Những sự cố trên sàn diễn không phải điều hiếm có tại ngành thời trang Việt. Điểm lại hàng loạt những cái tên thuộc hàng gạo cội của sàn catwalk, chẳng khó khăn để kể ra từng vụ ồn ào liên quan tới họ. Thanh Hằng phì phèo thuốc lá, Ngọc Quyên tụt váy, Hoàng Yến không mặc nội y hoặc gần đây nhất là Huyền Trang để ngực trần lên sàn diễn, Hoa hậu Ngọc Hân rải gạo...
Gắn liền với mỗi vụ ồn ào gắn mác "sự cố" trên sàn catwalk, vô số những lời chỉ trích được hào phóng đưa ra. Chúng nó thể tới từ dư luận, từ truyền thông, từ độc giả hoặc mạng xã hội, tuy nhiên có một điều đáng ngạc nhiên rằng trong số những người chỉ trích hay bình luận, gần như không có mặt giới thời trang và thiết kế. Dù hơn ai hết, những người im lặng này luôn được biết tới như người trong cuộc hoặc ít nhất, cũng sở hữu vốn kiến thức, sự am hiểu nhất định về những bộ trang phục và "luật lệ" của thế giới chân dài.
Tại sao những người làm thời trang im lặng?
Có một thứ quy tắc bất thành văn luôn hiện hữu trong làng giải trí Việt: hạn chế tối đa sự chỉ trích đối với sản phẩm của đồng nghiệp. Hiếm hoi lắm mới có những sự vụ ồn ào liên quan tới việc ca sĩ A chê bai bài hát của ca sĩ B, đạo diễn C chỉ trích phim của đạo diễn D, mặc dù những scandal liên quan tới giới tính, đời tư vẫn xảy ra như cơm bữa. Cái quy tắc đặc biệt ấy cũng hiện hữu trong thế giới thời trang - mặc cho lĩnh vực này cũng lắm chuyện nhức đầu chẳng kém gì hậu cung thời phong kiến...
Huyền Trang và mẫu trang phục "gây sóng gió"
Các bộ trang phục và cả người mẫu cũng có thể tạm coi là "sản phẩm" của một nhà thiết kế. Khi sải bước trên sàn diễn, dù những chân dài có là ai đi chăng nữa cũng sẽ chỉ góp phần đưa ý tưởng của nhà thiết kế tới người xem. Một người mẫu thành công trên sàn catwalk không phải vì cô ta xinh đẹp thế nào, chân dài bao nhiêu, mà là cách cô ta truyền tải được cái "hồn" của bộ trang phục đang mặc trên người. Tuy nhiên, một người mẫu thất bại chưa chắc đã không biết diễn, không biết truyền tải ý đồ nghệ thuật. Nhiều lúc, người mẫu thất bại chỉ vì ... chọn sai nhà thiết kế mà thôi.
Khi người mẫu đóng vai "bia đỡ đạn"
Không phải bất cứ nhà thiết kế nào trong làng thời trang Việt cũng là chuyên gia sáng tạo và lên ý tưởng. Có khá nhiều người chỉ xứng đáng với danh hiệu thợ may khéo hoặc bậc thầy về sao chép, tuy nhiên vẫn được đánh đồng với tên gọi sang trọng: Nhà thiết kế. Chính vì vậy, những sản phẩm hoặc ý tưởng họ đưa ra chưa chắc đã thuyết phục được số đông khán giả, thậm chí còn phải nhận vô số lời chỉ trích.
Có điều, người phải nhận những lời chỉ trích đó lại không phải nhà thiết kế mà lại là những người trình diễn bộ trang phục hoặc thực hiện ý đồ của họ. Đơn cử như chân dài Thanh Hằng, rất nhiều người chỉ trích việc cô hút thuốc trên sàn diễn, nhưng có bao nhiêu người biết được cô chỉ thực hiện nó theo ý tưởng của nhà thiết kế? Và dù có lờ mờ đoán được nội dung câu chuyện, liệu có bao nhiêu người nhớ tên nhà thiết kế là ai?
Vụ ồn ào gắn liền với tên tuổi của Thanh Hằng. Có điều, ai lên ý tưởng
cho cô lại hoàn toàn bị lãng quên
Huyền Trang và vụ lộ ngực trần trên sàn diễn cũng đang làm nóng báo giới và dư luận suốt mấy ngày qua. Nhắc tới "sự cố" này, ngay lập tức cái tên Huyền Trang được nhắc tới, dù rõ ràng là cô không tự may trang phục cho mình và việc khoác bộ đồ đó lên người không chỉ dựa vào mỗi quyết định của riêng cô. Với một chương trình lớn như Tuần lễ thời trang xuân hè 2013, khó lòng nói nó hoàn toàn tự phát và không có ai kiểm duyệt...
