1. Trở thành cái ví tiền “không đáy”
Đàn ông mặc nhiên mình giữ vai trò trụ cột trong gia đình, trong đó không loại trừ nhiệm vụ làm trụ cột về mặt tài chính. Khi quyết định kết hôn, chắc chắn họ cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để gánh vác vai trò lớn lao đó. Tuy nhiên, những người đàn ông đã có gia đình tiết lộ rằng họ vô cùng sợ hãi khi ngày nào, lúc nào vợ cũng nhắc đến tiền. Tiền điện, tiền nước, tiền sữa cho con, tiền ăn uống hàng ngày... hễ cứ về đến nhà là các ông chồng lại phải đối mặt với cả đống việc liên quan đến tiền hoặc vợ mở lời là nhắc đến tiền.... Với các ông chồng, điều này không chỉ khiến họ mệt mỏi, căng thẳng mà còn hoảng loạn bởi có cảm giác như mình chẳng có vị trí gì trong gia đình ngoại trừ là nguồn cung cấp tiền vô điều kiện... Đặc biệt khi việc kiếm tiền gặp khó khăn thì chắc chắc nỗi lo sợ này còn tăng lên gấp bội.
2. “Người mẹ thứ hai”
Đàn ông thường tôn thờ mẹ của mình. Với họ, người phụ nữ tốt nhất trong cuộc đời họ chắc chắn chính là mẹ. Và có lẽ đàn ông nào cũng muốn vợ có được nhiều điểm tốt, sự khéo léo, dịu dàng... giống như mẹ của mình. Thỉnh thoảng họ cũng vô tình nhắc nhở vợ học tập mẹ chồng như một chuẩn mực. Tuy nhiên, tất cả đàn ông đều không bao giờ muốn có đến hai bà mẹ. Họ cần một người vợ biết sẻ chia, biết thủ thỉ tâm tình chứ không phải một người mẹ thứ hai lúc nào cũng nhắc nhở, chỉ bảo. Một người đàn ông sẽ rất khó chịu nếu như người vợ cho mình cái quyền dạy dỗ hay chỉ đạo chồng, dẫu cho họ có kém cỏi hay mắc phải sai lầm nào đó. Lòng tự trọng của người đàn ông luôn cao vời vợi, họ không muốn mình bị lép vế trước bất cứ ai, đặc biệt là trước vợ mình.
3. Không còn điểm chung
Thông thường, khi các cặp đôi yêu nhau, họ biết rõ cả điểm chung và khác biệt giữa hai người, họ chấp nhận nên mới đi đến hôn nhân. Nhưng khi kết hôn một thời gian, những điểm khác biệt giữa hai người ngày một nhiều lên, trong khi cả hai lại không nắm bắt lấy các điểm chung để làm động lực duy trì cuộc hôn nhân hạnh phúc. Kéo theo đó là những bất đồng cứ dần đẩy hai người ra xa nhau. Đàn ông vô cùng lo lắng khi duy trì cuộc sống chung với một người không còn cùng “chí hướng”.
4. Vợ luôn cố gắng thay đổi chồng
Phụ nữ kết hôn với hy vọng sẽ thay đổi được người đàn ông của mình. Trong khi đàn ông lập gia đình không hề mong muốn mình bị thay đổi. Rất nhiều phụ nữ cảm thấy mình đủ khả năng để thay đổi người đàn ông của đời mình. Họ không biết rằng đàn ông vô cùng khó chịu khi nghĩ đến điều đó. Một số việc người vợ muốn thay đổi chồng như thói quen hút thuốc, uống rượu hoặc quá nghe lời mẹ,… khiến đàn ông cảm thấy tức giận.
5. Nói xấu chồng
Cuộc sống vợ chồng chắc chắn sẽ không tránh khỏi những lúc cãi vã, mâu thuẫn. Và mỗi khi gặp phải tình huống bất hòa ấy, điều người đàn ông lo lắng nhất là vợ mình tìm đến bạn bè lôi ra đủ mọi tật xấu của chồng để kể lể cho “thỏa mãn”. Những người bạn luôn là nơi củng cố và hỗ trợ về mặt tình cảm cho các cặp vợ chồng, nhưng không phải là cách giải quyết vấn đề. Nói chuyện thẳng thắn với nhau sẽ giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn, tăng cường sự đồng cảm trong hôn nhân, đồng thời cũng giữ được thể diện cho người đàn ông trước mặt bạn bè.
6. Không gian riêng
Tất cả các ông chồng đều lo lắng sau khi kết hôn, đến cả thời gian đọc một tờ báo hay tụ tập cùng đám bạn thân cũng không có. Đàn ông cho rằng, muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì ngoài thời gian hai vợ chồng dành cho nhau, họ cần dành thời gian tận hưởng những thú vui của riêng mình. Do đó, phụ nữ tức giận khi chồng đi chơi golf hoặc càu nhàu khi biết chồng vừa nhậu nhẹt cùng bạn bè về thì điều đó không chỉ khiến đàn ông cảm thấy ngột ngạt, mà cuộc hôn nhân có thể đi theo chiều hướng không tốt.
Depplus.vn/MASK