu mẫu” kia chứng tỏ làng thời trang của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và đạt đến cảnh giới của sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên mọi chuyện lại không hoàn toàn như vậy.
Bởi ở Việt Nam, cứ tham gia một cuộc thi, lot top là có thể được gọi là “siêu mẫu”. Hiện nay, có hai cuộc thi tìm kiếm người mẫu lớn là Siêu mẫu Việt Nam và Vietnam next top model, thì những thí sinh từ top 10 đã có thể vỗ ngực xưng tên là siêu mẫu.
Thực ra, dành giải cao trong cuộc thi “siêu mẫu” mới chỉ là một sự ghi nhận những cố gắng và khả năng của họ trên sàn catwalk. Để trở thành siêu mẫu, họ cần phải trải qua một quá trình phấn đấu, rèn luyện lâu dài và gian khổ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cứ qua cuộc thi là trở thành “siêu mẫu”. Chính vì vậy, thế mới có chuyện bi hài: ở Việt Nam, số siêu mẫu bằng tất cả các nước trên thế giới cộng lại.
Siêu mẫu không sống nổi bằng nghề…người mẫu
Có khá nhiều “siêu mẫu” ở Việt Nam sống chật vật với nghề người mẫu. Thậm chí, một số giải vàng của Siêu mẫu Việt Nam như Nguyễn Thị Thu Hằng, Châu Ánh Minh, Nguyễn Khánh Trình… cũng phải rời sàn diễn để chuyển sang kinh doanh.
Siêu mẫu Lê Hải Anh (giải Vàng siêu mẫu Việt Nam 2004) chỉ được biết đến trong lĩnh vực điện ảnh. Đã từ lâu không thấy anh xuất hiện trên sàn catwalk.
Siêu mẫu Lê Hải Anh - Giải vàng Siêu mẫu Việt Nam
không xuất hiện trở lại trên sàn catwalk
Không chỉ thế, nhiều giải vàng siêu mẫu cũng không chiếm được vị trí vedette trong các buổi trình diễn thời trang. Điều đó có nghĩa, họ chưa thể trở thành “siêu mẫu theo tiêu chuẩn Việt Nam”. Đây là điều không bao giờ xảy ra ở các nước có ngành công nghiệp thời trang phát triển.
Việc một siêu mẫu không thể sống bằng chính nghề người mẫu là chuyện không tưởng nhưng lại không hiếm gặp ở Việt Nam. Không phải nền thời trang của Việt Nam quá non trẻ, không đủ “đất diễn” mà do họ chưa đủ khả năng để có thể bám trụ, chứ chưa nói đến chuyện chiếm được vị trí hàng đầu trong làng thời trang nội địa.
Việc lạm dụng danh xưng siêu mẫu cũng là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp trong làng thời trang nước nhà. Đã đến lúc, những người trong nghề, các cơ quan quản lý và bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang cần có thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn để xây dựng một ngành công nghiệp thời trang thực sự chuyên nghiệp và đẳng cấp.
Muốn vậy, chúng ta cần bắt đầu sự chuyên nghiệp ngay từ việc dung danh xưng “siêu mẫu”.
Giáo dục Việt Nam