Tương tự với Ngọc Hân - nàng Hoa hậu đang phải gánh chịu hàng loạt gạch đá vì tội "rải gạo trên sàn diễn". Hàng loạt chỉ trích hướng về cô, kèm theo cả những phân tích sắc bén, cụ thể về giá trị của hạt gạo, sự lãng phí và thói xa xỉ của làng giải trí. Những lời bình hết sức sâu xa và đáng suy ngẫm, tuy nhiên nếu nó hướng về đúng "mục tiêu", chắc hẳn nó sẽ đáng quý hơn rất nhiều. Bởi nếu dư luận cần một nơi để "hứng đá", nơi đó thuộc về người lên ý tưởng chứ không phải Ngọc Hân.
Tại sao người mẫu Việt không biết cách chối từ?
Có rất nhiều thắc mắc được đặt ra cho các người mẫu Việt khi họ khoác trên người những bộ trang phục dễ "dính đòn" hoặc thực hiện những hành động khó hiểu, phản cảm trên sàn diễn. Một trong những câu hỏi phổ biến nhất chính là tại sao họ không biết cách chối từ?
Câu trả lời thông dụng nhất chính là: Không thể. Rất ít người mẫu Việt, đặc biệt là các gương mặt trẻ có đủ can đảm để từ chối lời đề nghị từ các nhà thiết kế tiếng tăm. Cơ hội được góp mặt trong một sự kiện thời trang lớn không phải bao giờ cũng xuất hiện và nếu có một người mẫu từ chối, luôn có hàng loạt chân dài sẵn sàng thế chỗ. Và đi kèm với cái lắc đầu của cô người mẫu thời điểm đó, điều tương tự chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai khi cô gõ cửa các nhà thiết kế để xin góp mặt...
Ngọc Hân đang phải hứng chịu vô số chỉ trích vì hành động rải gạo
trên sàn diễn
Bên cạnh đó, có một lý do khiến các chân dài vững tâm hơn khi trình diễn: Nhà thiết kế sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về sản phẩm của mình. Dù xấu hay đẹp, bộ trang phục các cô người mẫu khoác trên người đều là sản phẩm do người khác làm ra và những lời chê bai, khen ngợi đều thuộc về họ. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng trên lý thuyết, còn thực tế thì khi mỗi bộ trang phục thất bại hoặc phản cảm, người được nhắc tến nhiều nhất vẫn là người mặc, không phải người thiết kế.
Ngoài ra, còn một điều khó nói khiến các người mẫu - đặc biệt là những cô gái mới vào nghề - không muốn chối từ những thiết kế "độc", đó là khả năng soán ngôi các tên tuổi lớn trên mặt báo. Một người mẫu gạo cội trong nghề đã bông đùa: "Chẳng có vedette nào bằng vedette... lộ hàng". Quả thật, khi khoác trên mình những bộ trang phục kỳ dị và hở hang, việc tên tuổi của bất cứ cô người mẫu trẻ mới vào nghề nào "phủ sóng" trên truyền thông không phải là chuyện khó, bất chấp trong show diễn có sự hiện diện của vô số ngôi sao.
Trăm dâu đổ đầu tằm
Tuy nhiên, việc mặc trang phục phản cảm để được lên mặt báo không phải lựa chọn của các người mẫu có tên tuổi. Việc được nhắc tới ồn ào trên truyền thông đối với họ là con dao hai lưỡi và chưa chắc, sự nổi tiếng theo chiều hướng bị chỉ trích đã là may mắn. Với những người mẫu thuộc hàng vedette, việc giữ gìn hình ảnh quan trọng hơn là hiện diện trên mặt báo bằng những điều tiếng xôn xao, bởi những hợp đồng quảng cáo lớn của họ có liên quan có ảnh hưởng rất nhiều từ khen, chê dư luận...
Với những người mẫu tên tuổi như Ngọc Quyên, mỗi vụ lùm xùm
phản cảm đều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập
từ quảng cáo của cô.
Chính vì vậy, việc phải "chịu trận" hộ người khác cũng chỉ là sự cố thường gặp trong nghề, không phải là điều họ thật lòng mong muốn. Dẫu sao thì tạo nên tên tuổi cho người mẫu có một phần công sức rất lớn từ các nhà thiết kế, giới thời trang và việc "gánh đòn" cho những trang phục lỗi của họ cũng là một phần của nghề người mẫu. Gần như chưa bao giờ, một người mẫu dám công khai tuyên bố đó không phải lỗi của tôi mà của nhà thiết kế. Chính vì vậy, chuyện "trăm dâu đổ đầu tằm" hẳn vẫn còn tiếp diễn dài dài...
TTTĐ