Có một câu như thế này: “Hôn nhân có bền vững hay không chủ yếu là dựa vào trái tim của cả hai chứ không phải là quan hệ thể xác”. Bi kịch lớn nhất trên đời này là cả hai người yêu thương lẫn nhau nhưng lại không thể vun đắp được hôn nhân. Quả thực, yêu thì dễ, nhưng sống với nhau thì khó. Hôn nhân bất hạnh có hàng ngàn vạn kiểu bất hạnh, nhưng những cuộc hôn nhân hạnh phúc lại có một điểm chung: Đó chính là bằng lòng thỏa hiệp và nhượng bộ vì người kia. Cho dù là vợ chồng hay người yêu, có thể bên nhau, yêu thương nhau đến hết cuộc đời, thực ra đều là vì 3 điểm này.
Lúc cãi vã thường nhường nhịn
Có một khảo sát cho thấy, mỗi cặp vợ chồng 1 năm sẽ cãi nhau khoảng 189 lần, trung bình 2 ngày/lần, nếu dựa theo số liệu này tính đến 40 năm thì cả đời một cặp vợ chồng sẽ cãi nhau khoảng 7500 lần. Trên đời này chẳng có đôi vợ chồng nào không cãi nhau cả, chỉ có hôn nhân biết nhường nhịn, bao dung lẫn nhau mà thôi. Cuộc hôn nhân giữa nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Chu Tự Thanh và vợ là Trần Trúc Ẩn có thể được coi là ví dụ điển hình trong vấn đề này. Trước khi kết hôn, cả hai yêu nhau mặn nồng, từng bức thư tình khiến tình cảm của cả hai nhanh chóng thăng hoa.
Mọi người thường nói: “Tình yêu một khi bước vào hôn nhân sẽ chỉ còn lại toàn những thứ vớ vẩn, linh tinh”. Và một đôi tình nhân tựa thần tiên này cũng không thể thoát khỏi được lời nguyền đó. Chu Tự Thanh muốn vợ mình có thể ở nhà làm bà nội trợ, chăm chồng chăm con, vì ông đã quen với việc an nhàn, tự tại không phải lo toan việc gì. Ví dụ như khi Chu Tự Thanh về tới nhà không có cơm canh nóng hổi sẽ lập tức sa sầm mặt mũi, tỏ vẻ không vui, còn đem chuyện này viết thành văn chương.
Bạn cũ của vợ tới nhà chơi, người vợ lâu ngày không gặp bạn cũ nên nhất thời vui mừng quá khích, làm phiền Chu Tự Thanh đang trong phòng đọc sách, ông lập tức sầm mặt lại, còn không thèm chào hỏi cả bạn của vợ. Chu Tự Thanh thậm chí còn so sánh bà với vợ cũ của mình, viết văn tưởng niệm người vợ đã mất của mình một cách quang minh chính đại, thẳng thắn nói nhớ nhung sự dịu dàng, đảm đang của vợ cũ.
Hai vợ chồng bắt đầu cãi vã gay gắt, Trần Trúc Ẩn cảm thấy vô cùng uất ức, khóc lóc đòi ly hôn. Chu Tự Thanh thấy vậy bắt đầu hoảng, lập tức hỏi bà làm sao vậy. Người ta nói đàn ông thường vô tâm, vừa nghe vợ nói xong, Chu Tự Thanh lúc này mới cảm thấy hành vi này của bản thân quá ích kỷ. Chỉ với một câu “Anh sai rồi”, ông đã níu giữ được vợ mình. Khom lưng không phải là chịu thua, mà là để lấy lại hạnh phúc đã đánh rơi.
Một mối quan hệ lâu bền đều cần phải biết nhượng bộ. Ra ngoài sau cuộc cãi vã, về nhà lại mang theo món ăn bạn thích nhất. Một phút trước vừa nói lời cay nghiệt, lúc sau lại bước chân vào bếp nấu đồ ăn cho bạn. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc làm gì có thắng với thua, đúng với sai, mà chỉ có sự cảm thông và bao dung. Khi cãi vã, ai cúi đầu nhượng bộ trước không hề mất mặt, vì đó là biểu hiện bạn trân trọng, thương yêu, không nỡ làm tổn thương người kia.
