Nổi bật nhất trong danh sách các ứng viên hạng 2 là hai cái tên nằm ở Top 5: Murray và Soderling. Đây chính là 2 tay vợt từng làm nên những bất ngờ thú vị nhưng đồng thời cũng không ít lần khiến người hâm mộ phải thất vọng về màn trình diễn kém cỏi của mình. Phong độ không ổn định của họ chính là yếu tố khiến cho người hâm mộ Anh và Thụy Điển cảm thấy lo ngại nhất.
Murray bấp bênh
Sau chiến thắng nghẹt thở ở trận bán kết tại Rome, Djokovic đã ngỏ lời khen ngợi đối thủ: “Murray đã chơi một trận rất hay. Anh ấy không gặp may khi không thể kết thúc trận đấu theo ý mình”. Trong khi đó, Murray đánh giá: “Trận vừa rồi là một trận đấu hay và tôi đã có cơ hội chiến thắng. Tôi có thể tranh chấp với những đối thủ như thế này và tôi cần phải chơi như vậy, thậm chí là hay hơn nữa, nếu muốn giành chiến thắng ở Roland Garros”. Chắc hẳn chẳng ai phủ nhận ý kiến của những người trong cuộc, nhưng đánh giá ấy lại ngầm nhắc người hâm mộ một điều: Murray dù chơi hay vẫn chưa thể chiến thắng và hơn nữa, thi thoảng tay vợt người Scotland này mới thể hiện được phong độ ấn tượng một cách ổn định.
Chẳng khó để nhận ra sự thiếu ổn định khá nghiêm trọng của Murray: sau khi lọt vào chung kết Giải Úc mở rộng, anh bị loại ngay trận đầu trong 3 giải sau đó rồi bất ngờ tỏa sáng ở Monte Carlo, rồi lại sa sút ở Madrid nhưng đã kịp “lên tiếng” ở Rome. Sự cộng hưởng của những thành tích trong vài tháng qua là minh chứng rõ nhất cho cái thế chông chênh của Murray, khiến anh trở thành tay vợt rất khó dự đoán. Để giải quyết khiếm khuyết này, Murray rất cần một HLV biết đưa ra những giải pháp nhằm đem lại sự ổn định về mặt tâm lý cho anh. Tuy nhiên, điều tiên quyết vẫn nằm ở chính bản thân tay vợt này mà nếu không vượt qua được, Murray sẽ không bao giờ có đủ khả năng tạo ra thế tranh chấp thật sự với 2 tay vợt hàng đầu hiện nay.
Soderling khủng hoảng niềm tin
Có nhiều tiến bộ trong gần 3 năm qua, Soderling đã tạo ra một thế đứng khá vững chắc trong danh sách 5 tay vợt hàng đầu thế giới. Thành tích ấn tượng nhất mà tay vợt Thụy Điển đã làm được trong thời gian ấy là 2 lần liên tiếp lọt vào trận chung kết Roland Garros và là mối hiểm họa cho các đối thủ trên sân đất nện. Thành công ấy được tiếp nối trong 2 tháng đầu năm nay khi Soderling đoạt 3 chức vô địch qua tổng số 4 giải mà anh tham dự. Thế nhưng, từ đầu tháng Ba, Soderling bắt đầu bước vào giai đoạn sa sút mà khởi đầu là thất bại đều ở vòng 3 tại Masters Indian Wells và Miami. Còn ở 2 giải Masters trên sân đất nện, Soderling đều phải dừng chân ở tứ kết trước Federer và Djokovic. Đúng là việc Soderling bị loại ở Rome là do gặp phải Djokovic, nhưng tỷ số thua 3/6, 0/6 của anh mới là điều khiến người hâm mộ cảm thấy khó chấp nhận được.
Nói về thành tích của Soderling không thể không nhắc đến vai trò của HLV Magnus Norman, người đã gây bất ngờ khi thành công trong việc biến một Soderling nóng nảy trở thành một Soderling điềm tĩnh hơn trong cuộc chơi. Tuy nhiên, điều làm người hâm mộ phải bất ngờ hơn nữa là đang trong thời kỳ thành công, Soderling lại đưa ra một quyết định lạ lùng: chọn ông Claudio Pistolesi làm HLV mới, người có quan điểm và tính cách hoàn toàn khác với HLV Norman. Dù rằng mối quan hệ này sớm chấm dứt chỉ sau 5 tháng cộng tác nhưng Soderling vẫn chưa thoát khỏi sự khủng hoảng về niềm tin và đấy chính là tín hiệu xấu trước thềm Roland Garros.
Báo TT TP.HCM