Ngắm gái đẹp
"Tôi chắc rằng chẳng cô gái nào cảm thấy thoải mái khi chứng kiến người yêu/chồng mình đang dán mắt vào màn hình, chăm chú ngắm các cô người mẫu sexy, ăn mặc mát mẻ hay xem các bộ phim khêu gợi, các cuộc trình diễn thời trang của Victoria's Secret... Nhưng đó lại là sở thích đời đời kiếp kiếp của một nửa thế giới.
Cho dù một người đàn ông đã sở hữu cô người yêu vô cùng xinh đẹp thì anh ta vẫn không ngừng đam mê các bức ảnh, chương trình... liên quan đến phái đẹp. Nó giống như một thú giải trí vậy.
Tuy nhiên, đàn ông buộc phải che giấu sở thích này trước mặt người phụ nữ của mình. Thông thường, chúng tôi sẽ tận hưởng thú vui này khi chỉ có đàn ông ngồi với nhau hoặc khi ở một mình. Chúng tôi sợ đối mặt với những cơn giận dữ, ghen tuông vô cớ của phái yếu khi thấy chúng tôi ngắm nghía gái đẹp" - Nguyễn Sơn, 30 tuổi, nhân viên CNTT, cho biết.
Khi thực sự đau đớn về thể xác
"Tôi đã không ít lần rơi vào hoàn cảnh tương tự. Một lần đá bóng bị gãy chân, lần khác là bị ngã xe rất nặng... Tôi đã đau đớn đến đứt từng khúc ruột nhưng không đời nào tôi thể hiện sự quằn quại, nhăn nhó của mình trước mặt bạn gái. Đặc biệt là khi nghe cô ấy hỏi 'Anh thấy thế nào?', tôi sẽ giả vờ rằng 'Anh không sao, hơi đau thôi'. Đó là sĩ diện đàn ông mà!
Dù sao chúng tôi cũng là những người khỏe mạnh, cứng cỏi hơn phụ nữ. Thế nên không thể để nỗi đau đớn về thể xác kia làm mất đi hình tượng đẹp đẽ trong lòng phái yếu được.
Thực tế mà nói, phụ nữ vốn là những người hay lo nghĩ. Chúng tôi sinh ra là để an ủi, làm chỗ dựa cho họ. Nếu nhìn thấy người đàn ông của mình ốm yếu, đau đớn thì chắc chắn các nàng sẽ ăn không ngon, ngủ không yên và nghĩ ra nhiều chuyện khác nữa.
Bởi thế, tôi nghĩ tất cả đàn ông đều sợ thể hiện bộ dạng yếu đuối, ốm đau trước mặt người phụ nữ của mình. Chúng tôi chọn cách nói dối và che giấu cảm xúc, vừa để các nàng bớt lo lắng và cũng để giữ hình ảnh một con người nam tính, khỏe mạnh trong lòng phái yếu" - Đoàn Đức, 28 tuổi, lập trình viên, bày tỏ.
Đàn ông quan niệm khóc đồng nghĩa với sự yếu đuối (Ảnh minh họa).
Lướt Facebook
"Tại sao anh lại quen cô ấy?', 'Sao em xinh đẹp này lại có trong danh sách bạn bè của anh?'... Đó là những câu hỏi mà dù bạn gái chưa bao giờ đặt ra nhưng tôi vẫn luôn ám ảnh và không ngừng tưởng tượng hàng trăm lần. Tôi sợ những cuộc chat chit, những dòng comment của mình trên tường của một cô gái xinh đẹp nào đó rơi vào tầm ngắm theo dõi của người yêu tôi.
Bạn đừng nghĩ tôi làm gì mờ ám nhé. Tôi sợ đơn giản vì phụ nữ là chúa hay ghen, trong ghi Facebook lại là thế giới ảo, nó đem lại niềm vui, sự thú vị dẫu không thực tế nhưng lại vô cùng hấp dẫn.
