Giữa xã hội mà slogan "chỉ có đàn ông mới mang lại hạnh phúc cho nhau" ngày càng phổ biến thì việc chấp nhận đàn ông ở "bẩn" là điều dễ hiểu. Tuy vậy, không phải chàng "cong" nào cũng "sạch" và không phải chàng "thẳng" nào cũng "bẩn".
Giới hạn trong đời sống thường nhật
Phụ nữ hầu như ai cũng hơn một lần cằn nhằn là tại sao người yêu hay chồng lại "bẩn" đến thế, nhà cửa bừa bộn, quần áo không thay, lại xuề xòa, không cạo râu, thậm chí là lười tắm gội…Sự vô tư lẫn lười biếng, cạnh đó là công việc, rồi các "độ" nhậu khiến cánh đàn ông "khó" có nhiều thời gian chăm chút cho bản thân huống hồ nhà cửa.
Có thể nói, xuề xòa và "bẩn" từ lâu đã là thương hiệu của cánh mày râu. Lý lẽ đưa ra là nếu quá tinh tươm thì họ cần gì đến những người phụ nữ như mẹ, vợ hay người yêu chăm sóc? Như thế, phụ nữ cứ đuối lý trước sự biện hộ quá đàn ông này. Lắm khi, phái yếu ngoài mặt cứ càm ràm nhưng tận sâu trong lòng lại cảm thấy đó là điều tất yếu, đáng yêu và sẵn lòng dọn "bẩn".
Minh Chuyên, NVVP, chia sẻ "chồng tôi vốn là dân thông tin, sự chỉnh chu tiểu tiết cứ như bị công việc chiếm hết. Anh ấy xuề xòa và chẳng có gì là gọn gàng, nhiều khi đi làm về chẳng thúc giục tắm rửa cũng cho qua luôn, phần vì cũng quá mệt. Nhưng tôi vẫn rất thương anh ấy, đàn ông là thế mà, đúng với biệt danh những đứa trẻ to xác và rất cần được chăm sóc…"
Thế nhưng trái ngược lại với M.Chuyên, T.Thủy lại gặp "khó khăn" nhiều hơn vì chồng cô quá "sạch". Có lần cô đã muốn "độn thổ" khi bạn bè đến chơi và vô tình làm dơ sàn nhà, thế là anh ấy mang giẻ lau ra và lau lấy lau để.
Với Thủy, đôi khi là phụ nữ nhưng chị thấy bản thân mình không tươm tất bằng chồng. Công việc cả hai đều bận rộn, cả hai mới cưới và chưa có con nên cô muốn tận hưởng cảm giác tự do, thoải mái của cặp vợ chồng son. Thế nhưng sự chỉnh chu, gọn gàng và sạch sẽ quá mức của chồng khiến cô thấy ngột ngạt.
"Đôi khi đi làm về, muốn hôn và gần gũi chồng hơn nhưng theo thói quen của anh ấy thì lịch trình "yêu" chỉ bắt đầu khi cơm nước đã xong, nhà cửa gọn gàng và hai người cũng đã…tắm xong, thế là "cụt đuôi", Thủy ngán ngẩm.
Như thế, cuộc sống của đàn ông có thể không "đảo lộn" chỉ vì chuyện sạch bẩn mà những người xung quanh mới là người chịu tác động.
Đàn ông "thẳng" vốn dĩ vô tâm. Xem ra, với cuộc sống gia đình một người đàn ông sạch sẽ quá mức khiến người yêu hay bạn đời của mình thấy hơi khó chịu và có phần bí bách.
Không cổ súy cho "phong trào ở bẩn", nhưng theo các nàng thì đàn ông xuề xòa có lẽ dễ yêu và dễ chấp nhận hơn.
Với nhiều cặp đang yêu hay bắt đầu tìm hiểu thì vấn đề này cũng khiến họ đau đầu, đôi khi lại vấp phải những tình huống dở khóc dở cười.
Nhiều cô gái phải nhắm mắt nhắm mũi chịu đựng mùi nước hoa "hòa trộn" với mùi tóc mà có lẽ lâu rồi không được làm sạch ở lần hẹn đầu tiên. Cũng có chàng khiến các quý cô chạy mất dép vì vẻ xuề xòa và ăn mặc không phù hợp tại nơi 2 người xuất hiện.
