Không ai phủ nhận sự trở lại của chị em nhà Williams đã phần nào làm lu mờ hình ảnh của Maria Sharapova, cũng như Roger Federer đang tạm thời bị Rafael Nadal và Novak Djokovic che khuất. Thế nhưng, sẽ là sai lầm lớn nếu coi 2 tay vợt kể trên chỉ là những kẻ ngoài lề trong cuộc tranh tài ở Wimbledon.
Động lực của Sharapova
Hiếm khi nào mọi người có thể nói rằng sự có mặt của Sharapova không gây được sự chú ý. Việc đoạt chức vô địch Wimbledon 2004 khi mới 17 tuổi đã giúp tay vợt người Nga xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Sports Illustrated, trong khi Federer và Nadal phải đoạt nhiều danh hiệu Grand Slam và tạo nên một trong những trận đấu hay nhất lịch sử mới có được vinh dự trên. Nói như thế đủ để thấy tài năng và sắc đẹp của Sharapova đã thu hút sự quan tâm lớn đến mức nào, mặc dù sự trở lại của cô sau chấn thương dai dẳng ở vai không phải là điều gây ấn tượng sâu sắc. Mất một thời gian dài để tìm lại hình ảnh của chính mình, Sharapova tiếp nối thành công trên sân đất nện bằng việc vượt qua vòng 1 Wimbledon một cách thuyết phục. Chiến thắng trước Chakvetadze được xem là lời cảnh báo mạnh mẽ của Sharapova, mặc dù con đường tiến đến trận bán kết để có thể đối đầu với Serena Williams vẫn còn xa.
Có thể nói Wimbledon năm nay là cơ hội lớn để Sharapova bổ sung vào bộ sưu tập của mình danh hiệu Grand Slam thứ 4. Bản thân cô cũng khẳng định: “Nếu tôi có thể đoạt thêm một chức vô địch Grand Slam nữa thì nó sẽ có ý nghĩa hơn cả những danh hiệu trước đây. Nếu làm được điều đó ở đây hay ở nơi khác, tôi cho rằng nó sẽ là thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của mình”. Xem cách Sharapova thi đấu ở vòng 1, niềm tin đặt vào cô càng tăng lên. Ngoài khát vọng cá nhân, Sharapova còn có thêm một động lực lớn khác là sự có mặt của vị hôn phu Sasha Vujacic, người luôn sát cánh cùng cô kể từ khi Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ kết thúc.
Cách làm của Federer
Federer đã vượt qua vòng 1 Wimbledon và dự báo cũng sẽ chẳng gặp khó khăn gì khi so tài với Mannarino ở vòng 2, trong khi nhiều tay vợt khác lại gặp vấn đề về sức khỏe. Phải chăng tay vợt người Thụy Sĩ biết cách tồn tại mà không hề dính chấn thương? Câu hỏi này đã được Roddick trả lời ngay: “Nhìn Federer thi đấu, chẳng cảm thấy anh ấy phải cố gắng, vậy thì làm sao có thể chấn thương được”. Trong khi đó, Federer cho rằng mọi chuyện không dễ dàng như hình ảnh mà anh thể hiện trên sân và anh nói thêm: “Tôi luyện tập rất nhiều về mặt thể lực và tinh thần. Cuối cùng, khi 2 yếu tố này có hiệu quả cùng lúc thì tôi có thể di chuyển dễ dàng hơn trên sân với nỗ lực bỏ ra ít hơn”.
Đúng là Federer có hẳn một đội ngũ chuyên lo về chuyện thể lực và kế hoạch tập luyện, nhưng bản thân anh cũng biết khi nào cần tung sức tối đa và biết cách đối mặt với những chỉ trích về sự chọn lựa của mình. Mọi người có nói thế nào đi nữa thì kết quả chính là câu trả lời: Federer chưa bao giờ phải bỏ cuộc trong trận đấu và chỉ bỏ cuộc trước trận đấu đúng một lần. Để làm được điều đó, Federer biết cách ngăn ngừa chấn thương một cách tỉ mỉ, ví dụ như sau khi bị chấn thương ở mắt cá chân, bao giờ anh cũng quấn băng ở cổ chân trước mỗi trận đấu để ngăn chấn thương tái phát.
Ngày qua ngày và dù đã bước vào tuổi 30 nhưng Federer vẫn còn sung sức như ngày nào. Bởi vậy, nếu cho rằng Federer không có đủ sức tranh tài ở Wimbledon thì sẽ là một sai lầm cực lớn.
TTTPHCM