Thế giới bóng đá đã từng biết đến cựu cầu thủ AS Roma - Damiano Tommasi được xem như một tấm gương của tinh thần thể thao khi chấp nhận hưởng mức lương 1500 euro/tháng (thù lao tương đương một cầu thủ học việc) chỉ để được ra sân chiến đấu vì đội. Ngoài ra, Kaka của Real Madrid dù nhận lương rất cao nhưng được biết đến như một ngôi sao không chơi bóng vì tiền đơn giản vì gia đình anh vốn đã rất giàu. Tuy nhiên, họ chỉ chỉ là thiểu số lọt thỏm giữa một rừng ngôi sao sẵn sàng ra đi theo tiếng gọi của tiền bạc.
1. Emmanuel Adebayor (Togo, Tottenham)
Từ chỗ bị các CĐV Tottenham ghét cay ghét đắng, Adebayor trở thành thần tượng khi chơi cực hay sau khi chuyển đến London từ Manchester City. Thế nhưng, có lẽ người yêu mến Spurs khó lòng giữ được tình cảm ấy với Ade nếu nghe anh nói về triết lý của mình. “Tất cả chúng ta đều chơi bóng vì tiền”, Ade thừa nhận. “Tôi đến từ châu Phi và tôi phải cung cấp một vài thứ cho cộng đồng mình. Tôi sẽ tiếp tục làm điều đó cho đến khi kết thúc sự nghiệp”. Với lý lẽ đó, Adebayor đang khiến ban lãnh đạo Tottenham lo ngại về khả năng ký hợp đồng chính thức với cầu thủ này. Không đời nào Ade chịu nhận thấp hơn 170.000 bảng/tuần như tại Man City, trong lúc cầu thủ lương cao nhất Tottenham là Van der Vaart cũng chỉ có 70.000 bảng.
2. Didier Drogba (Bờ Biển Ngà, Chelsea)
Giải nhà nghề Mỹ, Qatar hay châu Á, bất kỳ ai có tiền thì họ sẽ có Drogba. Đó là khẳng định của Thierno Seydi, người đại diện của cầu thủ đang chơi bóng cho Chelsea. Drogba từng tuyên bố muốn ở lại Chelsea trọn đời, tuy nhiên cũng chính anh đã nuốt lời khi liên tục từ chối lời mời gia hạn hợp đồng của CLB. Đội bóng thành London đang có ý định cắt giảm quỹ lương để đối phó luật tài chính của UEFA và đó là lý do lớn nhất để Drogba trở mặt. Ngoài ra, AC Milan cũng muốn có Drogba, nhưng hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung chỉ vì ngôi sao người Bờ Biển Ngà kiên quyết không nhận dưới 185.000 bảng/tuần. Drogba, có nhớ rằng năm nay anh đã 33 tuổi rồi không?
3. Samuel Eto’o (Cameroon, Anzhi Makhachkala)
"Báo đen" khét tiếng của làng túc cầu đã là một trong những biểu tượng của bóng đá Châu Phi, là ngôi sao sáng trong những thành công tột đỉnh của Barcelona và Inter Milan. Tuy nhiên mùa hè năm ngoái, Samuel Eto’o bất ngờ rời Inter Milan để đến một CLB lạ hoắc có tên Anzhi Makhachkala tận nước Nga xa xôi. Làm thế nào Anzhi nhỏ bé lại thuyết phục được một ngôi sao 29 tuổi đang ở đỉnh cao châu Âu về đá cho mình? Câu trả lời thật đơn giản: trả 25 triệu euro/năm và biến Eto’o thành cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới.
4. Wayne Rooney (Anh, Manchester United)
Wayne Rooney vẫn đang là người hùng tại Man United, nhưng các CĐV “Quỷ đỏ” hẳn không bao giờ quên được cái ngày ngôi sao này nằng nặc “tống tiền” CLB bằng cách đòi chuyển sang Man City. Tháng 1 năm 2011, nếu HLV Sir Alex Ferguson không quyết tâm “cứu” Rooney, thì có lẽ ngôi sao này đã biến thành kẻ hám tiền đáng ghét nhất lịch sử Man United. Chỉ vì muốn có 200.000 bảng/tuần tiền lương, ngay cả chuyển sang khoác áo Man City để mang danh “tội đồ” Rooney còn dám kia mà!
