Thế là không cần đánh set 3, tay vợt Serbia nghiễm nhiên ghi tên mình vào vòng 4. Cũng được hưởng lợi nhờ đối thủ rút lui như Tipsarevic là á quân Mỹ mở rộng 2003 Juan Carlos Ferrero. “Gừng già” người Tây Ban Nha đang đánh dở set 2 thì đồng hương Granollers của anh “vẫy cờ trắng” vì chấn thương lưng. Do đó, Ferrero không mất nhiều mồ hôi mà vẫn có vé vào vòng 4.
Tuy chưa đến mức “bất chiến tự nhiên thành” nhưng rõ ràng nhiều tay vợt đã giành quyền đi tiếp mà không phải dốc sức đánh đến cùng. Hai trường hợp rút lui của Berdych (9) và Granollers (31) nâng tổng số trường hợp các tay vợt bỏ cuộc giữa chừng ở Mỹ mở rộng năm nay lên 14 người. Cộng cả 3 người vắng mặt từ trước ngày khai mạc giải là Clijsters (đau dạ dày). Lleyton Hewitt (đau chân) và Raonic (đau hông) đã có 17 tay vợt bỏ cuộc các thể loại trước và trong khi giải Mỹ mở rộng khởi tranh.
Berdych bỏ cuộc giữa chừng vì đau vai phải - Ảnh Getty
Trong lịch sử tennis thế giới kể từ kỷ nguyên mở rộng (1968) đến nay, chưa bao giờ số tay vợt bỏ cuộc trong thời gian diễn ra một giải Grand Slam lại nhiều như thế. Kỷ lục trước là 12 người bỏ cuộc giữa chừng ở Wimbledon 2008. Trước Berdych, một tên tuổi khác ở giải nam là Soderling (6) đã rút lui ngay trước khi đánh trận vòng 1 của anh vì đổ bệnh.
Ở giải nữ, Venus Williams bỏ cuộc ở vòng 2 vì mệt mỏi. Tình trạng các tay vợt “thi nhau” rút lui khiến người ta phải đặt câu hỏi vì sao lại có sự trùng hợp như vậy. Tình trạng thể lực của các tay vợt sa sút đến mức báo động là do đâu.
Bình thường mỗi mùa giải có tới trên dưới 70 giải đấu lớn nhỏ dành cho các tay vợt nam và nữ. Với một lịch đấu dày đặc như thế, chỉ riêng việc lựa chọn giải đấu cho mình đã là cả vấn đề không đơn giản. Không tay vợt nào có thể đánh hết các giải vì như thế là quá nhiều, quá mệt. Nhưng chọn giải nào, bỏ giải nào cho hợp lý không phải tay vợt nào cũng làm được. Bỏ giải nhiều quá thì không có điểm tích lũy và sẽ tụt hạng rất xa. Khó lòng được chọn làm hạt giống. Và dĩ nhiên là họ không có cơ hội giành các danh hiệu cao quý. Nhưng dự quá nhiều giải thì rất dễ dẫn đến chấn thương và không có được điểm rơi thể lực tốt ở những giải đấu quan trọng.
Mùa nào làng tennis cũng có 4 giải Grand Slam. 9 giải Masters 1000. Ngoài ra 8 tay vợt nam hàng đầu thế giới còn tham dự Barclays ATP World Tour Finals vào cuối năm. Thế nên, đẳng cấp ngôi sao được thể hiện ngay từ chiến thuật chuẩn bị thể lực, lựa chọn giải đấu chứ chưa nói đến chuyện cầm vợt ra sân.
Hai vụ rút lui giữa chừng của Berdych và Granollers đã che mờ những chiến thắng của Federer và Djokovic tại vòng 3 đơn nam. Chiến thắng của Serena Williams (28) trước hạt giống số 4 người Belarus Azarenka ở giải nữ không khiến người ta quan tâm nhiều lắm. Djokovic thắng dễ Davydenko 6-3, 6-4, 6-2. Federer (3) hạ Marin Cilic (27) của Croatia 6-3, 4-6, 6-4, 6-2. Mardy Fish (8) tiếp tục giương cao ngọn cờ hy vọng của tennis Mỹ với chiến thắng 6-4, 7-6(4), 7-6(3) trước Anderson của Nam Phi. Tsonga (11) hạ Verdasco (19) của Tây Ban Nha 6-3, 7-5, 6-4. Tất cả họ hẹn nhau ở vòng 4.
Thoạt nhìn việc Serena (28) thắng Azarenka (4) có vẻ bất ngờ nhưng thực tế hoàn toàn không phải. Tay vợt Belarus chưa bao giờ tiến xa hơn vòng 4 Mỹ mở rộng và chưa từng vào CK Grand Slam thì không thể sánh với Serena. Cô gái Mỹ tung ra 12 cú ace (Azarenka 1) và 39 pha thắng điểm (Azarenka 18). Do Clijsters vắng mặt từ trước giải đấu cộng thêm việc Na Li (6), Kvitova (5), Azarenka (4), Sharapova (3), Bartoli (8) cứ lần lượt bị loại khiến danh sách hạt giống hàng đầu của nữ thưa thớt dần. Lúc này chỉ còn lại Wozniacki (1), Zvonareva (2), Schiavone (7) là những hạt giống tên tuổi nhất còn trụ lại cho tới vòng 4. Tất cả họ gần như chắc chắc đều sẽ phải vượt qua một Serena Williams cực khỏe nếu còn mơ đăng quang đơn nữ Mỹ mở rộng 2011.
TT&VH