Dĩ nhiên, những đề tài mà mọi người đặt ra là hoàn toàn có cơ sở. Chỉ có điều, có những chuyện nói mãi sẽ trở thành nhàm và thậm chí còn đi đến chỗ lố bịch. Dưới đây là những đề tài mà có lẽ nên chấm dứt tranh luận, ít nhất là trong suốt thời gian diễn ra cuộc chơi trên sân đất nện.
Wozniacki có xứng với ngôi số 1?
Chẳng ai lại không thừa nhận Wozniacki là tay vợt phi thường nhưng lại chưa có một danh hiệu Grand Slam nào. Đương nhiên, hệ thống và phương thức xếp hạng là điều cần phải xem xét lại toàn bộ vì rõ ràng WTA đang “sa lầy” vào chuyện này. Thế nhưng, liệu mọi người có để ý đến vấn đề là việc chưa đoạt được một chức vô địch Grand Slam nào có gây tác hại đến số điểm tích lũy của tay vợt người Đan Mạch? Chứ nếu đăng quang ở một trong 3 Grand Slam hồi năm ngoái, Wozniacki sẽ có số điểm cao hơn rất nhiều so với tay vợt số 2, thay vì chỉ hơn có 1.595 điểm như hiện tại.
Bảng xếp hạng WTA được tính trong 52 tuần và trong khoảng thời gian ấy, Wozniacki có thành tích chung tốt hơn bất kỳ tay vợt nào khác. Thi đấu tốt hơn tất cả trong suốt cả năm, tay vợt người Đan Mạch xứng đáng chiếm vị trí số 1. Bởi vậy, đề tài này nên được chấm dứt đi là vừa.
Nỗi bất hạnh của Murray
Khi Murray đoạt 2 chức vô địch Masters và lọt vào trận chung kết Giải Mỹ mở rộng 2008, ai cũng dự đoán anh sẽ có ngày lên ngôi ở Grand Slam. Khi Murray đoạt 6 chức vô địch hồi năm 2009, trong đó cũng có 2 danh hiệu Masters, dự đoán trên càng được củng cố vững chắc hơn nữa. Và rồi cuối năm ngoái, tay vợt số 4 TG này còn bổ sung thêm vào bộ sưu tập cá nhân 2 chiếc cúp Masters nữa...
Vậy mà dự đoán trên đã trở thành chuyện phù phiếm khi Murray cứ liên tục dập tắt mọi niềm hy vọng của người Anh. Hiện nay, Murray đã thay đổi phương thức tập luyện và điều đó có là liều “thuốc bổ” để anh gượng dậy hay sẽ phải tiếp tục nhận thêm những thất bại nặng nề khác? Chẳng ai biết được, chỉ có điều có thể khẳng định một cách chắc chắn là trong lịch sử đã có những tay vợt hết sức tài năng nhưng khi kết thúc sự nghiệp mà vẫn hoàn toàn trắng tay ở Grand Slam. Lúc này, người ta chỉ biết gửi lời chúc may mắn đến Murray và mong anh sẽ tha thứ và bỏ qua ý kiến của những người từng nói rằng họ chẳng tin Murray sẽ có ngày đăng quang ở Grand Slam.
Quyền lực của Federer
Có một nghịch lý không thể tránh được là việc Federer có thua Nadal hay Djokovic bao nhiêu lần cũng không phải là vấn đề bởi điều mà các nhà chuyên môn nghĩ đến nhiều hơn là sự hồi sinh của tay vợt người Thụy Sĩ. Cứ mỗi khi Federer sa sút, cả thế giới quần vợt dường như dừng lại. Rồi tất cả đều bị kích thích khi Federer trỗi dậy như ở World Tour Finals cuối năm 2010 khi anh đánh bại mọi đối thủ trên đường tiến đến ngôi vô địch.
Hiện thời, một giải Grand Slam và 2 giải Masters trong năm đã trôi qua mà Federer vẫn chưa có một danh hiệu nào đáng kể, ngoài chức vô địch chẳng mấy giá trị ở Doha hồi đầu năm. Thất bại của Federer trong 3 tháng đầu năm làm tan nát trái tim người hâm mộ anh, nhưng có một thực tế mà họ phải chấp nhận: Federer hiện nay không còn là Federer của thời hoàng kim nữa. Bởi vậy, sẽ là điều thiết thực và vui vẻ hơn nếu người hâm mộ hãy cứ tận hưởng những gì còn lại. Nếu Federer đoạt thêm được một chức vô địch Grand Slam nữa thì cứ coi như đó là phần phụ thêm vào bộ sưu tập vốn đã quá hoành tráng của anh. Thế là đủ!
Báo Thể thao TP.HCM