Chấn thương căng cơ bụng đã khiến đương kim vô địch nội dung đơn nữ Kim Clijsters phải bỏ giải đấu và Tomas Berdych xác lập kỷ lục những ca chấn thương của các tay vợt nam hàng đầu ở US Open đạt con số 500 khi tay vợt người Czech bỏ dở giữa chừng trận bán kết gặp Novak Djokovic ở giải Cincinnati Open vì một chấn thương vai.
Berdych không phải là người duy nhất. Chính tay vợt số 1 thế giới Djokovic tiết lộ sau đó rằng anh gặp vấn đề với vai phải. Người số 2, Rafael Nadal, vẫn chưa bình phục hoàn toàn chấn thương chân anh dính phải ở Wimbledon. Andy Murray bước vào trận chung kết ở Cincinnati với đôi chân mệt mỏi sau khi đánh bại Mardy Fish ở bán kết. Còn bản thân Fish kết thúc trận đấu với một bên mắt cá sưng tấy.
Novak Djokovic không thật sự sung sức khi bước vào US Open - Ảnh Getty
Đầu tuần này, Serena Williams cũng gây ra nhiều đồn đoán về khả năng cô tham dự US Open khi rút lui khỏi Cincinnati do một chấn thương ngón chân, được cho là một trong những hệ quả của vụ chấn thương dây chằng nghiêm trọng khi Serena giẫm phải mảnh thủy tinh trong một nhà hàng tại Đức sau giải Wimbledon hồi năm 2010. Nhưng chính việc Serena bỏ dở giải Cincinnati từ sớm mang lại hy vọng cô vẫn có thể hồi phục kịp và ra sân ở New York.
Rất nhiều ca chấn thương là những vụ việc không may có thể xảy ra với mọi vận động viên ở những môn thể thao đòi hỏi vận động cường độ cao như quần vợt, nhưng rõ ràng lúc này đang có nhiều tay vợt đỉnh cao phải bỏ lỡ các giải Grand Slam vì vấn đề thể lực hơn bất cứ khi nào trong quá khứ. Không khó để chỉ ra nguyên nhân căn bản: một lịch thi đấu quá dày đặc đã vắt kiệt sức mọi tay vợt.
Trong suốt một thời gian dài, các tay vợt hàng đầu thế giới đã hối thúc Liên đoàn các tay vợt chuyên nghiệp (ATP), chuyên tổ chức những giải đấu dành cho nam và Liên đoàn quần vợt nữ (WTA), chịu trách nhiệm lên chương trình các giải nữ, sắp xếp lại lịch thi đấu. Tuy nhiên, những yêu cầu của họ chỉ như hòn đá ném xuống ao bèo khi đặt cạnh nguồn lợi kinh tế khổng lồ của các giải đấu, những nhà tài trợ và cả sự háo hức của các cổ động viên muốn được chứng kiến những trận cầu đỉnh cao liên tục.
Đó giống như là một lời nguyền với quần vợt chuyên nghiệp hiện đại. Khi các tay vợt không có đủ thời gian để hồi phục thể lực hoặc một chấn thương nhẹ, họ phải ra sân trong tình trạng của một thương binh và rồi bỏ cuộc giữa chừng. Kể từ ngày 2/1 đến nay, khi tay vợt vô danh Daniel Puttkammer bỏ cuộc vì chấn thương chỉ sau 31 phút trong trận gặp đối thủ người Nhật Go Soeda ở giải Chennai Open, ca chấn thương đầu tiên ở một giải trong hệ thống chuyên nghiệp ATP của năm 2011, hầu như mỗi ngày đều có tin tức về nỗi bất hạnh diễn ra ngay trên sân đấu với các tay vợt nam.
Tại giải Rogers Cup ở Montreal, Canada, Jo-Wilfred Tsonga, tay vợt người Pháp nổi tiếng dễ chấn thương, bỏ cuộc sau khi thua một set và ba bàn trong trận gặp Djokovic ở bán kết. Anh đã khởi đầu suôn sẻ ở Cincinnati trước khi bị loại bởi Alex Bogomolov, tay vợt hạng 50 thế giới người Mỹ. Tsonga có lẽ cũng sẽ chẳng gây ấn tượng gì đáng kể tại Flushing Meadows, do các vấn đề thể lực dai dẳng.
