Huyền thoại Bjorn Borg đoạt 11 chức vô địch Grand Slam rồi giải nghệ ở tuổi 25, trong khi John McEnroe, Ivan Lendl, Boris Becker và Stefan Edberg hoàn toàn trắng tay khi vượt qua tuổi 30. Điều tương tự sẽ xảy ra với Federer? Nhiều chuyên gia không tin vào điều đó!
Tiếng nói từ lịch sử
Nhìn lại quá khứ, người ta thấy trong 43 năm ở kỷ nguyên mở, có không dưới 18 chức vô địch Grand Slam thuộc về các tay vợt từ 30 tuổi trở lên. Và tổng cộng đã có 10 tay vợt làm được điều hiếm có ấy. Như huyền thoại Rod Laver thâu tóm cả 4 danh hiệu Grand Slam vào năm 1969, khi ông đang ở độ tuổi 30. Rồi Ken Rosewall lọt vào trận chung kết 8 lần, đoạt 4 chức vô địch và tất cả điều đó đều xảy ra sau sinh nhật lần thứ 33 của ông.
Thời gian gần hơn có thể kể đến Andre Agassi, người đoạt chức vô địch Giải Úc mở rộng 2001, 2003 (chưa kể lọt vào trận chung kết Giải Mỹ mở rộng 2002, 2005) khi đã ngoài 30 tuổi. Còn người đánh bại Agassi trong trận chung kết Giải Mỹ mở rộng 2002 chính là Pete Sampras khi anh đã 31 tuổi. Có thể kể ra thêm nhiều tay vợt khác làm được điều tương tự là Jimmy Connors, Arthur Ashe...
Federer. Ảnh: Internet
Dĩ nhiên, quá khứ là quá khứ và không thể áp quá khứ vào hiện tại, không thể so sánh chuyện quá khứ với hiện tại bởi bối cảnh ở mỗi giai đoạn không hề giống nhau. Tuy nhiên, những con số trong quá khứ vẫn có những giá trị nhất định và một phần nào là cơ sở để đặt hy vọng vào chuyện ở thì tương lai. HLV Darren Cahill, người có công đưa Agassi và Hewitt lên ngôi số 1 TG, nhắc nhở: “Tôi đã tận mắt chứng kiến những tay vợt ngoài 30 tuổi đoạt chức vô địch Grand Slam. Tôi muốn nói là hãy nhìn vào lịch sử để thấy việc Federer sẽ có thêm danh hiệu Grand Slam là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.
Niềm tin vào tương lai
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, không thể đòi hỏi Federer phải đạt được thành tích chói lọi như thời hoàng kim: đoạt trung bình 2,3 chức vô địch Grand Slam mỗi năm. Đấy là điều không tưởng và sẽ thiết thực hơn nếu đặt câu hỏi về khả năng chiến thắng của anh ở những giải Grand Slam tiếp theo. Hẳn không ít người cho rằng tay vợt người Thụy Sĩ đã hết thời khi đưa ra dẫn chứng là sau chức vô địch Giải Úc mở rộng 2010, Federer đã trắng tay ở 6 Grand Slam, trong đó thành tích tốt nhất chỉ là một lần vào chung kết ở Roland Garros vừa qua.
Thế nhưng, chính ở sân chơi này, Federer đã lấy lại thanh danh của mình khi trở thành tay vợt duy nhất kể từ đầu năm hạ gục được Djokovic và sau đó đã chơi trận chung kết ấn tượng trước Nadal. Bởi vậy, HLV Cahill mới tin tưởng cho rằng: “Hẳn nhiên là mọi người sẽ không thấy Federer chiếm thế thượng phong như trước đây. Tôi nghĩ Roland Garros là nơi Federer có ít cơ hội nhất, nhưng sau khi xem anh ấy thi đấu trong năm nay, mọi người phải tin là anh ấy có thể đoạt thêm chức vô địch Grand Slam nữa”.
Còn phân tích về cơ hội để Federer nâng số danh hiệu vô địch Grand Slam lên con số 17 cũng như phá các kỷ lục khác, ông Cahill phân tích: “Những kỷ lục sẽ còn bị phá vỡ và thật khó tin là Federer sẽ chỉ phá được một kỷ lục. Có 2 yếu tố quyết định để tin tưởng: chơi hay và giữ được sức khỏe. Federer có cả 2 yếu tố đó”. Đồng tình với nhận định này, chuyên gia Brad Gilbert nói thêm: “Federer không phải là người nghĩ rằng việc lọt vào tứ kết Grand Slam đã là thành công, anh ấy muốn là người chiến thắng. Sampras có sa sút một chút trước khi đoạt chức vô địch Giải Mỹ mở rộng 2002 và tôi cho rằng Federer chưa phải đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Báo Thể thao TPHCM