Cả tuần qua, công luận và giới hâm mộ đều rất khó chịu với những lý giải của HLV Goetz, VFF sau thất bại thảm hại của U-23 Việt Nam tại SEA Games 26. Họ chính là cặp đôi hoàn hảo trong việc “phủi”, “trốn” và “tránh” khi không thừa nhận sự thiếu sót của mình sau nửa năm “se duyên” với một cái kết không có hậu.
Thực chất những việc ông thầy người Đức làm cho bóng đá Việt Nam trong sáu tháng qua luôn để lại nghi vấn và chưa có câu trả lời thỏa đáng. Chẳng hạn, ngay từ khi có hợp đồng với VFF, ông Goetz đã nhanh tay chộp lấy đội tuyển quốc gia đá vòng sơ loại World Cup rồi ra giá cho riêng ông một trận thắng Macau (kém Việt Nam 50 bậc trên bảng xếp hạng FIFA) là 10.000 USD.
Hồi ấy dư luận đã dấy lên sự nghi ngờ động cơ của Goetz nhưng vẫn chín bỏ làm mười cho ông xuôi chèo mát mái ở trận đầu tay. Bởi ở cùng thời điểm ấy, ông Goetz sẽ hợp lý hơn nếu VFF tư vấn cho ông dẫn dắt Olympic Việt Nam đá vòng loại Olympic London, giúp ông có nhiều thông tin hơn về các đối thủ Đông Nam Á, về học trò của mình lẫn thời gian để xây dựng lối chơi phù hợp cho đội tuyển. VFF đã nhắm mắt chiều chuộng Goetz và trong sáu tháng đã tiêu tốn khoản tiền hơn 132.000 USD (lương tháng của Goetz 22.000 USD, một chuyến nghỉ phép tại Đức).
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và HLV Goetz trước ngày
lên đường dự SEA Games 26.
Rõ ràng VFF và Goetz đã tự hạn chế mình qua việc xác định chiến lược cho sân chơi chính trong năm là SEA Games để củng cố con người lẫn lối chơi chứ không phải đổ thừa là thiếu thời gian.
Một nghịch lý nữa của VFF là cái cách cho tiền vô tội vạ đối với thầy trò Goetz và không sòng phẳng trong cách nhìn nhận vấn đề lẫn công bằng trong thưởng - phạt. Khi tuyển quốc gia dừng cuộc chơi ở vòng sơ loại World Cup (tổng tỉ số hai lượt thua Qatar), VFF đã nhanh tay thưởng cho 600 triệu đồng vì “tinh thần thi đấu tốt ở trận lượt về”. U-23 Việt Nam thắng U-23 Lào 3-1 trận cuối vòng bảng SEA Games thì chia nhau 1 tỉ đồng trong khi cả nước không khó nhìn ra thái độ thi đấu tiêu cực của cầu thủ.
Ở đây không có sự nghiêm túc và công minh với chế độ thưởng phạt.
Trong khi đó, ông Goetz lại thiếu trung thực với bản đánh giá hời hợt sau một thất bại không phải lỗi của ông. Chỉ có sự trung thực của Goetz là thú nhận một năm rưỡi không có việc làm trước khi gặp gỡ VFF và chưa từng dẫn dắt một đội tuyển quốc gia. Tiết lộ thứ hai của Goetz là sáu tháng trước khi gia nhập đời sống bóng đá Việt Nam, ông hầu như không hiểu biết gì về bóng đá Đông Nam Á. Lời tự thú này đi ngược lại với tiêu chí chọn thầy của VFF, ngoài một bản lý lịch màu hồng thường thấy của người đi xin việc được đánh giá “có trình độ cao nhất trong các đời HLV ngoại” (Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ). Ngược lại, cái đẳng cấp của Goetz là sự cuống cuồng thay đổi và làm mất đi bản năng của cầu thủ lẫn bản sắc của đội bóng.
Tất cả đều thất vọng ở hai bản kiểm điểm của đại diện VFF, ông trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn và HLV Goetz đều đổ tại nguyên nhân khách quan, các CLB tại V-League làm hỏng cầu thủ mà không có dũng khí dám làm dám chịu.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ vừa đi họp ở Nhật về cũng đã đồng ý trao cho Goetz thêm thời gian và cơ hội gần nhất là AFF Cup.
Nghiệt nỗi như Goetz than thở là trong sáu tháng đầu năm 2012, ông không có việc làm khi đội tuyển quốc gia không có một trận đấu nào.
Giới hâm mộ thì đang gánh một trời thất vọng cho cặp đôi tránh né hoàn hảo VFF - Goetz ở hiện tại và một giấc mơ không tươi sáng ở tương lai.
Pháp luật TPHCM