5. Diego Maradona (Argentina, HLV của Al Wasl)
Sau khi bị chỉ trích một cách mạnh mẽ vì không thể mang lại thành tích tốt cho đội bóng quê hương, huyền thoại bóng đá Argentina quyết lấy lại thể diện bằng cách sang dẫn dắt… Al Wasl. Đội bóng này ở đâu? UAE, và nơi ấy rất nhiều tiền. Cả Maradona lẫn Al Wasl đều phủ nhận khoản lương khủng (dao động từ 10 đến 30 triệu USD/năm), nhưng chẳng ai đứng ra tiết lộ các chi tiết của bản hợp đồng được giữ kín kia.
6. Asamoah Gyan (Ghana, Al Ain)
“Tôi đã đúng khi lấy tiền và biến khỏi đây”. Câu phát biểu xanh rờn của Asamoah Gyan khiến cánh báo chí nước Anh đúng là không còn gì để viết thêm tiền đạo này nữa! Cập bến Sunderland với giá 13 triệu bảng - kỷ lục của CLB này, thế nhưng không hiểu vì lý do gì để sau một mùa giải đầu tiên thi đấu ấn tượng, Gyan lại từ Premier League khăn gói sang UAE chơi cho Al Ain. Hỏi ra mới biết, nơi đây sẽ mang lại cho Gyan 6 triệu bảng.
7. Gael Clichy (Pháp, Man City)
Dường như có một lời nguyền dành cho các hậu vệ trái của Arsenal. Sau khi Ashley Cole chuyển sang Chelsea và nhận biệt danh “Cashley Cole” (Cash = tiền), đến lượt Gael Clichy ra đi vì lý do tương tự. Điều đáng nói, 80.000 bảng/tuần mà Clichy nhận tại Man City chỉ cao hơn có 10.000 bảng trong lời đề nghị gia hạn mà Arsenal dành cho anh. Có lẽ đối với ngôi sao người Pháp, chỉ cần nhiều hơn là đủ.
8. Samir Nasri (Pháp, Man City)
Tương tự Clichy, tiền vệ Samir Nasri cũng trở thành kẻ hám tiền trong mắt các CĐV Arsenal. Sau một mùa giải thi đấu chói sáng, Nasri bỗng dưng cảm thấy vị thế của mình tại CLB không tương xứng với… mức lương. Cụ thể, Nasri làu bàu rằng anh xứng đáng nhận mức lương 110.000 bảng/tuần ngang với Francesc Fabregas - cao nhất tại Arsenal, trong khi đội bóng London chỉ đáp ứng 90.000 bảng. Mọi chuyện chấm dứt khi Man City nhảy vào cùng 180.000 bảng đặt lên bàn đàm phán.
9. Nicolas Anelka (Pháp, Thân Hoa Thượng Hải)
Có lẽ trong tất cả các cầu thủ, Anelka là người tích cực “săn” lương nhất. Cầu thủ này từng chấp nhận rời Real Madrid để quay về “ao làng” PSG chỉ mong nhận mức lương cao hơn, rồi lang bạt sang bất cứ nơi nào có thể đáp ứng thù lao anh mong muốn. Thế nên khi Anelka đồng ý từ “bến đỗ cuối cùng” Chelsea để lặn lội sang châu Á và nhận khoảng 175.000 bảng/tuần, chẳng ai cảm thấy bất ngờ…
10. Winston Bogarde (cựu cầu thủ Chelsea)
Bogarde được xem là cầu thủ "hám tiền" đến mức trơ trẽn. Năm 2000 anh ký hợp đồng 4 năm với Chelsea, hưởng lương 40.000 bảng/tuần. Nhưng khi đến đây cựu cầu thủ của AC Milan, Ajax và Barca sa sút thảm hại và chỉ ra sân được có 4 lần/4 năm. Chelsea rất muốn đẩy anh đi nhưng Bogarde tuyên bố "nguyện trung thành với đội bóng" và thực hiện hết hợp đồng. Lòng trung thành theo kiểu "mặt dày" của Bogarde giúp anh bỏ túi đến 8,3 triệu bảng/4 năm.
Infonet