Đồ 'Haute Couture' là gì?
Nếu dịch sát nghĩa, trong tiếng Pháp, "couture" nghĩa là "may quần áo" và "haute" nghĩa là "cao cấp". Mặt hàng cao cấp này chỉ được sản xuất một món cho một khách hàng đặc biệt. Được sáng lập vào thế kỷ 19, Haute Couture là một tước hiệu đặc biệt được tạo ra bởi Chính phủ Pháp. Vào mỗi năm, Nghiệp đoàn may đo cao cấp sẽ đưa ra một danh sách các nhà mốt đáp ứng được yêu cầu của Haute Couture.
Hàng may đo cao cấp cần phải may đo theo yêu cầu của khách hàng, may đo hoàn toàn bằng thủ công, từ nguyên liệu đến thời gian hoàn thành, tiền bạc, công sức đều tốn kém hơn bình thường rất nhiều.
Bên cạnh đó, không phải nhà mốt nào cũng có tư cách cho ra mắt hàng Haute Couture, mà cần đáp ứng nhiều điều kiện ngặt nghèo về lượng nhân viên, chất lượng sản phẩm và số bộ lượng thiết kế ra mắt mỗi năm.
Nếu không đáp ứng đủ điều kiện, thương hiệu sẽ bị loại bỏ khỏi danh sách. Ngay cả nhà mốt Givenchy vào mùa Xuân - Hè năm 2013 cũng đã rơi vào trường hợp này.
Haute Couture - sự xa xỉ chứng minh đẳng cấp minh tinh và muôn chuyện thị phi
Có tiêu chuẩn cao là vậy nên hàng may đo cao cấp Haute Couture rất khó để mượn được. Ngay cả khâu vận chuyển để đảm bảo không ảnh hưởng đến trang phục cũng là cả vấn đề. Các minh tinh đôi khi phải tận dụng hết các mối quan hệ trong giới, độ nổi tiếng hoặc là người hợp tác từ trước với nhãn hàng để có thể khoác lên mình những trang phục Haute Couture.
Tài nguyên thời trang luôn là chiến trường đấu đá ngầm, chẳng thế mà xung quanh những nhãn hàng cao cấp đã phát sinh không ít chuyện thị phi.
Tháng 10 năm 2020, một blogger thời trang đăng ảnh "Kim Hee Sun Trung Quốc" Bạch Băng mặc lễ phục cao cấp của Elie Saab.
Trong khi cư dân mạng đang trầm trồ, thì phía Elie Saab đã liên lạc với blogger yêu cầu xóa bài, vì stylist của Bạch Băng đã không mượn lễ phục từ nhãn hàng bằng cách chính thống mà mượn bằng cách luồn lách không chính đáng.
Phía thương hiệu thẳng thừng yêu cầu xóa bài khiến Bạch Băng "muối mặt"
Cụ thể, stylist giả bộ nói với nhãn hàng mượn lễ phục cho một sao khác mặc, nhưng thực tế lại đem đưa cho Bạch Băng. Vì tình huống nay mà Bạch Băng đã "muối mặt" và bị trào phúng một thời gian dài.
Tháng 12 năm 2020, người hâm mộ của Dương Mịch đồng loạt "ném đá" phòng làm việc của cô. Nguyên nhân là vì trong sự kiện Esquire Thịnh Điển, stylist Khương Thành Hạo mượn Haute Couture của Versace cho Ngô Tuyên Nghi nhưng lại cho Dương Mịch mặc áo cưới.
Người hâm mộ của Dương Mịch bức xúc vì cho rằng stylist đã lấy danh tiếng "stylist của Dương Mịch" để mượn đồ cao cấp cho người khác mà bỏ bê nữ diễn viên.
Tủ đồ của Lưu Diệc Phi - bằng chứng không thể chối cãi cho địa vị của "Thần tiên tỷ tỷ"
Tuy không đóng nhiều phim nhưng Lưu Diệc Phi vẫn là một trong những ngôi sao hạng A của showbiz Hoa ngữ, điều này được thể hiện vô cùng rõ ràng trong tủ đồ của cô. Các nhà mốt cao cấp đều nguyện ý đưa những thiết kế mới nhất cho "Thần tiên tỷ tỷ" vì biết rằng một khi cô khoác lên mình những trang phục này, chúng đều sẽ tỏa sáng trong sự chú ý của hàng triệu người.
Vừa qua, Lưu Diệc Phi một lần nữa "gây bão" khi diện trang phục cao cấp của Jenny Packham
Trong khi nhiều nữ minh tinh phải "giành giật" từng cơ hội mặc đồ Haute Couture thì Lưu Diệc Phi lên đồ với tần suất thường xuyên như đi chợ
Mới đây, stylist của Lưu Diệc Phi đã tiết lộ 5 set đồ cao cấp mà Lưu Diệc Phi dùng trong các sự kiện gần đây, trong đó có 3 set đến từ thương hiệu cao cấp, còn lại là thương hiệu không thuộc dòng xa xỉ. Tuy được các nhãn hàng săn đón nhưng cuối cùng Lưu Diệc Phi vẫn chỉ lựa chọn sản phẩm khiến mình thấy thoải mái nhất.
Hình ảnh từ stylist của Lưu Diệc Phi
Người hâm mộ "soi" ra các thương hiệu trong hình
Có thể thấy, bất kể Lưu Diệc Phi liệu có tạo nên một vai diễn kinh điển nào nữa hay không, thì địa vị của cô trong làng giải trí vẫn không bị bất cứ tiểu hoa trẻ tuổi nào đe dọa. Ngay cả giờ đây, 19 năm sau khi "Thần tiên tỷ tỷ" xuất hiện, Lưu Diệc Phi vẫn chứng tỏ đẳng cấp trong làng giải trí Hoa ngữ của mình.
Minh Tâm (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)