Nhân chuyện cô bạn thân đăng tải những dòng status chỉ trích đàn ông thiếu ga lăng vì "không đủ tiền chi trả bữa cà phê khi hẹn hò", tôi mạn phép được bày tỏ quan điểm của mình.
Tôi không hiểu sao chị em phụ nữ lại có lối suy nghĩ mặc định việc đi ăn chung, đi chơi chung thì đàn ông con trai thường phải trả tiền. Trong khi xã hội ngày nay thay đổi theo hướng tích cực, không còn lề thói trọng nam khinh nữ, hai giới có quyền bình đẳng như nhau.
Bất kể việc gì đàn ông có thể làm, phụ nữ cũng làm được. Ngay cả việc ra ngoài kiếm tiền, phụ nữ làm giỏi không kém gì nam giới. Thế nhưng, quan niệm “đàn ông trả tiền” vẫn không thay đổi. Thậm chí, nó được coi là thước đo đánh giá nhân cách và bản tính của một con người.
Nhiều cô gái không ngại "vạch mặt" bạn trai khi anh ta không đủ trả tiền cho một chuyến đi chơi hay một bữa đi ăn ở nhà hàng khá sang trọng. Các cô thẳng thắn nhận định “loại đàn ông đó không ga-lăng”.
Thực ra, chính một bộ phận con gái không hiểu được định nghĩa chính xác của cụm từ “ga-lăng”, mà nó chỉ được đánh giá qua cách “văng tiền” của cánh mày râu. Anh nào mạnh tay chi tiền liền được khen “ôi, ga-lăng thế”, ngược lại anh nào e dè hay cầm hóa đơn thanh toán thắc mắc này nọ lập tức bị coi thường, chê trách “ông này tính toán thật, mới bằng đó mà đã sợ...”.
Chưa hết, đi đâu chơi con gái cũng thích đùn đẩy việc trả tiền cho đám con trai cứ như đó là trách nhiệm bắt buộc họ phải làm. Nếu con trai đứng dậy ra về quên không trả tiền, lập tức sẽ bị gọi lại thanh toán xong mới được thả.
Anh nào cả gan đứng dậy không thanh toán, sẽ được nhận những ánh mắt hình viên đạn xoáy không thương tiếc, có khi còn bị mỉa mai giữa chốn đông người "Thế mà cũng là đàn ông sao?".
Đàn ông thì sao chứ? Chúng tôi cũng giống như các bạn, cũng phải nai lưng kiếm tiền trang trải cho cuộc sống và lo đủ thứ trên trời dưới đất. Chẳng nhẽ chúng tôi phải luôn bỏ tiền ra cho các cuộc nhậu, hò hẹn, liên hoan để được các bạn tán thưởng là ga-lăng sao? Vậy thì tại sao không phải là các bạn gái thể hiện ga-lăng với chúng tôi?
Để cưa được nàng, anh đồng nghiệp của tôi đã tốn một khoản
tình phí rất lớn (Ảnh minh họa)
Đối với cánh mày râu, vì sự tự tôn của một người đàn ông, sẽ không bao giờ để ý tính toán những khoản chi tiêu vặt vãnh. Nhất là với phụ nữ, chúng tôi luôn nghĩ được đi chơi với các bạn đã là một vinh dự. Việc trả tiền cho những cuộc đi chơi, trò chuyện như thế là lẽ đương nhiên, không đáng nói. Tuy nhiên, mọi thứ cần phải có chừng mực.
Trong cuộc nhậu với đám đồng nghiệp, anh bạn tôi thở dài thườn thượt và không ngừng than vãn về chuyện tình phí quá đắt đỏ . Để hẹn hò và được yêu, anh ta phải chi trả quá nhiều tiền cho những món quà làm quen, những cuộc điện thoại dài hàng giờ để nói chuyện tìm hiểu.
Khi được nàng bật đèn xanh, anh ta còn phải nghĩ đến những địa điểm sang trọng cho những cuộc hẹn, nhằm tạo được ấn tượng tốt đẹp với bạn gái. Thậm chí, anh phải luôn chiều theo ý nàng: ăn gì, đi chơi ở đâu, mua gì... Tất cả đều do anh ta dốc ví thanh toán.
Theo như lời anh đồng nghiệp kể, mỗi lần đi chơi với nàng đều phải bỏ ra ngót nghét 2 triệu, bằng 1/3 tháng lương anh kiếm được.
Sẵn sàng vung tay với một số tiền lớn để ga lăng với bạn gái là thế nhưng sau những cuộc chơi xa xỉ, anh lại phải tằn tiện với cuộc sống của chính mình. Điều đáng nói, mỗi khi bỏ tiền ra mua quà cho bố mẹ hay bạn bè, anh lại không ngớt lời than thở “tiếc đứt ruột”.
Thiết nghĩ, đồng nghiệp của mình bỏ tiền để mua sĩ diện cho bản thân, còn khi cô gái ấy đã thực lòng yêu thương, chắc chắn họ sẽ không đòi hỏi quá cao sang. Chưa kể, cô gái đó còn giúp người yêu tiết kiệm, tính toán sao cho hợp với ví tiền vốn có.
Phản bác lại suy luận của tôi, mấy người đồng nghiệp khác đưa ra đủ dẫn chứng nói rằng phụ nữ thời nay sống thực dụng quá. Họ thích quen thân với một người đàn ông có tiền, phóng khoáng rút hầu bao cho những buổi đi chơi, tiệc tùng hơn là một anh chàng khéo ăn khéo nói mắc bệnh “viêm màng túi”. Bởi lẽ, đi cạnh những người đàn ông có tiền bao giờ cũng có cảm giác an toàn và không phải đắn đo tiết kiệm. Vì tiền không phải là của mình, tiền trong ví của “kẻ địch” nên cứ thoải mái tiêu pha không dè dặt.
Điều đó, giải thích vì sao nhiều cô gái đi chơi với bạn trai lại thả phanh gọi đủ thứ đồ ăn, thức uống mà không cảm thấy lãng phí. Một số phụ nữ giữ quan điểm “trả tiền là bổn phận của đàn ông”, đi với bất cứ người con trai nào dù không phải người yêu, họ cũng không bao giờ chịu trả hay chia tiền. Vì thế nhiều người còn tiến tới mục đích lợi dụng nguồn tài chính “chùa” đó.
Xã hội hiện tại của chúng ta đang thiên về vật chất và tiền bạc. Hai thứ này được coi là phương tiện để duy trì và đảm bảo một cuộc sống đủ đầy. Do đó, một cô gái sống thực tế họ sẽ không ngại nói thẳng suy nghĩ của bản thân, họ không quan ngại khi bày tỏ quan điểm về một tương lai với những đại gia hay những người đàn ông có tiền. Thậm chí, họ dám nói thẳng những điều không có lợi, dám chỉ trích những người đàn ông không có tiền.
Điều đó, dễ lý giải cho suy nghĩ, tiềm thức bấy lâu nay của người Việt: “đàn ông phải là người trả tiền”. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, "quy luật" này không do phụ nữ tạo nên. Nguyên nhân cũng cũng vì đàn ông “chiều chuộng” quá khiến phụ nữ sinh hư.
Thử nghĩ xem, nếu cánh mày râu không sĩ diện, quăng tiền để thể hiện sự ga lăng trước mặt phụ nữ hay muốn chứng tỏ mình là người có thật nhiều tiền để thu hút sự ngưỡng mộ và tình yêu từ các cô. Vậy hỏi có cô gái nào dám bắt họ đứng ra trả tiền, hay nhìn vào ví tiền đánh giá nhân cách của đàn ông?
Theo Khám Phá