Giúp bạn làm việc nhà
Chồng biết làm việc nhà là một trải nghiệm như thế nào? Có một người phụ nữ tên Trương Tuyền đã kể về trải nghiệm của mình như thế này: Cô là nhân viên cơ quan nhà nước, chồng là Giám đốc marketing của một công ty thực phẩm. Cô 5 giờ chiều tan làm, còn thời gian tan làm của chồng cô thì không cố định, lúc thì 8 giờ, lúc thì 9 giờ, có hôm tới 12 giờ… Vì thế, lẽ đương nhiên việc nhà đều do cô gánh vác.
Mỗi ngày đi làm về cô đều phải nấu ăn cho chồng con, đồ vest chồng mặc đi làm luôn luôn phải được ủi là phẳng phiu, trong nhà chưa từng có mùi hôi của rác… Có một lần, cô được cử ra tỉnh ngoài công tác vài ngày, cô đã chuẩn bị sẵn tinh thần rằng sau chuyến công tác, ngôi nhà sẽ trở thành bãi rác. Nhưng khi cô trở về, phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp đều đã được dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp, còn có một bữa tối nóng hổi.
Cô trêu chồng: “Hóa ra anh còn biết lau nhà, nấu cơm cơ à?”. Chồng cô nói: “Bình thường em chỉ thấy khả năng rửa bát của anh, bây giờ khó khăn lắm em mới đi công tác một lần, đương nhiên anh phải nắm bắt cơ hội thể hiện rồi”. Rất nhiều người đọc xong câu chuyện đều thi nhau khen cuộc hôn nhân hạnh phúc, bình yên như vậy là tuyệt nhất. Em cùng anh kiếm tiền nuôi nhà, anh cùng em làm việc nhà chăm con.
Việc nhà chưa bao giờ là trách nhiệm của riêng phụ nữ mà đó là nghĩa vụ chung của cả hai vợ chồng, hay nói cách khác đó chính là “thuốc bảo quản” cho gia đình hạnh phúc. Khi cô ấy nấu cơm, bạn tan làm xong quay về nhà có thể bước vào bếp giúp cô ấy bóc tỏi một cách tự nhiên. Khi anh ấy đang lau nhà, bạn ngồi bên giường vừa gấp quần áo vừa nói chuyện phiếm với anh ấy. Đừng so sánh ai làm nhiều hơn ai mà hãy hình thành suy nghĩ ai có thời gian rảnh thì làm.
Giống như câu nói của Vương An Ức: "Trước kia, tôi rất sùng bái những người đàn ông như Takakura Ken, cao to, mạnh mẽ, không bao giờ cười, như thể phải gánh vác sự đau khổ và trách nhiệm của cả thế giới vậy. Nhưng dần dần, sự lý giải về đàn ông của tôi ngày càng bình dị hơn, tôi hy vọng anh ấy có thể bao dung cho phụ nữ, gánh vác cho phụ nữ cho dù chỉ là công việc vặt vãnh như rửa một cái bát". Cơ hội cần đàn ông vượt núi đao biển lửa để cứu phụ nữ thực sự rất ít, cuộc sống ngày càng bị những thứ vặt vãnh lấp đầy. Thật vậy, có lẽ một cuộc hôn nhân hạnh phúc, không thể thiếu được câu “em/anh vất vả rồi, để anh/em”. Vợ chồng sống với nhau là nhà, cùng nhau làm việc nhà cũng là những hồi ức của tình yêu.
Biết thông cảm cho nhau
Vài năm nay do dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp lần lượt tuyên bố phá sản, các nhân viên cũng vì thế mà mất việc làm. Tôi có một người bạn tên Vương Viên, chồng cô là Trương Lộ cũng là một trong số những người bị thất nghiệp do Covid-19, đành phải tìm đường làm ăn mới. Trương Lộ nghĩ chi bằng tự mình lập nghiệp cho xong, trước mắt nền kinh tế đang dần hồi phục, nhân cơ hội này lập nghiệp là thời điểm thích hợp nhất. Vương Viên cũng không can thiệp vào sự lựa chọn của anh mà cứ hễ rảnh rỗi là sẽ cùng anh lo toan việc lập nghiệp.
