Có thể nói, "Vietnam’s Next Top Model" (VNTM) là một trong những chương trình truyền hình thực tế thành công nhất tại Việt Nam khi được Việt hóa. Chương trình thu hút đông đảo bạn trẻ từ mọi miền đất nước yêu thích thời trang cũng như tìm kiếm cơ hội để “đổi đời”. VNTM khẳng định vị thế của mình mỗi lần “xuất trận”. Đây là một chương trình truyền hình giải trí không thể thiếu đối với nhiều bạn trẻ.
Qua 4 mùa tuyển sinh, VNTM đã phát hiện ra nhiều tài năng nổi trội như: Tuyết Lan, Hoàng Thùy, Mâu Thủy, Thùy Trang… làm hài lòng người hâm mộ. Nhưng bên cạnh đó, chương trình vẫn còn một số hạn chế, khi mà khán giả luôn bị áp đặt vào trong thế trận “đã rồi”.
1. Chưa rõ ràng trong đánh giá
Theo như format chương trình, mỗi tập phát sóng bao gồm phần “thử thách” và phần thi chụp ảnh, tất cả đều có điểm số rất minh bạch. Các thí sinh được nhận xét và quy đổi thành điểm số cụ thể từ thấp đến cao (bao gồm phần thi thử thách và phần thi chụp ảnh). Thí sinh nhận được tổng điểm thấp nhất từ các phần thi và bình chọn từ khán giả sẽ bị loại khỏi cuộc đua.
Nhã Trúc nhận được nhiều lời khen có cánh về sự nổi trội, trí thông minh trong bức
ảnh nhưng lại được gọi tên ở vị trí… thứ 5.
Nhưng với phiên bản Việt Nam, ngoại trừ người chiến thắng thử thách thì hầu như những người còn lại không biết được “vị trí” trong cuộc đua của mình. Với phần thi chụp ảnh cũng tương tự, thí sinh bị loại đôi lúc không hiểu rõ nguyên nhân. Thế nên mới xảy ra tình trạng thí sinh Hoàng Oanh mùa thứ 2 bị loại mà không “tâm phục khẩu phục”. Hay như ở mùa VNTM thứ 3, ngoài chiến thắng phần thi thử thách, trong phần chụp ảnh với chú mèo Anh, thí sinh Nhã Trúc nhận được nhiều lời khen có cánh về sự nổi trội, trí thông minh trong bức ảnh nhưng lại được gọi tên ở vị trí… thứ 5. Trong khi đó, thí sinh về nhất lại là Mai Giang - người bị nhắc nhở về thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp trong quá trình chụp ảnh.
2. Ảnh được chọn chưa hẳn là ảnh đẹp nhất
Trong phần thi chụp ảnh, mỗi thí sinh sẽ được chọn bức ảnh đẹp nhất để làm kết quả đánh giá cuối cùng. Nhưng vấn đề đặt ra là, liệu bức ảnh đó có thực sự là tốt nhất trong loạt ảnh hôm đó của thí sinh? Nhiều khán giả xem chương trình tỏ ra bất bình và hoài nghi về mức độ tin cậy của “những bức ảnh tốt nhất” đó.
Quang Đại lọt top nguy hiểm dù có bức ảnh được đánh giá là ấn tượng
Điển hình là tập 7 mùa thứ 4, thí sinh Quang Đại được giám khảo cho biết là đã có ảnh đẹp trong quá trình chụp. Nhưng khi bước vào phòng đánh giá thì “Hoàng tử ảnh” bất ngờ lọt top nguy hiểm và suýt bị loại. Hay như trường hợp của Lê Thị Thúy mùa 2, mặc dù bị chê tơi tả với tấm ảnh vô hồn ở thử thách chụp ảnh dưới nước, nhưng “Nàng thơ của Đỗ Mạnh Cường” vẫn ngang nhiên bước tiếp và người giã từ giấc mơ chinh phục ngôi vị quán quân là Dương Thị Dung.
3. Giám khảo toàn quyền "sinh sát"
Nếu như ở America’s Next Top Model, khán giả thể hiện sức mạnh của mình bằng cách tham gia bình chọn, và tác động đến kết quả, thì ở phiên bản Việt Nam, tất cả đều hoàn toàn bị động và phụ thuộc vào sự quyết định của Ban giám khảo.
Văn Kiên và Chà Mi bị đánh giá là mờ nhạt nhưng vẫn được tiến sâu vào vòng trong
Thế mới có trường hợp thí sinh Thùy Trang mùa 2 bị loại trước đêm chung kết mà không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, cô là người chiến thắng ở phần thi catwalk và thể hiện tốt hơn top 3 Lê Thị Thúy. Hay như ở mùa thứ 4, Văn Kiên và Chà Mi phải hứng chịu "búa rìu" dư luận bởi sự thể hiện mờ nhạt của mình, nhưng cả hai lại “xăm xăm băng lối”, tiến thẳng vào tận chung kết.
4. Không có cơ hội "hồi sinh"
Điểm hấp dẫn và mới mẻ ở bản gốc là thí sinh bị loại có cơ hội hồi sinh và tiếp tục tham gia “trận chiến”. Nhóm thí sinh bị loại vẫn sẽ tham gia chụp ảnh như các thí sinh khác và khán giả là người quyết định khả năng “hồi sinh” của thí sinh. Điều này cho thấy sự tôn trọng đối với khán giả, họ có quyền nói lên tiếng nói, nhìn nhận cũng như nhận xét, đánh giá của mình. Bởi hơn ai hết, khán giả là người làm nên chương trình, chương trình chỉ thực sự tồn tại một khi thu hút và chiếm được cảm tình của khán giả.
Leila của "America's Next Top Model 2012" đã trở lại chương trình nhờ cơ hội hồi sinh
Kết
Một chương trình truyền hình thành công là một chương trình đảm bảo về chất lượng, chuyên môn vững vàng và chiếm được cảm tình của công chúng. Chính vì vậy, sự tương tác giữa “đôi bên” là một điều vô cùng quan trọng. Sự tiếp cận chủ động, được nói lên tiếng nói và quan điểm của mình là điều công chúng luôn mong muốn. Với sức hút và vị trí hiện có của mình, thiết nghĩ, sự “cải tiến”, “đổi mới” và “dân chủ” của chương trình sẽ góp phần nâng cao và khẳng định “vị thế độc tôn” của mình hơn nữa.
Duy Nguyễn (Theo Giadinhvietnam.com)