Đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ, chuyện mua được một căn nhà là điều vô cùng hạnh phúc. Bởi ai cũng muốn có một cuộc sống riêng tư, thoải mái trong chính căn nhà của mình. Tuy nhiên, có một người đàn ông cảm thấy chán nản lên mạng xã hội than vãn về chuyện vừa mới nhận nhà xong thì cả nhà vợ kéo đến ở cùng.
Người này chia sẻ: "Vợ chồng mình lấy nhau 10 năm mới dành dụm mua được căn nhà 3 phòng ngủ cho 4 người. Hai đứa con cũng lớn rồi nên như thế là ở vừa chứ không thừa ra phòng nào, ấy thế mà nhà vợ sau khi tới ăn tân gia cái thì bắt đầu kéo nhau tới xin ở nhờ nhà mình.
Ban đầu thì là bố mẹ vợ lên ở mấy ngày để có chỗ đi tập thể dục, các chung cư mới hay có dụng cụ tập để bên dưới ấy ạ nhưng sau thì ông bà bảo ở hẳn luôn vì thích ở đây. Mình cũng thoải mái thôi, để 2 con chung một phòng còn 1 phòng để ông bà ở. Tất nhiên là tiền sinh hoạt tăng thêm thì mình cũng phải chịu, tính mình hiền cũng không kể lể gì.
Sau đấy thì bắt đầu tới nhà chị vợ, anh chị tính ở hẳn luôn và trả nhà thuê rồi dọn hẳn tới nhà mình ở. Ngăn phòng khách đôi ra rồi căng rèm, kê ballet làm giường ngủ, 3 con của anh chị thì ở trong phòng 2 đứa con mình thành ra phòng rất chật chội, kê được 2 cái bàn rồi các con chen chúc nhau để học bài. Con mình sau thấy vướng víu nên cháu nằm trên giường để học và viết.
Nhà có 2 vệ sinh nhưng sáng nào mình cũng phải đợi 30 phút mới được vào dù đã cố dậy rất sớm. Thỉnh thoảng anh rể còn tha bạn về bia rượu nhậu nhẹt mất trật tự đến khuya (anh rể là dân xã hội).
Mình có đôi lần hỏi nhà bố mẹ vợ đang ở thì để cho ai nhưng họ không nói, sau này mới biết là để anh trai vợ về ở cho đỡ tốn tiền thuê ngoài, mình biết là nhà ấy chật nhưng nhà mình cũng đâu có rộng rãi gì hơn mà từng ấy người về ở, mà chị vợ làm cũng ra tiền chứ không phải không thế mà tự dưng kéo nhau về hết nhà mình để khỏi phải tốn tiền thuê nhà. Tiền điện nước không đóng, chỉ đóng tiền ăn, vợ mình rất vất vả cứ đến bữa là phải nấu 2 nồi cơm mới đủ.
Tính mình hiền nên không muốn làm to chuyện, nói với vợ thì vợ mình rất thương gia đình nhỏ của bọn mình nhưng lại rất sợ bố mẹ vì trước đến nay ông bà chỉ thiên vị anh chị chứ cô ấy thì không được bố mẹ yêu chiều nhiều. Bây giờ mình đi làm thì thôi chứ về đến nhà là trông chán, người đông như nêm, đồ đạc bừa bãi, con cái thì nheo nhóc, lúc nào cũng phải người lớn tắm xong thì mới tới 2 đứa nhóc nhà mình được tắm. Trông chả khác gì cái trại tị nạn.
Dạo gần đây anh rể ngỏ ý muốn mình đưa 2 con sang phòng vợ chồng mình ở, còn vợ chồng anh vào phòng các con ở, ballet bên ngoài thì để 3 đứa nhà anh nằm vì vợ chồng anh nằm ngoài đó không thoải mái. Anh rể còn bảo thế là sướng, chứ con anh chị có được nằm đệm như 2 thằng cu nhà mình đâu.
Ngày bọn mình khó khăn thì chẳng ai giúp, bây giờ có một chút thì cả nhà lại mò tới ăn hôi, chưa kể sống chung còn va chạm nhiều chuyện, rồi anh chị vợ vay tiền, bố mẹ thì đòi mua sắm máy ngâm chân, máy tập để trong phòng".
Người đàn ông cũng hỏi cư dân mạng: "Có cách nào để gia đình bên nhà vợ đi không ạ? mình sắp phát điên rồi!".
Ngay sau đó, nhiều cư dân mạng chỉ cách cao tay để gia đình vợ ra khỏi nhà mà không cần phải đuổi: "Hôm nào về nhà diễn sâu nhớ mua theo mấy cái hợp đồng bán nhà về nói đầu tư hùn hạp chứng khoán giờ vỡ nợ bán nhà nhờ ba mẹ với anh chị hùn hạp chút để trả thêm buồn bã đi ngủ 1 giấc sáng ra thấy nhà không còn 1 ai", "Bên nhà vợ anh vô duyên và kém ý thức thật sự. Từ đầu anh không ngăn cản dứt khoát nên bây giờ còn cách này thôi: nói với mọi người là hiện tại kinh tế khó khăn nên 2 vợ chồng đã thế chấp căn nhà này cho ngân hàng, tiền trả gốc và lãi hàng tháng là xxx (nói thật cao vào), yêu cầu các bên hỗ trợ. Được một thời gian chịu không nổi rồi cũng đi thôi. Đấy là biện pháp lâu dài, còn ngắn hạn thì anh chỉ cần báo là mới bị dính Covid19, phải cách ly tại nhà", "Nhanh trí dắt cả nhà nội đến ở", "Ông nên thông báo vỡ nợ vài ba tỷ nói bán nhà rồi nhờ cả họ giúp đỡ xem sao, có khi cuốn gói về trong đêm", "Anh cứ bảo anh bị đuổi việc, phải bán căn nhà này"...
Cư dân mạng chỉ cách khiến gia đình vợ ra khỏi nhà mà không cần đuổi.
Thu Trang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)