Trương Lộ đã dựa vào số tiền tích lũy mình có, tìm thêm người đồng hành, đi khắp nơi điều tra thị trường, thuê và tu sửa mặt bằng, cũng gọi là thuận lợi khởi nghiệp. Nhưng chẳng ngờ, tình hình dịch lại đột nhiên nghiêm trọng hơn, hoàn toàn làm loạn nhịp độ công việc của anh, trường học tạm nghỉ, các cửa hàng đóng cửa ngừng kinh doanh, các khu phố bị phong tỏa... Điều này đối với cửa hàng mới mở của Trương Lộ mà nói hoàn toàn là một đả kích nặng nề, cửa hàng mới mở hoàn toàn không thể chịu đựng được thua lỗ do dịch bệnh. Anh chỉ có một lựa chọn, trả lại cửa hàng, lấy lại tiền thuê mặt bằng, nếu không thì sẽ nợ nần chồng chất. Lập nghiệp thất bại, lãng phí cả thời gian, tiền cũng ném qua cửa sổ, cả ngày anh chỉ tự nhốt mình trong phòng. Vợ anh khuyên anh, vậy mà anh lại quát vào mặt cô ấy, bảo cô cút đi.
Tuy Vương Viên không thích việc anh giận cá chém thớt, lấy cô ra để xả cơn bực tức nhưng cũng không đôi co với anh. Cô chỉ lặng lẽ đi nấu cơm, bưng tới trước mặt chồng, an ủi anh đừng quá để tâm. Cô thậm chí còn chuyển 50% số tiền tích lũy của mình cho chồng, giúp anh trả nợ. Tôi chỉ muốn nói một câu: “Cho dù có lãng mạn đến mấy, lời thề thốt có cảm động đến mấy thì đều không bằng việc kề cận mọi lúc mọi nơi, dù bất cứ hoàn cảnh nào”. Sự cảm thông này của Vương Viên cuối cùng đã giúp Trương Lộ bước ra khỏi nỗi buồn. Hai vợ chồng chung sống với nhau chắc chắn sẽ có lúc một người đột nhiên gặp khó khăn, có lẽ là thất bại trong sự nghiệp hoặc ốm đau bệnh tật… Có thể thấu hiểu, thông cảm cho đối phương, có thể ở bên họ trải qua những đau khổ mới có thể cùng nhau đi hết cuộc đời này.
Như nhà văn nổi tiếng Maksim Gorky từng nói: "Hôn nhân là sự kết hợp về tinh thần của 2 con người, mục đích chính là để cùng nhau khắc phục mọi khó khăn gian khổ trên đời". Hôn nhân của người trưởng thành không chỉ cần có tình yêu, có rung động, có thương yêu, mà còn có nghĩa khí đối xử chân thành với nhau. Lúc thành công, ta đập tay chúc mừng cùng người. Lúc thất bại, ta cùng người vượt khó khăn hoạn nạn. Như vậy thì có thể giành được vô số hào quang của cuộc đời. Có một câu nói như thế này: “Cuộc đời con người, hạnh phúc nhất chẳng qua là gặp được một người có thể đối xử với bạn chân thành, không giấu giếm, khiến bạn có thể yên tâm để lộ ra mặt yếu đuối nhất của mình trước người đó, cả hai nương tựa lẫn nhau bước tiếp”.
Khi có mâu thuẫn, cúi đầu nhận lỗi trước là vì cuộc đời ngắn ngủi này thực sự không nỡ lãng phí thời gian để khiến bạn buồn. Khi làm việc nhà sẽ không coi tất cả đều là lẽ đương nhiên, vì có chúng ta, mới có ngôi nhà này. Khi gặp phải khó khăn, hiểu được những lời khó nói của bạn, giống như câu nói: “Người thắng, ta cùng người ăn mừng chiến thắng. Người thua, ta cùng người làm lại từ đầu”.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)