Anh Tín (Quận 6, TP HCM) năm nay 34 tuổi. Với tấm bằng cử nhân đại học hẳn hoi nhưng anh đã có thâm niên 5 năm nằm nhà không đi làm, để vợ nuôi. Anh làm ở đâu thì cũng chỉ được dăm bữa rồi lại kêu chán, lại nghỉ. Anh lại về nằm nhà ôm ti-vi, ôm máy tính hoặc nghiên cứu điện thoại. Thi thoảng anh giúp vợ chút việc nhà và chơi với con. Nhưng cũng chỉ là thi thoảng thôi.
Chị Duyên - vợ anh rất buồn vì chồng mình chẳng thể kiếm tiền đưa vợ nuôi con và tích cóp như chồng người ta. Nhưng hơn cả, chị buồn vì chồng mình không có chí tiến thủ, vợ con chẳng được nhờ chút nào.
Hồi mới cưới xong, anh Tín liền thông báo nghỉ việc để "nhảy" chỗ khác tốt hơn. Nhưng mãi chẳng thấy anh đả động đến chuyện xin việc, chị chỉ dám nhắc nhở vài câu. Một phần không muốn tính toán nhiều với chồng, một phần chị sợ động chạm đến tự ái của anh khi phải ở nhà để vợ nuôi.
Nhưng ngờ đâu, 5 năm rồi mà anh vẫn chỉ thích ở nhà ăn chơi, hưởng thụ chứ không chịu làm. Hình như điều chị lo lắng là thừa thãi. Không những chẳng buồn phiền và khổ tâm, tự ái khi bị mang tiếng ở nhà vợ nuôi, anh còn sung sướng và điềm nhiên sống như vậy là đằng khác.
Đã nên duyên vợ chồng với nhau, anh cũng chẳng làm gì có lỗi với chị. Chẳng lẽ vì anh không kiếm ra tiền mà chị ruồng bỏ và khinh thường anh?
Chị đứng ra lo toan, tin tưởng một ngày anh sẽ thay đổi. Nhưng chị cũng sợ hãi vô cùng khi bản thân sức lực có hạn mà bao nhiêu trách nhiệm đổ lên đầu. Một đôi vai gầy của chị có gánh vác nổi không nếu anh Tín cứ mãi như thế này?
Trong khi vợ anh ngổn ngang trăm mối lo thì anh Tín vẫn bình chân như vại. Ngày ngày anh xin vợ tiền tiêu vặt, đợi vợ đưa con đi học, đi làm xong là anh thong thả dạo phố, đi chơi, tụ tập với đám bạn chí cốt vô công rồi nghề như anh, có khi tới khuya mới về.
Hội của anh luôn tự hào vỗ ngực: “Là đàn ông thật sướng!”. Còn sướng thế nào thì các thành viên trong hội nhỏ giọng chia sẻ: “Đàn ông sướng ở chỗ bé có mẹ nuôi, lấy vợ thì vợ nuôi, về già thì trách nhiệm phụng dưỡng tất lẽ dĩ ngẫu thuộc về con cái. Nếu vợ làm đủ tiêu rồi, hơi đâu mà đi làm nữa cho cực thân, cứ tà tà mà sống. Chả lẽ vợ có miếng ăn mà để mình chết đói! Với lại, vẫn yêu vợ thương con đấy chứ, có tệ bạc gì đâu. Thế là quá ổn rồi còn gì!”.
Các anh còn rỉ tai nhau vài cách lấy lòng vợ: “Nên mắc màn cho vợ mỗi tối, thi thoảng đưa đón vợ đi làm, thường xuyên ôm hôn, âu yếm vợ một cách tình cảm. Đàn bà ấy mà, họ thường bị chết đứ đừ vì những cử chỉ bé tẹo ấy, nghĩ rằng người đàn ông vẫn yêu mình tha thiết, chẳng qua giờ đang lúc sa cơ lỡ vận mà thôi. Và họ có thể hy sinh, chờ đợi rất nhiều cũng vì những cử chỉ cỏn con ấy!”.
Cứ thế, các anh cùng bàn bạc và chia sẻ những điều tâm đắc xung quanh phương châm sống của mình mà không biết rằng vợ mình vất vả, con mình thiếu thốn thế nào…
Trong khi vợ anh ngổn ngang trăm mối lo thì anh Tín vẫn bình chân như vại (Ảnh minh họa).
