Marion Bartoli
Pháp là một trong 4 quốc gia chưa bao giờ vắng mặt trong các cuộc tranh tài kể từ khi Fed Cup ra đời vào năm 1963. Gần nhất, họ đăng quang năm 1997 và 2003 rồi 2 năm liên tiếp sau đó đều góp mặt ở trận chung kết. Nhớ đến những thành tích ấy, người Pháp càng thấy đau bởi giờ đây, quần vợt nữ của Pháp còn thiếu quá nhiều thứ.
Chuyện của LĐQV Pháp
Những người Pháp lạc quan cho rằng vẫn có nhiều lý do để nuôi hy vọng về sự tỏa sáng của đội nữ nước nhà trong một ngày gần đây. Họ dẫn chứng Rezai đang ở hạng 24 TG và vẫn còn ... trẻ, dù đã 24 tuổi. Còn Cornet mới 21 tuổi và chẳng có lý do gì để không tin rằng cô sẽ chơi ngày một tiến bộ hơn. Rồi còn Razzano luôn có tinh thần của một chiến binh thực thụ và chưa kể 2 tay vợt cùng ở tuổi 18 là Caroline Garcia, Cristina Mladenovic sẽ sớm bộc lộ tài năng.
Thế nhưng, những người có óc thực tế lại không nghĩ như vậy. Đúng là Rezai có thể chơi hay, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi cô tìm được môi trường luyện tập đích thực. Còn Razzano đã 28 tuổi và tinh thần chiến đấu cao không thôi thì chắc chắn chưa đủ để hy vọng tạo nên một thành quả nào đó. Còn Cornet, Garcia và Mladenovic cũng có thể thăng tiến thật, nhưng điều đó lại đòi hỏi rất nhiều yếu tố đi kèm. Nói tóm lại, để hy vọng vào tương lai, những nhà lãnh đạo của LĐQV Pháp phải có hành động cụ thể, thiết thực để sớm lập lại một đội tuyển thật sự mạnh.
Trước khi chờ đợi chuyện đó xảy ra, Pháp cần phải tìm cách kéo Bartoli trở lại đội tuyển. Trách nhiệm đầu tiên của người đội trưởng là phải triệu tập đủ những tay vợt giỏi nhất và phải tìm ra giải pháp để hoàn thành điều đó. Người ta cho rằng nếu áp dụng cách làm của Pháp vào đội Nga thì sẽ có rất nhiều tay vợt hàng đầu của Nga từ chối thi đấu cho đội tuyển. Chẳng hạn như chuyện của Bartoli, nếu như cha của tay vợt này không được đưa vào thành phần BHL thì cũng phải được cho phép gần gũi với đội và được phép huấn luyện con mình. Điều đó sẽ giúp Pháp tìm được sự ổn định về mặt thành tích và chẳng làm bẽ mặt ai.
Cần nhiều thứ nữa
Bên cạnh những tồn đọng đã được đề cập, còn một điểm yếu nữa trong đội tuyển Pháp mà hầu như chẳng ai đề cập đến: sự yếu kém ở nội dung đôi. Điều bắt buộc giờ đây là Pháp phải xây dựng được một đôi nữ có khả năng tốt nhất và tìm cách để họ có thể thi đấu cùng nhau trong suốt cả mùa giải. Bởi lẽ nếu cứ để xảy ra tình trạng yếu kém ở đôi nữ thì chẳng khác nào Pháp chấp đối phương hẳn một trận.
Một vấn đề nữa là Pháp chưa tạo được cái gọi là tinh thần đồng đội trong tuần lễ chuẩn bị trước giải, trong khi đây là điều cần phải có suốt cả năm. Điều rất quan trọng là người đội trưởng và các HLV cần phải có mặt ít nhất là nửa năm trong các giải WTA để theo dõi, động viên, nắm tình hình và tạo mối liên hệ gắn kết với các tay vợt. Không những thế, việc bám sát các giải WTA sẽ giúp BHL hiểu rõ đối thủ, biết được điểm mạnh và yếu của mỗi đối thủ để xây dựng kế hoạch và chiến thuật để đánh bại họ. Đúng là vào lúc này các tay vợt nữ của Pháp chưa giỏi, nhưng đừng lấy đó làm lý do để biện minh cho thành tích nghèo nàn vừa qua. Trả lời như thế thì quá dễ và không phải là giải pháp hướng đến sự tiến triển trong tương lai. Điều cần nhất là những hành động cụ thể.
Báo TT TP.HCM