Tôi và vợ quen nhau khi cùng sinh hoạt trong một nhóm tình nguyện của trường. Tôi yêu cô ấy bởi đôi mắt sáng, nụ cười lúng liếng má lúm đồng tiền và tính tình hiền dịu vô cùng. Vì vậy, sau 1 năm ra trường, chúng tôi lấy nhau. Cả hai đều có công ăn việc làm ổn định. Ai cũng bảo chúng tôi là trời sinh, một cặp “trai tài gái sắc”. Những tưởng cuộc sống vợ chồng sau này sẽ thật hạnh phúc viên mãn nhưng ở đời ai biết được chữ “ngờ”.
Mới cưới được hơn 1 tháng, cô ấy đã bắt đầu thay đổi. Cô ấy không còn mặc những bộ quần áo lịch sự, trang nhã nữa mà thay vào đó là những bộ cánh kiểu cách, mỏng manh và “siêu tiết kiệm”, đồng thời biết đỏm dáng và lòe loẹt hơn.
Cũng từ đây, cô ấy bắt đầu kêu ca, phàn nàn nhiều hơn. Ngày nào cô ấy cũng kể lể cái Hoa (bạn cô ấy) lấy chồng số sung sướng, nhà giàu, năm ba ngày chồng lại đưa đi shopping, dự tiệc hay xem phim một lần. Hay cái Huệ thì số được xuất ngoại, nay đi châu Âu, mai đi châu Mỹ. Còn cái Mai thì chồng giàu xây biệt thự xa hoa sống như bà hoàng... Rồi cô ấy chép miệng “Chỉ mỗi mình là khổ. Bao người để ý thì không lấy lại đi lấy...”.
Tôi nghe vợ nói thế thì chỉ biết đùa cho không khí bớt căng thẳng: “Anh “xấu mà đánh trấu ra vàng” đấy. Đời còn dài lắm, cứ từ từ chưa biết ai hơn ai đâu mà nói trước”. Tức thì vợ tôi đáp lại “Đây chẳng thiết. Ai thích tôi dâng cái “nợ” ấy không cho đấy”.
Vì muốn nhà cửa yên ấm nên tôi không nói qua nói lại nữa. Ảnh minh họa
Thế nhưng, càng ngày cô ấy càng quá quắt. Lâu lâu mẹ tôi mới ra thăm có một lần, vậy mà cô ấy chẳng những không vui vẻ đón chào mà còn cứ mặt nặng mày nhẹ với mẹ. Mẹ ra, mẹ vào vợ tôi đều liếc ngang liếc dọc như để “bắt lỗi” bà. Ngày đầu bà đến, vợ tôi cả đêm không cho tôi ngủ. Cô ấy phàn nàn, kể lể tội to tội nhỏ của mẹ chồng. Nào là “Mẹ đi vệ sinh chẳng chịu xả”, “mẹ nhặt rau vừa già vừa bẩn”, hay “mẹ anh lắm lời”...
Tôi phân bua: “Em thông cảm cho mẹ. Mẹ ở quê ra nên chưa quen cuộc sống phố phường. Ở quê mẹ quen đi nhà cầu không phải xả nên mẹ không biết; mắt mẹ kém nên nhặt rau còn sót bẩn; Mẹ vốn ở quê sống quần cư, họ hàng đông nên hay chuyện trò với con cháu cho vui. Em cũng đừng trách mẹ hỏi thăm xóm giềng ở đây, bởi ở quê nhà nọ sang nhà nhau chơi là chuyện thường chứ không nhà nào biết nhà đấy như phố mình”... Chưa kịp nghe hết lời giải thích của tôi cô ấy đã bĩu môi: “Đúng là nhà quê. Vừa bẩn, vừa lẩm cẩm” làm tôi điếng cả người.
Chuyện bạn bè của tôi, cô ấy cũng can thiệp, nào là tôi không nên chơi với người này, không nên chơi với người kia. Thỉnh thoảng tôi có tụ tập “mấy chiến hữu”, quá đà về muộn một chút là cô ấy đã văng bậy rồi cấm đoán tôi. Chê tôi chỉ biết đốt tiền vào những trò vô bổ, trong khi đùng một cái cô ấy bỏ ra hàng tháng lương để mua sắm quần áo hay hộp phấn thỏi son tôi nào có kêu ca gì đâu.
Tuy nhiên, những chuyện đó, vẫn chưa phải là vấn đề mấu chốt khiến cuộc sống hôn nhân của chúng tôi trở nên tẻ nhạt mà điều khiến tôi thất vọng nhất là sự đổi thay trong cuộc sống “chăn gối” của vợ.
Cứ lúc “gần gũi” nhau là cô ấy hờn giận đủ điều rồi tra khảo tôi xem tôi đã từng ngủ với ai trước cô ấy hay chưa, hay đã “léng phéng” với cô nào sau lưng cô ấy chưa? Rồi cô ấy chê tôi không khéo léo để làm cho cô ấy được thỏa mãn, cũng như tôi chẳng chịu “đổi mới” gì cả... Cô ấy không biết rằng mỗi lần muốn “gần gũi” cô ấy là tôi lại bị ám ảnh bởi những câu kêu ca, chì chiết hay đay nghiến đủ chuyện phát ra từ chính cái miệng xinh tươi xưa kia của cô ấy. Hỏi rằng như vậy chuyện “chăn gối” của chúng tôi liệu có còn thi vị hay không?
Mỗi lần muốn “gần gũi” cô ấy là tôi lại bị ám ảnh bởi những câu kêu ca
chì chiết hay đay nghiến đủ chuyện. Ảnh minh họa
Khi viết những dòng này, tôi thật sự không còn tình cảm với cô ấy nữa. Giáp mặt là lúc nào tôi cũng căng thẳng gồng mình lên để đối phó với những lời phàn nàn kêu ca, những tra khảo, quy chụp của vợ. Cô ấy đã thực sự đổi thay quá nhiều, tôi không còn nhận ra người vợ ngoan hiền trước kia nữa.
Theo Vietnamnet.vn