May mắn thay, tuy không có trường lớp nào dạy bạn đúng đắn về tình yêu và những mối quan hệ ngoài những câu truyện hay những lời khuyên trên báo phụ nữ và đàn ông nơi mà tình yêu được lý tưởng hóa, có một số nguyên tắc để định hướng cho một mối quan hệ phát triển vững chắc và hạnh phúc được đúc kết từ hàng thập kỷ nghiên cứu về tình yêu của các nhà tâm lý. 6 nguyên tắc dưới đây giống như những chất bổ cần thiết cho việc nuôi dưỡng một mối quan hệ. Dù bạn có một hạt giống tốt hay xấu, dù ban đầu bạn yêu một người phù hợp hay không phù hợp với bạn, 6 nguyên tắc này sẽ làm cho mối quan hệ của bạn hạnh phúc và vững bền hơn:
1. Hãy để một số xung đột tồn tại
Trong cuộc sống, luôn có những trận chiến không đáng phải đánh. Đôi khi những cố gắng giải quyết một sự bất đồng có thể gây ra nhiều rắc rối hơn chính bất đồng đó. Với những cặp đôi thành công, một số đã chung sống được hơn 40 năm, họ hiểu và chấp nhận rằng luôn luôn có những điều nhất định họ không thích ở người kia và một số bất đồng không thể tránh khỏi, và với họ đó mới là một điều bình thường. Bạn không nên cảm thấy cần phải thay đổi một ai đó để có thể yêu họ.
2. Không ngại chỉ trích những hành động sai lầm của người kia
Nếu có những lúc bạn thấy nửa kia của mình hành động không đúng, đừng bao giờ nói dối hoặc không nói ra để giữ cho người ấy vui, và hãy bảo người ấy cũng làm như vậy với mình. Tại sao? Bởi nếu ưu tiên lớn nhất của chúng ta là luôn luôn làm cho đối phương hạnh phúc thì cuối cùng sẽ chẳng có ai hạnh phúc cả, thậm chí có thể dẫn tới đổ vỡ mối quan hệ. Những chỉ trích thành thật cho những gì cần phải sửa đổi quan trọng hơn sự vui vẻ rất nhiều vì dù sao cả hai cũng sẽ chỉ vui khi mọi thứ đều được thực hiện một cách đúng đắn.
3. Sẵn sàng kết thúc mối quan hệ
Đôi khi kết thúc một sai lầm đúng lúc cũng là một thành công, trước khi sai lầm đó trở nên quá lớn và gây ra quá nhiều đau thương. Hơn thế nữa, tâm lý sẵn sàng kết thúc mối quan hệ cũng sẽ tạo ra một ranh giới cho những gì không thể chấp nhận được để giúp chính ta và cả nửa kia có động lực phát triển tốt hơn. Nếu như tình yêu với người đó quan trọng hơn cả bản thân, giá trị, nhu cầu và tất cả mọi thứ khác trong cuộc sống, sẽ chẳng còn lý do nào để tiếp tục làm việc và phát triển con người bởi dù sao thì cuộc sống chỉ cần có người đó là đủ còn nếu không có người đó thì có bất kỳ điều gì cũng sẽ là không đủ. Thêm vào đó, một người sẽ chẳng bao giờ cố gắng làm người kia hạnh phúc vì trước sau gì hạnh phúc hay không người đó cũng không bỏ mối quan hệ. Nếu bạn và nửa kia, một trong hai hoặc cả hai rơi vào tình trạng trì trệ này, sớm hay muộn bạn cũng sẽ không còn cảm thấy hạnh phúc.
4. Hãy cứ thích những người khác
Tôi biết rất nhiều sẽ phát điên lên nếu thấy người yêu mình tiếp xúc, nói chuyện hay cười đùa vui vẻ với một người khác giới hấp dẫn, và họ cũng tự giới hạn không cho đầu óc mình để ý đến bất kỳ ai ngoài người yêu. Nhưng thật ra, ngoài việc chúng ta có khả năng cảm thấy rất nhiều người khác hấp dẫn chứ không chỉ người yêu mình, đó cũng là một bản năng sinh học không thể tránh khỏi.
Ngắm nhìn một người hấp dẫn rất dễ chịu. Nói chuyện với một người hấp dẫn rất dễ chịu. Nghĩ đến một người hấp dẫn rất dễ chịu. Những điều này sẽ không bao giờ thay đổi khi trạng thái mối quan hệ trên Facebook của bạn thay đổi. Khi chúng ta ràng buộc với một người, về mặt sinh học chúng ta không thể ràng buộc suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức với người đó mà ta chỉ có thể ràng buộc về hành động ví dụ như không ngoại tình. Việc bị hấp dẫn trong suy nghĩ là phổ biến và không thể tránh khỏi, nếu ta chọn chối bỏ nó là ta đã cho người hấp dẫn đó điều chỉnh hành vi của ta (chối bỏ) hơn là tự chúng ta làm chủ hành vi của mình (chấp nhận cảm giác về họ nhưng chọn không làm gì). Thậm chí, nếu tôi cảm thấy bị hấp dẫn bởi một cô gái đẹp, điều đó còn nhắc tôi nhớ những gì làm tôi đã chọn người phụ nữ của tôi, cô ấy vừa đẹp vừa đặc biệt.
5. Dành thời gian xa nhau
Tất nhiên khi yêu nhau, chúng ta luôn mong muốn được ở bên người mình yêu mọi lúc mọi nơi, thậm chí bỏ những việc, những thói quen ta hay làm, những người bạn ta hay chơi, bỏ cuộc sống trước đây, một khi ta đã có người yêu. Vấn đề là ở chỗ, khi bạn càng thay đổi để trở nên gần gũi với người bạn yêu, bạn càng rời xa con người của bạn, con người mà họ yêu lúc ban đầu
Đôi khi hãy dành một khoảng thời gian, một khoảng cách với người ấy để xác định lại sự độc lập của bạn, duy trì vài sở thích và thú vui mà không có người ấy tham gia. Những điều này là rất quan trọng. Có một vài người bạn riêng, đi du lịch đâu đó một mình, luôn luôn nhớ những gì tạo nên bạn và con người bạn mà người ấy yêu lúc ban đầu. Nếu bạn không duy trì khoảng không này mà ngày càng thu hẹp khoảng cách với người yêu, ngọn lửa tình yêu giữa hai bạn sẽ đốt cháy hết không khí, làm cho bạn cảm thấy ngột ngạt và chính ngọn lửa cũng sẽ dần tàn.
6. Chấp nhận những điểm không hoàn hảo của người kia
Việc này rất đơn giản, có ba điều cần phải làm rõ:
1. Ai cũng có khuyết điểm
2. Bạn không bao giờ ép buộc được một người thay đổi
3. Do đó, bạn nên hẹn hò với một ai đó có những khuyết điểm mà bạn có thể sống cùng hoặc chấp nhận
Thước đo chính xác nhất cho tình yêu của bạn với một người là những gì bạn cảm thấy về những khuyết điểm của người đó. Có thể những điểm hoàn hảo của một người hấp dẫn ta, nhưng những thiếu xót của họ mới quyết định ta có đi cùng họ hay không.
Theo Depplus.vn/MASK