Nếu lục lại danh sách những ai sinh ra đúng vào cái ngày giao mùa, giao niên nhất của năm, tức ngày 1/1, ngày Tết dương lịch, ta hẳn sẽ bất ngờ vì có nhiều vĩ nhân được cất tiếng khóc chào đời vào ngày trọng đại ấy quá mà trong đó, bóng đá cũng đóng góp nhiều nhân vật đáng nể...
Rivelino - Chủ nhân của cú sút hạt nhân
Người ta nhớ về Brazil với quá nhiều cái tên siêu sao bóng đá: gần thì Pato, Ronaldinho, Ronaldo, Rivaldo; xa thì Zico, Falcao, Socrates và xa hơn nữa thì Pele, Didi, Vava, Garincha... Tất cả những cái tên ấy đã đóng góp cho Brazil quá nhiều thành tích ở đấu trường World Cup và tạo ấn tượng cho cả thế giới về một nền bóng đá đầy tài năng như ảo thuật gia và luôn ngẫu hứng, sáng tạo.
Có một cái tên trong vô vàn cái tên siêu sao Brazil như thế đã sinh ra đúng ngày giao niên, 1/1/1946, thời điểm mà Thế chiến II mới kết thúc chỉ được vài tháng. Đó là Rivelino, một trong những cầu thủ sáng chói nhất của Selecao ở chiến dịch vô địch World Cup đẹp nhất lịch sử bóng đá Brazil, World Cup 1970, khi Rivelino mới vừa 24 tuổi 6 tháng.
Pele đã không ngần ngại đề tên Rivelino, người đồng đội trẻ của mình, vào danh sách 125 cầu thủ vĩ đại nhất thế giới. Tất nhiên, đánh giá của mình Pele vẫn là chủ quan mà thôi nhưng những gì mà Rivelino làm được sẽ không phủ nhận sự ghi nhận chủ quan ấy của Pele. Ở giải đấu 1970, ông là tiền vệ tấn công năng động nhất, hiệu quả nhất và đẹp mắt nhất và ghi được 3 bàn cho Selecao, trong đó có cú đá phạt trực tiếp sấm sét vào lưới Tiệp Khắc mà về sau được đặt biệt danh là "Cú sút hạt nhân". Nên nhớ, trên thế giới này, đó là pha ghi bàn hiếm hoi được đặt cho một tên gọi. Đơn giản, vì nó ăn sâu vào lòng người xem ngay sau khi tuyệt tác ấy xuất hiện.
Sở hữu một thể hình lý tưởng với chùm ria mép rậm rạp nhưng Rivelino lại chơi bóng rất nghệ sỹ, trái ngược hẳn với vẻ ngoài của mình. Nhận xét về ông, người ta chỉ gói gọn trong đúng 3 khái niệm: Cú sút sấm sét, tư duy bóng cực nhanh và điều khiển bóng vô cùng bản năng. Ông chính là người đầu tiên phát kiến ra kỹ thuật lừa bóng mang tên Elastico (trong tiếng Anh gọi là flip-flap).
Kỹ thuật ấy đơn giản là gạt bóng bằng má trong sau đó lập tức gẩy lại bằng má ngoài để chuyển hướng di chuyển đột ngột khiến đối thủ bị vặn sườn. Sau này, một loạt danh thủ đã áp dụng kỹ thuật Elastico ấy của Rivelino mà đơn cử là Rivaldo, Ronaldinho, Ibrahimovic và CR7. Đó là một kỹ thuật không phải xuất xứ của sân cỏ mà là của sân...futsal và ta sẽ không ngạc nhiên nếu được biết Rivelino lại xuất thân từ chính futsal chứ không phải sân 11 người.
Những nghệ sỹ sân cỏ sinh ngày 1/1
Một cá nhân khác cũng sinh ra vào ngày giao niên, cũng là một nhà VĐTG như Rivelino và tuy không có được kỹ thuật cá nhân siêu hạng như Rivelino song lại luôn được nhắc đến như một người hùng chính là Lillian Thuram của tuyển Pháp.
Sinh năm 1972, Thuram may mắn được khoác áo chung với một thế hệ vàng tuyệt diệu của Les Bleus và cả quãng đời khoác áo Lam, anh chỉ ghi được đúng 2 bàn thắng trong duy nhất 1 trận cầu. Nhưng đó lại là 2 bàn thắng quan trọng nhất không chỉ với anh mà với cả nền bóng đá Pháp. Không có chúng, Pháp không thể bước vào trận chung kết năm 1998 với Brazil của Ronaldo, Rivaldo, Cafu...
