Còn tiền đạo Đặng Văn Thành, từ 10 năm nay, lại miệt mài đi săn lùng đồ cổ, cây cảnh hàng trăm năm tuổi để đưa về bộ sưu tập cá nhân tại nhà mình ở Kiến Thụy (Hải Phòng). Trong khi đó, những cầu thủ khác lại đam mê chơi xe hơi hạng sang, sưu tập SIM số VIP… Đó là bức tranh muôn màu về thú chơi của giới cầu thủ Việt.
Cầu kỳ như Thành "rìu" nuôi chó
Ở mảnh đất không có nhiều thú vui, giải trí như Ninh Bình, trong 1 lần tình cờ lên mạng, Mai Tiến Thành tìm hiểu và bắt đầu thích thú với việc nuôi chó cảnh. Lân la tìm hiểu kinh nghiệm những người đi trước, Thành “rìu” đầu tư vào việc mua giống chó, đem về phòng riêng của mình tại CLB để nuôi.
“Tôi thích giống chó boxer, husky nên nhờ người đi mua hộ về nuôi”, Tiến Thành bật mí về việc lựa chọn “người bạn thân” của mình. Hai giống chó này có nguồn gốc từ châu Âu nên để mua được là điều không hề dễ dàng. “Mỗi chú chó đưa về Việt Nam đã được nhân giống, lúc đưa về nuôi, mỗi con có trọng lượng gần 9kg với giá thành 5 triệu đồng/con. Nuôi chó không chỉ để giết thời gian mà cái chính là tạo niềm vui cho mình”, Thành “rìu” say sưa nói về sở thích nuôi chó.
Sau khi đưa “cục cưng” về nuôi, Tiến Thành đặt tên 3 chú chó những tên gọi theo những thần tượng và cầu mong mắn may sẽ đến với mình. Chẳng hạn, 2 chú chó giống boxer có tên là Ronaldo và Kaka, còn chú chó giống Husky tên là Lucky (may mắn). Từ khi có thêm 3 người bạn, Thành “rìu” phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc cho việc chăm sóc.
Các đồng đội ở V.NB hay nói vui: “Thằng Thành chăm chó như là nuôi con mọn”. Cũng đúng thôi, bởi mỗi lần lên Hà Nội, bao giờ chàng tiền vệ quê Thanh Hóa này đều ghé vào các quán bán thực phẩm cho chó mèo trên đường Trường Chinh để mua hàng đống thức ăn về để phục vụ 3 “ông bạn”.
Bình thường, mỗi lần được tập luyện, thi đấu tại Ninh Bình thì chuyện chăm sóc đàn chó còn đỡ vất vả, còn trong những lần phải đi xa nhà, Tiến Thành phải nhờ bảo vệ của CLB chăm sóc giúp. Tiến Thành tự hào khoe: “Cả 3 chú chó đều rất thông minh nên tôi muốn gửi huấn luyện tại trường nghiệp vụ huấn luyện chó.
Đợt vừa rồi, nghe tin bên Thái Bình có trung tâm huấn luyện chó, tôi gửi sang bên đó để huấn luyện. Sau khi tốt nghiệp, chắc chắn 3 chú chó của tôi sẽ ở đẳng cấp khác”.
Tốn kém như Thành "cổ" chơi cây
Lớn lên ở mảnh đất Hải Phòng nên trong máu của tiền đạo Đặng Văn Thành luôn có khoản chịu chơi. Không phải lo chuyện kinh tế vì gia đình khá giả nên những khoản thu nhập từ đá bóng, Văn Thành dồn phần lớn vào việc săn lùng cây cảnh, đồ cổ. Thấy tiền đạo này say sưa tìm kiếm các món đồ cổ, dáng cây lạ mắt, đám bạn bè đã đặt cho biệt danh Thành “cổ” cũng là vì thế.
“Tôi chơi cây cảnh, đồ cổ được khoảng 10 năm. Sau những giờ tập, thi đấu mệt mỏi mà được về nhà tự tay chăm sóc cây, thấy thoải mái và hứng thú vô cùng”, Thành bật mí về lý do chơi cây, đồ cổ của mình. Tự tìm hiểu và trao đổi với những người sành chơi cây, cho đến thời điểm hiện tại, trong khu vườn rộng hàng trăm mét vuông tại Kiến Thụy của thành, có rất nhiều cây giá trị.
Thành tự hào khoe: “Có khoảng hơn 10 cây tùng 200 năm tuổi. Còn lại là cây sanh, lộc vừng…”. Hỏi giá trị của những cây có tuổi đến 2 thế kỷ, Thành “cổ” lại say sưa: “Giá của nó khoảng gần 1 tỉ đồng nhưng tôi xác định không bán đâu, chỉ để chơi và tạo mối giao lưu với những người cùng sở thích. Mặt khác, để có được những siêu cây này, tôi đã phải bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc và công sức, nên quý lắm”.
Không chỉ có cây cảnh, Thành “cổ” được giới chơi đồ cổ ở đất Cảng nể phục khi sở hữu những bộ sưu tập giá trị từ lư hương, đồ uống trà, đồ sứ có tuổi đời 500 - 700 năm. “Tôi bận thi đấu quanh năm nên chưa đăng ký tham gia hội cổ vật Việt Nam, nhưng bạn bè vẫn thường kéo đến nhà để chiêm ngưỡng. Mỗi khi bàn luận về những món đồ này thấy thích thú lắm”, Đặng Văn Thành tâm sự.
Đã gần bước sang tuổi “băm”, khi nói về tương lai của mình, Thành “cổ” khảng khái: “Tôi vẫn chơi bóng và đến khi nào hết sức theo đuổi sự nghiệp thì có lẽ sẽ về quê chăm sóc cây cảnh, đồ cổ. Bởi đó là những thứ mà mình đam mê, gắn bó trong khoảng thời gian dài”.
Bongda