Ngày đầu một cuộc hẹn hò khác, T.Phương rất "nghi ngờ" về giới tính của partner bởi theo lời con bạn giới thiệu, chàng này "thẳng" 100%. Cũng hồi hộp như bao cuộc hẹn hò khác. Phương thấy hơi lo lo khi "phía kia" hơi "thơm" hơn sự mong đợi của cô. Quần áo được là kỹ càng và không thể phẳng hơn. Mùi Chanel Bleu đắt tiền bằng 3 lọ nước hoa của cô ở nhà cộng lại…
Sau nhiều lần giải thích và thanh minh, cộng với hàng tháng trời quan sát, Phương mới tin người cô đang tìm hiểu là đàn ông chính hiệu, chỉ có điều, anh ấy hơi "sạch" hơn bình thường thôi. Phương nhíu mày tỏ ra nghi ngại, chẳng biết nên vui hay buồn khi có bồ như chàng đây!
"Sát thủ" công việc
Trái với cuộc sống thường nhật, ranh giới bẩn và sạch của đàn ông lại ảnh hưởng rất lớn đến công việc của họ. Không vị sếp nào lại đánh giá thấp một ứng viên chỉnh chu và kỹ càng trong công việc. Ở góc độ này, chàng trai xuề xòa dễ bị mất điểm hơn.
Thử so sánh, môi trường công sở là nơi cạnh tranh khốc liệt, mọi thứ tưởng chừng là chung nhưng lại rất riêng biệt. Có thể bàn ghế, máy tính và những thứ khác trong công ty đều giống nhau, nhưng với việc liếc sơ chỗ ngồi làm việc, các nhà quản lý cũng có cái nhìn tổng quan về tính cách và khả năng tổ chức công việc của chính nhân viên đó.
Với những việc làm đòi hỏi tính tỉ mỉ và kỹ càng cao như kiểm toán, ngân hàng hay bác sỹ, dù là kỹ sư công nghệ thông tin hay bán hàng, chất lượng của một nhân viên cẩn thận và kỹ tính sẽ được đánh giá cao hơn hẳn những chàng "sao cũng được".
Chưa kể đến ngày nay, một cơ số lớn các sếp là phụ nữ đảm đương cương vị cao ở những công ty lớn thì đó thật sự là một cơn ác mộng đối với những chàng trai "bẩn" và lo ra.
"Không bàn đến các nhân viên nam là người đồng tính, đôi đặc biệt chú ý và có thiện cảm với những nhân viên chỉnh chu và cẩn thận. Họ không để bạn phải lo lắng nhiều và kiểm tra kỷ lưỡng tiến độ cũng như hiệu quả công việc.
Dễ thấy, một nhân viên kỹ tính sẽ dễ dàng cho bạn thấy họ đam mê và dấn thân vào công việc ở mức độ nào. Từ đó, có thể đánh giá được mức độ gắn bó và cống hiến với công việc mà họ đã lựa chọn. Rõ ràng, khi anh xuề xòa và hơi "bẩn" thì khả năng thăng tiến của anh cũng bị hạn chế", Chị M.Hương, Giám đốc nhân sự ở một công ty chia sẻ.
Như thế, "bẩn" trong cuộc sống thường nhật thì có thể chấp nhận nhưng sẽ là hạn chế cho các chàng khi đặt trong môi trường công việc vốn khắc nghiệt và đào thải cao.
Không ai lại ép buộc người yêu hay chồng mình học hỏi theo lối "sạch sẽ" tinh tươm của đồng nghiệp A hay anh hàng xóm B nào đó.
"Sạch" hay "bẩn" trong từng trường hợp sẽ có những điểm mạnh yếu khác nhau. Sẽ là giáo điều nếu như gượng ép một số phạm trù thuộc về cảm tính.
Tuy vậy, người đàn ông cũng không phải vô tâm đến mức chẳng nhận ra người yêu hay vợ của mình tỏ ra khó chịu khi mình có "lỡ" sạch sẽ thái quá hay "ở bẩn" vô đối.
Những giới hạn sẽ là hợp lý nếu biết nhận ra kịp lúc, đồng thời, hãy là người đàn ông biết sẻ chia và tâm lý, có như thế, thì "sạch" hay "bẩn" còn gì là đáng ngại?!
Theo Mốt & Cuộc sống