Hồi quen và yêu anh Trung, chị Điệp (Quận 3, TP HCM) đã biết anh là người thích an phận, lại không giỏi xông pha. Nhưng chị không để ý điều đó, điều chị cần là sự yêu thương chân thành và cảm giác an toàn anh tạo ra cho chị.
Nhưng ai ngờ, khi vừa cưới chưa được bao lâu thì anh nhảy việc, nhảy chán vài nơi thì anh nghỉ ở nhà. Anh thủ thỉ với chị: “Nghề của anh vất vả mà lương chả đáng là bao, em làm lương cao thế, hay anh ở nhà là hậu phương cho em xông pha nhé!”.
Chị Điệp nghe cũng thấy buồn cười, còn tưởng chồng đùa, nhưng sau đấy thấy anh ở tịt không chịu đi xin việc nữa nhà mới tin là anh nói thật. Ban đầu chị cũng buồn lắm, vì khuyên bảo, động viên thế nào chồng cũng nhất quyết đòi ở nhà trông nhà, chăm con. Nhưng anh làm việc nhà có ra hồn đâu, lại đến tay chị thôi, sau bận quá thì chị thuê ôsin. Vậy là anh rảnh rang hoàn toàn.
Chị ngẫm đi ngẫm lại: “Thôi thì đã là duyên phận vợ chồng, số mình lấy phải người chồng không được giỏi giang, mạnh mẽ cáng đáng như người khác thì đành chấp nhận chứ biết làm sao! Bây giờ không thể nói bỏ là bỏ được, lấy người khác chắc gì đã bằng anh Trung, có khi lại rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, gái gú hay vũ phu cũng nên. Chồng mình chỉ hơi vô dụng tí thôi nhưng ít ra còn vẫn yêu vợ yêu con, thôi thì để dựa dẫm trên phương diện tinh thần vậy! Cùng lắm là nuôi chồng cả đời, coi như nuôi thêm một đứa con!”.
Nhưng chị đâu biết, tính anh không phải là an phận nữa mà thuộc dạng lười lao động, thích hưởng thụ, sống an nhàn. Anh là con trai út trong nhà, từ bé đã được mẹ chiều như chiều vong, chưa khi nào phải lo, phải khổ. Ra trường anh chỉ làm loáng thoáng vài nơi, còn lại đều nghỉ ở nhà mẹ chăm. Vì thế giờ anh chẳng quen đi làm là phải.
Thực ra anh Trung cũng chẳng phải người xấu, rượu chè thi thoảng, không cờ bạc, gái gú cũng chả vũ phu. Anh vẫn yêu vợ, thương con nhưng yêu thương chỉ bằng lời nói.
Anh luôn thầm cảm ơn bố mẹ sinh mình ra là phận đàn ông. Đàn ông lúc bé có bố mẹ nuôi, lớn lấy vợ thì nhờ vợ nuôi, già cả thì trách nhiệm trông nom, chăm sóc là của con cái rồi, khỏi bàn! Anh rất tâm đắc với mớ lí lẽ đó cũng như hài lòng vô cùng với cuộc sống ăn bám vợ của mình:
“Nhờ vợ nuôi có gì là xấu! Ông Tú Xương chả một tay vợ nuôi ăn học, còn thoải mái chơi bời, đi nghe hát ả đào kia kìa! Có ai chê bai ông ta đâu, làm bài thơ ‘Thương vợ’ với vài câu thương xót đãi bôi thế mà còn được khen nức nở ấy chứ!”.
“Đành rằng đàn bà có những người ở nhà nội trợ chồng nuôi nhưng bao nhiêu thứ đổ lên đầu chứ ít gì? Nào là sinh con đẻ cái, chăm con, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước rồi hầu hạ chồng. Nhưng đàn ông không đi làm cũng chả phải mó tay vào mấy thứ việc đó. Có bà vợ nào nhẫn tâm bắt chồng làm mấy việc của đàn bà đâu, có điều kiện thì thuê ôsin. Đấy, thử hỏi sinh ra là kiếp đàn ông có sướng không?” - Anh đắc ý nghĩ thầm.
Theo Trí Thức Trẻ