Con gái hiểu điều đó và họ cũng có những hành động tương tự khi lướt Facebook, cũng ngắm nghía những chàng đẹp trai, cũng bình luận, khen ngợi, chê bai đủ kiểu... Nhưng khi nhìn thấy tôi làm những việc này ngay trước mắt, chắc chắn cô ấy sẽ không thoải mái.
Mỗi lần thấy bạn gái tiến lại gần phía mình, tôi luôn chọn cách đóng tất cả các cửa sổ chat, các nick đang theo dõi... để tránh phải đối mặt với sự dò xét và các câu hỏi có trời mới biết sẽ phải trả lời thế nào của cô ấy.
Với những người đàn ông đã có vợ, tôi nghĩ việc lướt Facebook trước mặt vợ còn nguy hiểm và đáng sợ hơn nhiều. Phải nói rằng, trong thời đại ngày nay thì Facebook hoàn toàn có thể trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn mà các cặp đôi cần lưu tâm và lo lắng" - Nguyễn Trung Anh, 32 tuổi, giảng viên đại học, tâm sự.
Khóc lóc
"Tôi từng có hai lần đối mặt với chuyện khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được và rơi nước mắt. Đó là khi ba tôi qua đời và khi tôi bị thất bại rất lớn trong việc kinh doanh. Vợ tôi luôn nói chẳng bao giờ thấy tôi khóc, cho rằng tôi quá lạnh lùng, khô khan. Nhưng thực tế, tôi rất sợ những giọt nước mắt của mình rơi xuống. Bởi khi ấy tôi đang rơi vào tột cùng đau khổ và bất lực.
Ngoài hai lần trên, cũng không ít lần khác tôi đã cố gắng hết sức để ngăn nước mắt chảy ra. Cho dù vợ là người rất gần gũi, người mà tôi chẳng phải che giấu điều gì, nhưng thực lòng, tôi vẫn sợ khóc trước mặt cô ấy.
Đàn ông cũng là người trần mắt thịt, họ có xúc cảm thì khóc cũng là lẽ đương nhiên thôi. Nhưng sinh ra chúng tôi đã đảm nhận sứ mệnh của những người mạnh mẽ, luôn bảo vệ, che chở cho phụ nữ. Khóc đồng nghĩa với sự yếu đuối, quan niệm của đàn ông là vậy.
Dù thực tế nó chỉ là một cách thể hiện cảm xúc mà thôi, nhưng phái mạnh vẫn luôn muốn giấu những giọt nước mắt của mình trước mặt phụ nữ. Họ thực sự rất quan trọng điều này" - Lưu Quốc Nam, 31 tuổi, Đông Anh (Hà Nội), cho biết.
Nhờ hướng dẫn hay yêu cầu sự giúp đỡ việc gì đó
"Đàn ông chúng tôi không phải thần đồng. Đó là sự thật. Thế nên, chúng tôi không thể nắm rõ đường đi lối lại tất cả mọi nơi, cũng không biết cách làm tất cả mọi việc.
Biết là biết thế nhưng mâu thuẫn ở chỗ chúng tôi rất sợ nhờ vả, yêu cầu sự giúp đỡ từ phía phụ nữ. Sẽ có nhiều người coi chúng tôi là ngớ ngẩn nhưng thực sự, đây vẫn luôn là một trong những nỗi sợ lớn của cánh mày râu.
Với cá nhân tôi, tôi thà tìm hiểu trên mạng, nhờ vả bạn bè, gọi cho người thân... còn hơn là mở lời hỏi người mình yêu. Tôi cũng nhận thấy có chút giả tạo, phi lý khi mình hành động như thế, nhưng có lẽ tôi sẽ mãi giữ tư tưởng này. Đơn giản bởi nó liên quan đến sự nam tính, đến vai trò của phái mạnh.
Chúng tôi là kẻ mạnh, là trụ cột trong một mối quan hệ. Nhờ vả, cần đến sự trợ giúp khác nào kẻ yếu đuối, không biết làm gì... Đây cũng là tâm lý chung của đa số đàn ông"- Hoàng Hữu, 27 tuổi, kĩ sư viễn thông, chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