Sự trung thực là điều cần thiết trong đời sống hôn nhân, đó cũng là một trong những bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Dưới đây là những điều bạn không nên cất giữ trong lòng đối với người bạn đời của mình.
Vấn đề tài chính
Thực tế cho thấy, có rất nhiều gia đình buộc phải ly hôn nhân chỉ vì mâu thuẫn về vấn đề tài chính. Chẳng hạn như vợ chồng tranh cãi nhau vì phát hiện một trong hai người giấu diếm tiền để cho nội hoặc ngoại; tranh cãi vì chi tiêu không hợp lý; và còn rất nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh về vấn đề tiền bạc. Chính vì thế, về chuyện tài chính giữa hai vợ chồng nên có sự rạch ròi, phân minh. Nếu bạn là người cất giữ tài chính trong nhà, bạn cần phải chi tiết các khoản chi tiêu từ việc mua đồ gia dụng trong nhà, tiền sinh hoạt, con cái, mua váy vóc, mỹ phẩm…
Đến một lúc nào đó, khi hai vợ chồng có sự khúc mắc, bạn có thể cho chồng xem những khoản đã chi tiêu. Bên cạnh đó, bạn có thể thông báo và thống nhất với chồng một số khoản phát sinh. Ví dụ như, hôm nay bạn muốn mua cho mẹ chồng hoặc mẹ đẻ một món quà, bạn có thể trao đổi với chồng, giá thành rơi vào bao nhiêu; Hoặc bạn muốn mua thêm một túi xách mới… điều này khiến chồng có cảm giác tin tưởng hơn vào bạn.
Những mối tình cũ
Những mối tình cũ của chúng ta có tác động rõ rệt tới hôn nhân hiện tại. Chúng ta mang theo tất cả những vết thương, trải nghiệm và những rối loạn từ các cuộc tình cũ vào hôn nhân. Che giấu sẽ chỉ làm vợ chồng xa cách, giống như một bức tường giữa hai người.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là vợ chồng phải chia sẻ với nhau tất cả những gì bạn đã làm trong các mối quan hệ cũ. Quan trọng là vợ/chồng phải biết mức độ thân mật của chúng và chúng đã ảnh hưởng tới bạn như thế nào.
Họ có thể được biết những tích cực và tiêu cực trong các mối quan hệ cũ của bạn. Điều đó giúp họ hiểu về bạn hơn và hiểu những trải nghiệm tình yêu trong quá khứ ảnh hưởng tới bạn như thế nào.
Che giấu cảm xúc bản thân
Từ tranh cãi về việc ai sẽ về nhà trông con trước mà hai bạn có thể đến mức nặng lời với nhau. Và những lời nói của người bạn đời có thể khiến bạn mỗi lần nghĩ lại vẫn sôi máu lên. Theo thời gian, những cảm xúc tích tụ có thể khiến bạn oán giận và có cảm giác cáu giận thường trực với người bạn đời. Nếu mỗi người không chịu bày tỏ bản thân, vợ chồng bạn dễ có xu hướng đả kích nhau và nói những lời gây tổn thương người kia mà bản thân vốn hoàn toàn không có ý định thế.
Mâu thuẫn không phải là xấu, tranh cãi cũng là một hình thức giao tiếp, nhưng phải mang tính xây dựng. Là vợ chồng, bạn cần học cách phàn nàn về những vấn đề có khả năng giải quyết thay vì chỉ trích lẫn nhau. Bắt đầu bằng cách tìm hiểu lý do tại sao bạn vẫn còn khó chịu, và sau đó nói ra một cách rõ ràng. Cuối cùng là tìm ra cách tranh luận trong xây dựng.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)