Và không phải chấn thương nào cũng chỉ là một sự cố vô thưởng vô phạt như với Puttkammer, một tay vợt không được xếp hạng, chỉ tham gia các giải đấu với tư cách một tay vợt bán thời gian (công việc chính thức của anh là làm huấn luyện viên cho tay vợt người Đức gốc Jamaica từng có thời được coi là một tài năng triển vọng Dustin Brown. Thu nhập trong sự nghiệp chơi chuyên nghiệp của Puttkammer chỉ là... 535 USD, từ một lần ra sân duy nhất).
Không chỉ ở đỉnh cao, ngay cả những tay vợt ở tầm trung cũng ngày càng trở nên dễ tổn thương bởi các chấn thương. Rik de Voest, từng xếp hạng 39 thế giới và là tay vợt hàng đầu của Nam Phi, phải bỏ cuộc trong một trận vòng loại tại Los Angeles tháng trước vì bị đứt ngón tay. Chấn thương tương tự đã khiến Colin Ebelthite, người Australia, phải rút lui ở Poznan một tuần trước đó. Cũng trong tháng 7, Evgeny Kirillov (hạng 270) người Nga phải bỏ cuộc khỏi giải Penza vì chấn thương và thể lực cũng khiến Ricardo Hocevar (người Brazil, hạng 234) không thể chinh phục được giải Bogota Open.
Hơn 100 tay vợt đã không đưa ra lý do rõ ràng cho việc họ rút lui, trong đó có bốn trường hợp không hề đến sân bóng, bao gồm Ilia Starkov ở Monte Carlo, Vaja Uzakov và Marat Gilmanov ở Kazan, và Caio Zampieri ở Bogota. Có lẽ đã đến lúc những nhà tổ chức suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về cách họ đang khai thác những tay vợt của mình một cách không thương tiếc như hiện giờ.
Ai cản nổi Djokovic và Serena Novak Djokovic và Serena Williams, bất chấp những vấn đề về chấn thương, vẫn sẽ là hai ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch đơn nam và đơn nữ ở US Open năm nay. Tay vợt người Serbia đã có một năm tuyệt vời. Chiến thắng ở Rogers Cup tại Montreal là danh hiệu thứ 9 của anh trong năm 2011 và danh hiệu ATP Tour Masters 1000 thứ năm, một kỷ lục, đồng nghĩa với việc cho đến giờ Djokovic đã thắng 53 trong số 55 trận, với hai thất bại là ở bán kết Rolan Garros trước Roger Federer và chung kết Cincinnati trước Andy Murray. Nova hiện thực sự hơn hẳn phần còn lại trong số các tay vợt nam, ngay cả khi so sánh với bộ đôi từng thống trị quần vợt trong gần một thập kỷ qua Federer-Rafael Nadal. Tương tự là Serena. Sự nghiệp của cô từng bị đe dọa sau tai nạn 11 tháng trước, nhưng giờ tay vợt người Mỹ đang bay cao với hai chiến thắng trong bốn giải đấu mà cô tham dự kể từ khi trở lại với các giải WTA Tour. Serena đặc biệt mạnh trên mặt sân cứng ở Bắc Mỹ, giúp cơ hội vô địch của cô tại Flushing Meadows, nơi Serena từng đăng quang ba lần (1999, 2002, 2008), thêm lớn. Từ chỗ xếp ở khoảng hạng 80, Serena hiện đã vươn lên hạng 31 và nếu cứ chơi thế này không bao lâu nữa cô sẽ ở trong tốp năm tay vợt nữ hàng đầu. US Open 2011 Thời gian: Từ 29/8 đến 11/9 Giải thưởng bằng tiền mặt: Vô địch đơn nam và đơn nữ: 1,8 triệu USD mỗi giải. Vô địch đôi nam và đôi nữ: 420.000 USD mỗi giải. Vô địch đôi nam nữ: 150.000 USD mỗi giải. Năm hạt giống nam hàng đầu, theo thứ tự: Novak Djokovic, Rafael Nadal, Roger Federer, Andy Murray, David Ferrer. Năm hạt giống nữ hàng đầu, theo thứ tự: Caroline Wozniacki, Vera Zvonareva, Maria Sharapova, Victoria Arazenka, Petra Kvitova. Đương kim vô địch đơn nam: Rafael Nadal. Đương kim vô địch đơn nữ: Kim Clijsters. |
TT&VH