"Ai sử dụng và sử dụng với mức độ như thế nào thì hầu như thành viên nào trong đội cũng biết, có điều họ có nói ra không mà thôi”, đó là câu trả lời thẳng thắn của một cầu thủ giấu tên khi được hỏi về việc “chơi bời” trong giới cầu thủ.
Tiền đạo Molina (phải) đã phải trả giá bằng cả sinh mạng và chẳng ai dám chắc sẽ không có thêm những trường hợp tương tự
Các trang tin pháp luật đã quá quen thuộc với các vụ sử dụng ma túy hay thác loạn bằng thuốc “lắc”… mà thủ phạm phần lớn là các “công tử” con nhà giàu lười biếng, thích đua đòi. Và cũng không ít lần, người ta đọc được các thông tin được đăng tải trên các trang thể thao như vụ 5 cầu thủ HN T&T bị bắt khi đang “lắc” điên cuồng (2008) hay tiền đạo Monila (B. BD) chết vì sốc thuốc (2010)…
Nghề cầu thủ được xem là một trong những nghề có thu nhập cao nhất tại Việt Nam. Chỉ với 1 chữ ký trong bản hợp đồng, một cầu thủ có thể sở hữu hàng chục tỷ đồng từ một đội bóng trong vài ba năm. Chuyện “ăn ngon, mặc đẹp” là đương nhiên. Và chẳng khó để bắt gặp họ ở những địa điểm ăn chơi khét tiếng, hay dạo phố với những chiếc ô tô đắt tiền… Chưa dừng ở đó, những nhà “tỷ phủ mới nổi” kia còn tìm đến ma túy, thuốc “lắc” và các chất bị cấm, như để thể hiện “đẳng cấp vượt trội” của mình.
Sự thật là việc các cầu thủ sử dụng các chất bị cấm không phải là hiếm, nhưng lại không mấy ai quan tâm. Giới cầu thủ tỏ ra e ngại: “Việc ai người nấy làm thôi, giờ nói ra chẳng được gì lại thêm mất tình cảm”, còn BHL đội bóng thì “Cũng có nghe nói, nhưng ở đội tôi thì không hoặc chưa thấy xuất hiện”, trong khi một thành viên BTC giải lại cho rằng: “Sẽ kỷ luật thật nghiêm những trường hợp vi phạm nhưng phải có bằng chứng”.
Ông Hoàng Chuyên Cần, phụ trách Tiểu ban An ninh VFF, người trực tiếp đảm nhiệm việc xét nghiệm doping và các chất trong danh mục cấm cho biết: “Trước mỗi mùa giải, VFF thường chọn một số CLB ở V-League và hạng Nhất để xét nghiệm. Nhưng do phụ thuộc nhiều yếu tố (mà chủ yếu là thiếu kinh phí và cơ sở vật chất) nên chỉ có thể lấy ngẫu nhiên mẫu xét nghiệm của 2 cầu thủ trong một CLB và cũng chỉ kiểm tra được 60% tổng số các đội. Quá trình xét nghiệm khá phức tạp với hệ thống máy móc hiện đại và phải ở các nước có nền kinh tế mạnh mới đáp ứng được.
Còn ở Việt Nam, hầu như các mẫu xét nghiệm đều được xử lý với độ chính xác chỉ ở mức tương đối”. Trên thực tế, nếu dùng doping thì sau 2, 3 tháng vẫn có thể xét nghiệm được còn các chất như ma túy, thuốc “lắc” thì chỉ có thể xác định trong thời gian ngắn. Vậy nên động thái kiểm tra định kỳ trước thềm mỗi mùa giải của VFF được xem là làm cho… có lệ mà thôi.
Việc sử dụng các chất gây nghiện trong giới cầu thủ đã và đang trở thành trào lưu và cũng đã có không ít kẻ rơi vào vòng lao lý, thậm chí bỏ mạng chỉ vì đua đòi. Thế nhưng, biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa vẫn là bài toán mà phải rất lâu nữa mới có thể tìm ra lời giải.
ANTĐ