Trong y học cổ truyền, thúc dương, hay còn gọi là dương thúc, âm thúc... là bệnh danh dùng để chỉ tình trạng bộ phận sinh dục ngoài của nam đột nhiên co rụt vào bên trong, co giật và đau dữ dội, người bệnh tinh thần căng thẳng, sợ hãi, có thể kèm theo các triệu chứng thở gấp, mặt tái xanh, ngực sườn trướng tức, rét run, chân tay lạnh toát... Bệnh mang tính chất thần kinh chức năng, phần nhiều do nguyên nhân về tâm lý, thường xảy ra ở những người dễ mẫn cảm, hay lo âu.
Tránh giận dữ, căng thẳng là một cách phòng bệnh thúc dương.
Theo y học cổ truyền, gốc của bệnh là thận dương hư yếu, ngọn là hàn thấp bên ngoài xâm nhập. Thận là chủ bộ phận sinh dục, hàn tà có tính co rút, khi cả gốc và ngọn đều cùng co rụt, sẽ sinh bệnh. Ngoài ra, can huyết không đủ, lại nhiễm phải hàn thấp cũng có thể gây bệnh. Can là chủ gân bắp, can mạch đi từ bộ phận sinh dục vào bụng dưới, hàn thấp làm bế tắc can mạch mà sinh chứng đau kịch liệt.
Thúc dương phần nhiều phát sinh sau khi xuất tinh ban đêm (có thể do di tinh hoặc giao hợp) sáng dậy đi tiểu hoặc rửa bộ phận sinh dục bằng nước lạnh, hàn tà thừa cơ xâm nhập mà phát thành bệnh. Một số ít trường hợp là do giận dữ quá độ khiến can hỏa bốc lên làm gân co rút, gây ra thúc dương.
Để phòng chống căn bệnh này, ngoài việc thực hành tâm lý liệu pháp, có thể sử dụng một số biện pháp như xoa bóp, dùng thuốc, day bấm huyệt... theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Để dự phòng chứng thúc dương, cần chú ý rèn luyện thân thể, nâng cao thể chất, tạo dựng đời sống tinh thần thư thái, hết sức tránh căng thẳng, giận dữ làm tổn thương can khí, sinh hoạt tình dục hợp lý. Ngoài ra, tránh ăn các đồ sống lạnh, tuyệt đối không vệ sinh, tắm rửa bằng nước lạnh ngay sau khi động phòng.
VnMedia