Trong xã hội này, thật chẳng hiếm những ông chồng "chán cơm thèm phở". Khi bị phát hiện thì họ lại lấp liếm bằng câu: "Anh chỉ bóc bánh trả tiền"... Nhiều chị em vì muốn con mình được đầy đủ cả cha lẫn mẹ mà đành im lặng cho qua. Sự tức giận của họ lại đổ lên những cô gái mà chồng mình gọi là "bánh". Thế nhưng, họ đâu biết rằng nguồn gốc của mọi vấn đề là nằm ở tính trăng hoa của chồng mình.
Bằng giọng văn hài hước, đạo diễn Lê Hoàng đã thay mặt "cô bán bánh" gửi tâm thư đến các bà vợ. Trong bài viết này, Lê Hoàng thanh minh cho cách cô bán bánh đồng thời "vạch mặt" các ông chồng ham của lạ.
Nội dung như sau:
Thư của cô bán bánh trả lời bà vợ
Thưa bà,
Xin rất cảm ơn bà đã gửi thư cho em, và qua đó đã tin tưởng em, một cô hàng bánh vô danh (mặc dù em biết mình cũng có đôi chút trẻ trung và xinh đẹp nhưng chưa bao giờ đạt danh hiệu nào ở bất cứ cuộc thi nào).
Bà ơi,
Trong thư của mình, bà tỏ ra bức xúc và căm phẫn một cách chính đáng khi đàn ông gọi một số hành động vụng trộm của họ là “ăn bánh trả tiền”. Với tư cách một cô bán bánh, em nhiệt liệt ủng hộ suy nghĩ của bà. Rõ ràng, bánh là một sản phẩm cao quý, được hình thành từ những quy trình có chọn lọc, nhiều khi đã tồn tại cả ngàn năm. Lịch sử đã chứng minh có phim đồi trụy, có sách đồi trụy, có cả nhạc đồi trụy chứ chưa khi nào có bánh đồi trụy. Cũng chỉ có bánh kem, bánh ngọt, bánh ướt, bánh khô chứ chưa lúc nào có bánh khiêu gợi, bánh lộ hàng hay bánh hở hang.
Vậy tại sao đàn ông cứ dùng câu “ăn bánh trả tiền” một cách dai dẳng, bừa bãi, cẩu thả và lố bịch như vậy. Tại sao một số kẻ tồi tệ không “khợp” bánh, “nhai” bánh hoặc “xực” bánh cho hợp với bản chất xô bồ, cướp giựt và nhồi nhét của hành động này?
Với tư cách của thiếu nữ bán bánh tinh khiết, em cũng đã nhiều lần suy nghĩ về vấn đề đó và em kết luận bánh đã bị bọi nhọ, bị lạm dụng bởi vì bánh đã không được nuôi dưỡng và giáo dục một cách chu đáo.
(Ảnh minh họa)
Thoạt nghe chắc bà sẽ buồn cười vì có giáo dục thiếu nhi, giáo dục thanh niên, phi thường hơn nữa có giáo dục khỉ hay voi trong rạp xiếc chứ giáo dục bánh là sao? Chả lẽ bánh sẽ đi thi đại học?
Nhưng em tin chắc em đúng, thưa bà. Ở thế kỷ 21 này, đã có điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, có ti vi thông minh tại sao không có bánh thông minh?
Bánh không hoàn toàn vô tri vô giác như chúng ta tưởng và như một số đàn ông tưởng. Bánh có khả năng nóng lên, phồng lên hoặc thiu đi tùy theo cách đối xử của con người. Bánh có cảm xúc, có trí tuệ, có nhân cách chứ không phải chỉ có túi đựng và có giá tiền.
Nếu bà đã tới các tiệm bánh hiện đại, đúng tiêu chuẩn, bà sẽ thấy bánh được chế tạo bằng bột hảo hạng, nhào nặn đúng quy trình tiên tiến và sau khi ra lò được để trong những tủ kính tiệt trùng. Nói cách khác quá trình làm ra và giáo dục bánh chả khác gì với quá trình làm ra và giáo dục một con người. Nghĩa là có nâng niu, có chăm sóc, có bảo dưỡng và có bảo quản. Nhiều tiệm bánh còn mở nhạc chọn lọc, mong mỏi bánh thấm đượm tính văn hóa.
Nhưng tiếc thay, trong cuộc sống hôm nay rất nhiều bánh của chúng ta đã không được chế tạo cẩn thận bởi những con người có tâm hồn đẹp đẽ. Bánh được nhào nặn cẩu thả, nhồi nhét những thứ vớ vẫn, gói bằng loại lá hay giấy thiếu vệ sinh và bày trong những nơi nhiều ruồi nhặng. Do đó, bánh bị coi thường và bị sánh với những thứ đáng bị coi thường.
Một số đàn ông, như chị em ta đều biết là những kẻ rất nông cạn, thấy một cô gái xấu nhưng “chạy” được vương miện Hoa hậu chúng cũng tin là đẹp, và thấy một rổ bánh giản dị chân quê ở chợ chúng cứ tin là rẻ. Lập tức, chúng mang bánh ra để gắn với một số đối tượng phức tạp hoặc dùng việc ăn bánh để so sánh với một hành động bừa bãi. Từ đấy, trách đàn ông là chính, chúng ta cũng cần trách bánh phần nào. Tại sao kẹo không bị lạm dụng, tại sao hoa quả và nước giải khát không bị ám chỉ mà mỗi bánh mang tiếng xấu?
Trong thành phố hôm nay, rất nhiều hành động của tập thể hoặc cá nhân được gọi là “chia nhau miếng bánh” rõ ràng bánh đã bị lạm dụng, đã phải gánh vác nhiều trọng trách vĩ đại cũng như tầm thường mà các đồ ăn khác không khi nào mơ tới được. Nghiêm khắc mà xét, bánh đã không theo kịp sự phát triển của thời đại, không hiểu hết vai trò lẫn trách nhiệm của bản thân. Đáng ra, bánh phải biết tự lớn lên chứ không thể nằm im trông chờ vào một thái độ biết ơn từ trên trời rơi xuống.
Một số đàn ông luôn luôn tưởng trả tiền là hết trách nhiệm. “Ăn bánh trả tiền” là một quy trình khép kín, thanh thản, an toàn. Hoặc đã đánh giá thấp mình, đánh giá thấp bánh và đánh giá thấp người bán bánh. Trong cuộc đời em, em đã nhiều khi tặng bánh miễn phí và cũng nhiều khi không bán dù có trả giá bao nhiêu. Bánh của em cũng như em là vô giá chị ơi! Các chàng trai ơi!
(Ảnh minh họa).
Chị đừng buồn và đừng lo lắng, rất nhiều kẻ đã tưởng ăn bánh là trả tiền thật ra là đã ăn rác và đã trả bằng sự rệu rã của tâm hồn. Có nhiều thứ bánh để ăn nhưng cũng có nhiều thứ bánh sinh ra báo hiệu thời khắc lịch sử hoặc một mùa xuân. Những loại bánh đó không thể bỏ vào mồm mà phải bỏ vào trái tim chị ạ.
Em bán bánh. Nếp Thơm".
An Nhiên (Theo Tri thức xanh)