Người ta mãi sẽ không quên cái dáng quỳ xuống như suy tư sau cú sút tung nóc lưới Croatia năm 1998 của Thuram trong tình thế Pháp bị dẫn trước 1-0. Đúng là số phận đã ưu ái anh khi để anh là người ghi bàn trong cuộc đối đầu nghẹt thở đó. Nhưng nếu xét tổng thể sự nghiệp thì hai bàn thắng đó không thể che mờ được hình ảnh một trung vệ thép, một hậu vệ phải năng nổ, một cầu thủ như chiến binh mà tất cả những nơi anh đi qua, anh đều để lại dấu ấn đẹp: từ Monaco, Parma, Juve cho đến Barca.
Ở thời kỳ của Thuram, không ai có thể vượt qua anh ở vị trí hậu vệ phải và nếu phải đưa ra đội hình tiêu biểu của bóng đá thế giới từ năm 1992 tới nay, tức trong 2 thập niên qua, sẽ không thiếu người bỏ phiếu cho Thuram ở biên phải.
Nhắc đến Thuram, hẳn người ta không thể nhắc đến cầu thủ đã khiến anh nổi đóa để bùng phát đến mức thăng hoa và ghi 2 bàn thắng cho tuyển Pháp. Người đó là Davor Suker, một tiền đạo xuất sắc nhất mà bóng đá Croatia đã sản sinh ra. Sinh ra ngày 1/1/1968, Suker lớn lên với vẻ ngoài hao hao tài tử điện ảnh Sean Penn nhưng anh lại là một tài tử trên sân cỏ với biệt tài ghi bàn đầy tinh tế.
Cho đến nay, với 45 bàn ghi được cho ĐT Croatia, một nền bóng đá non trẻ, anh đã trở thành một tượng đài ghi bàn mà thế hệ sau cần phải nhìn vào đó để ngưỡng mộ, để phấn đấu và chinh phục. Điển hình là Petric, tiền đạo của tuyển Croatia hôm nay, một người luôn thần tượng Davor Suker và lạ kỳ thay cũng sinh vào ngày 1/1 (1980).
Davor Suker đã từng bị Cruyff chê rằng "lối đá của Suker chỉ hợp với phòng ngự phản công và không thể nào phục vụ Barca". Nhưng rồi anh đã chứng minh rằng huyền thoại Hà Lan cũng có lúc sai. Đúng là Suker có thể khó hòa nhập với lối chơi của Barca nhưng ở vai trò tiền đạo, anh đã tỏa sáng với Real Madrid, một đội bóng không hề "phòng ngự-phản công" như Cruyff nói và cũng đã có lần anh khiến Barca phải khốn khổ trong trận siêu kinh điển.
Cùng Mijatovic, Suker đã chinh phục Champions League với Real năm 1998 và khi còn khoác áo ĐT Croatia, anh đã cùng thế hệ vàng với Bilic, Vlaovic, Boban, Prosinecki... làm mưa làm gió ở châu Âu. Lúc đó, Croatia luôn là mối đe doạ của bất kỳ ông lớn nào mà cú hạ gục Đức ở World Cup 1998 là minh chứng sống động nhất.
Ngày giao niên đã chứng kiến 2 nhà vô địch thế giới và một siêu sao ra đời như thế, và trong tương lai, vẫn còn những ngôi sao mới chớm cũng sinh ra ở ngày giao niên hứa hẹn trở thành cầu thủ lớn. Họ là Jack Wilshere của Arsenal (sinh 1/1/1992); là Steven Davis của Rangers và ĐT Bắc Ailen (sinh 1/1/1985)...
Từ Rivelino tới họ là một khoảng thời gian rất dài với không biết bao nhiêu danh thủ đã ra đời và thành danh và biết đâu chừng, trong ngày 1/1/2012 này sẽ có những đứa trẻ được sinh ra để sau này lớn lên trở thành những siêu sao với những kỹ thuật cá nhân riêng biệt và cùng với tố chất ấy, chúng sẽ vươn lên để trở thành những nhà VĐTG ở một ngày nào đó...
Bongdaplus