Chưa bao giờ kể từ khi tennis thế giới bắt đầu kỷ nguyên mở rộng (từ 1968), các tay vợt hàng đầu lại cảm thấy họ bị "hành hạ" nhiều đến thế bởi môn thể thao mà lí do lớn nhất khiến họ theo đuổi là niềm đam mê. Bản chất của mâu thuẫn ở đây chính là việc ATP (Hiệp hội quần vợt nhà nghề) và các tay vợt không (hay chưa) dung hòa được mục đích và quyền lợi của nhau.
Bản thân các tay vợt muốn tối đa hóa thu nhập nhưng lại chỉ muốn tập trung tham dự những giải đấu quan trọng nhất. Nghĩa là tiền thì họ muốn kiếm được càng nhiều càng tốt nhưng chơi thì chỉ có "mức độ" thôi. Nhưng nhà tổ chức lại muốn những tay vợt xuất sắc nhất góp mặt trong càng nhiều giải đấu do họ lập ra càng tốt vì có như thế mới đảm bảo thành công cho giải đấu (thu hút đông khán giả đến sân, đảm bảo uy tín cho nhà tổ chức cũng như doanh thu từ quảng cáo và lượng vé bán ra).
Andy Murray. Ảnh: Getty
Như vậy, rõ ràng cả nhà tổ chức (ATP) lẫn các tay vợt đều cần có nhau và phải "dựa vào nhau mà sống". Cả hai bên đều muốn có tiền. Nhưng các tay vợt không chỉ muốn bỏ túi nhiều triệu USD. Họ còn muốn "nuông chiều" cơ thể mình sau những giải đấu liên tu bất tận. Và cho rằng nhà tổ chức chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ sức khỏe cho những "con gà" có thể "đẻ trứng vàng" cho họ.
Murray than rằng ATP đang đòi hỏi quá nhiều ở các tay vợt, biến họ thành những cỗ máy kiếm tiền và quảng bá mà không cần đếm xỉa đến sức khỏe của họ. Sự kiện Djokovic rách một phần cơ lưng khiến anh buộc phải để ngỏ thời gian trở lại thi đấu càng khiến những ngôi sao banh nỉ thêm quyết tâm đấu tranh với ATP để cơ cấu lại lịch đấu. Dự kiến "hội nghị thượng đỉnh" sẽ diễn ra tại Thượng Hải đầu tháng 10/2011. Nhân dịp tham gia giải Thượng Hải Masters 1000 (giải đấu thứ 8 trong hệ thống 9 giải Masters 1000 thuộc ATP), các tay vợt sẽ cùng ngồi lại với nhau để thống nhất đề nghị ATP thay đổi lịch đấu, và nếu không được chấp thuận, họ có thể sẽ tiến hành đình công.
Từ nay đến cuối năm còn 3 giải đấu quan trọng nữa. Đó là 2 giải Thượng Hải Masters 1000 và Paris Masters 1000. Ngoài ra, 8 tay vợt nam hàng đầu thế giới sẽ đua tài ở Barclays ATP World Tour Finals diễn ra từ 20 tới 27/11 năm nay. Chỉ hơn một tháng sau, mùa giải 2012 lại bắt đầu. Sau đó không lâu, giải Grand Slam đầu tiên của năm là Australia mở rộng chính thức khởi tranh.
Mặc dù từ mùa giải tới, các tay vợt sẽ có thêm 2 tuần nghỉ để "nạp pin" nhưng điều đó không có nghĩa là bất đồng hiện nay giữa những quyền lực hàng đầu của thế giới banh nỉ với ATP sẽ chấm dứt. Theo Murray, số giải đấu mà một tay vợt phải tham gia mỗi mùa là quá nhiều. Không phải là tay vợt Scotland không có lí. Những tay vợt thuộc top 30 thế giới mùa nào cũng phải tham dự 4 giải Grand Slam, 8/9 giải Masters 1000, 4/11 giải thuộc hệ thống ATP World Tour 500, 2 giải thuộc hệ thống ATP World Tour 250 hoặc Challengers. Ngoài ra, 8 tay vợt nam xuất sắc nhất còn dự Barclays ATP World Tour Finals.
Tổng cộng là 18 giải tất cả. Tất nhiên, nếu chấn thương hoặc vì lí do bất khả kháng nào đó họ không dự được thì đánh chịu. Nhưng vấn đề ở chỗ "bỏ thì thương, vương thì tội". Về cơ bản, những giải đấu nói trên có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xếp hạng hạt giống của các tay vợt tại các giải đấu cũng như hợp đồng của họ với các hãng quảng cáo, nhà tài trợ.
Rõ ràng, không tập đoàn quảng cáo nào lại thuê một tay vợt thường xuyên vắng bóng ở các giải đấu làm người đại diện hình ảnh cho họ. Cũng tương tự như vậy, nếu bỏ quá nhiều giải đấu, tay vợt sẽ bị tụt hạng rất xa và mất suất hạt giống. Murray đã nói rất rõ ràng rằng anh và đồng nghiệp của mình muốn được quyền lựa chọn giải đấu để tham gia. Tay vợt Scotland kêu ca rằng phải dự quá nhiều giải đấu thuộc dạng "vô thưởng vô phạt".
TT&VH