Với doanh thu hàng năm chưa đến 50 triệu euro, Sergio Tacchini chẳng thể nào sánh được với các “ông lớn” Nike và adidas có thu nhập hàng năm lần lượt là 2,55 tỷ và 4,7 tỷ euro. Cũng chẳng có gì khó hiểu vì thương hiệu của Italia này ra đời chưa đến 50 năm và mới bị vỡ nợ hồi năm 2007. Vậy mà bây giờ Sergio Tacchini đã qua mặt Nike và adidas ở khía cạnh thành công trong việc tài trợ.
May hay là tầm nhìn chiến lược?
Trong lĩnh vực kinh doanh, sự cạnh tranh luôn rất khắc nghiệt và cái giá phải trả cũng không hề nhỏ nếu bị đối thủ cạnh tranh trực tiếp qua mặt ở một lĩnh vực nào đó. Adidas đã bị hố và đau hơn nữa là chính họ lại trao cơ hội vào tay người khác khi sau một thời gian cân nhắc giữa Djokovic với Murray, hãng này quyết định chọn tay vợt của Scotland để ký hợp đồng. Thế là Sergio Tacchini chộp ngay lấy cơ hội và lập tức ký hợp đồng 10 năm với Djokovic kể từ tháng 11/2009, dù lúc đó anh chỉ mới đoạt một chức vô địch Grand Slam và xếp hạng 4 TG.
Djokovic bất ngờ ký hợp đồng với Sergio Tacchini. Ảnh: Internet
Việc adidas chọn Murray cũng có cái lý của họ vì Djokovic là người Serbia, mà thị trường ở đất nước này chẳng thể nào lớn bằng Vương quốc Anh. Hãy cứ hình dung nếu Murray trở thành tay vợt Anh đầu tiên sau hơn 70 năm đoạt chức vô địch ở Wimbledon thì adidas sẽ thu được khoản lợi nhuận lớn đến thế nào. Thế nhưng, cái chữ nếu ấy vẫn chưa xảy ra và tạm thời adidas phải cay đắng nhìn Sergio Tacchini gặt hái thành công lớn với Djokovic.
Có ý kiến cho rằng cái thua của adidas là họ kém Sergio Tacchini ở tầm nhìn chiến lược. Ông Edoardo Artaldi, người phụ trách marketing của Sergio Tacchini, nói ngắn gọn: “Chúng tôi nắm bắt được triển vọng của Djokovic trong việc vươn lên đỉnh cao”. Trong khi đó, người đứng đầu công ty hoạt động trong lĩnh vực tài trợ thể thao Leverage là ông Benjamin Sturner đánh giá: “Tầm vóc của một công ty đòi hỏi các nhà quản lý phải có tính sáng tạo bởi họ không thể hợp tác với cả chục tay vợt hàng đầu được mà chỉ có thể tập trung vào một hoặc 2 tay vợt mà thôi. Hợp đồng của Sergio Tacchini với Djokovic là mạo hiểm, nhưng nó đã được đền đáp một cách trọn vẹn”.
Đôi bên cùng hưởng lợi
Khi mọi sự chú ý đổ dồn về phía Djokovic thì điều đó còn nói lên rằng hợp đồng giữa anh với Sergio Tacchini đã đem lại thành công vượt ngoài mong đợi. Dù không tiết lộ hãng của mình phải trả cho Djokovic bao nhiêu tiền trong hợp đồng 10 năm, nhưng ông Artaldi khẳng định: ngoài việc được thưởng thêm theo số chức vô địch và thứ hạng vào cuối năm, Djokovic còn được hưởng phần trăm từ doanh số bán hàng của Sergio Tacchini ở Trung Quốc, cũng như từ doanh số bán sản phẩm có gắn thương hiệu Djokovic khắp toàn cầu.
Kể từ khi Djokovic gặt hái những thành công vang dội, doanh số bán hàng của Sergio Tacchini tăng lên rõ rệt và dĩ nhiên ông Artaldi chẳng dại gì tiết lộ chi tiết. Thế nhưng, từ kinh nghiệm trên thương trường, ông Sturner phân tích: “Nếu như ký hợp đồng với Nike hay adidas thì Djokovic chỉ là một trong 3 hay 4 ngôi sao của hãng đó, còn khi ký với Sergio Tacchini thì anh ấy là ngôi sao duy nhất và điều đó giúp hãng này xây dựng thương hiệu. Họ có thể dựng những đoạn băng video có sự góp mặt của Djokovic rồi tung lên mạng và như vậy sẽ thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng”.
Báo Thể thao TPHCM