Chị người thành phố, anh dân tỉnh lẻ. Người ta vẫn thường bảo “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Nhưng chị thì luôn nói rằng đó là phong tục cổ hủ. Hai vợ chồng lập nghiệp ở thành phố. Rất ít khi có dịp về quê. Những ngày đầu đưa vợ về ra mắt, anh đã dặn trước, mình về quê thì phải đi chào họ hàng cho phải phép. Nhưng mới về đến nhà là chị than ngồi tàu xe mệt. Miễn cưỡng qua chào họ hàng thì chị nói chuyện với giọng điệu “ở trên phố thì…”, làm anh cảm thấy ngại. Anh nghĩ, vợ chồng lấy nhau mấy khi về quê, thôi dần dần chị thay đổi.
Mỗi khi có bạn anh đến chơi, chị đều cư xử rất vô duyên. Anh mời bạn ở lại ăn cơm, chị hậm hực đi nấu. Món ăn mặn nhạt thất thường. Anh góp ý thì chị gay gắt: “Bạn anh sao tôi phải hầu”.
Chị sinh con, anh chia sẻ với vợ nhiều việc. Cứ hết giờ làm việc là anh mau chóng về nhà. Chị thấy anh quấn quýt con thì phó mặc. Đêm con khóc, mình anh thức dỗ dành. Anh nhẹ nhàng bảo vợ, sáng anh còn phải dậy sớm đi làm nên tối con khóc vợ dỗ con giúp anh. Chị vùng vằng: “Cả ngày tôi phải bế con rồi, có tí buổi đêm mà anh không chăm được à? Anh sống vô trách nhiệm thế!”.
Thỉnh thoảng chị giận anh điều gì là bỏ về bên ngoại. Anh thường năn nỉ chị, chị được nước làm tới. Chị kể anh đủ thứ tội trước mặt bố mẹ. Bố mẹ chị thương con, xót cháu cũng xúm vào trách anh. Anh khuyên chị có gì về nhà hai vợ chồng đóng cửa bảo nhau. Chị cự lại, bảo phải nói cho tất cả mọi người biết, cho anh chừa, anh biết tay...
Ai cho gì, biếu gì chị đều vui vẻ nhận. Nhưng đến khi họ ốm đau, bệnh tật chị ít khi quan tâm. Anh có đem biếu lại họ thì chị gạt phắt đi. Chị bảo đèn nhà ai nấy rạng, hơi đâu bao đồng.
Vì lối ứng xử của chị mà gia đình anh mất dần những mối quan hệ. Thương con nhưng trong đầu anh đã thoáng qua hình ảnh của tờ đơn ly hôn.
phunuonline