Bầu Kiên đưa ra lý lẽ bác tính hợp pháp của hợp đồng bản quyền truyền hình giữa AVG và VFF.
Trong ngày hôm nay, VPF đã gửi công văn lên các Bộ chức năng về việc xem xét lại tính hợp pháp của bản hợp đồng VFF đã ký với AVG.
Công văn của VPF đưa ra hai điểm mà công ty này cho là VFF và AVG đã vi phạm luật khi ký hợp đồng bản quyền truyền hình:
VPF cho rằng khoản 2 Điều 53 Luật thể thao năm 2006 và Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ, quy định quyền sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp thuộc về VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng thực tế khi ký hợp đồng nói trên VFF chưa có được sự đồng ý của người có thẩm quyền của các CLB bóng đá chuyên nghiệp về việc ủy quyền cho VFF đại diện các CLB đàm phán, ký kết Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải thi đấu bóng đá chuyên nghiệp.
Bầu Kiên đưa ra lý lẽ bác tính hợp pháp của hợp đồng bản
quyền truyền hình giữa AVG và VFF.
Về phía AVG, VPF cũng chỉ ra sai sót của công ty này vào thời điểm ký hợp đồng bản quyền truyền hình với VFF. Theo đó, AVG không có giấy phép hoạt động truyền hình theo các quy định của pháp luật khi ký hợp đồng với VFF vào ngày 08/12/2010.
Công văn của VPF chỉ ra những căn cứ để chứng minh điều này gồm điều 6 Luật Báo chí năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí năm 1999, Nghị định 51/NĐ-CP của Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí.
VPF cũng trích dân Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 07/2011/TT-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 01/3/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình: "Giấy phép hoạt động truyền hình là giấy phép hoạt động báo hình gắn với sự ra đời của tổ chức hoạt động phát thanh, truyền hình, quy định tôn chỉ, mục đích hoạt động của kênh chương trình truyền hình quảng bá...".
Từ hai yếu tố này, VPF khẳng định : "Mặc dù công ty VPF luôn mong muốn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của VFF, nhưng công ty VPF nhận thấy nếu thực hiện Hợp đồng nói trên sẽ không phù hợp với các quy định của pháp luật".
Theo phân tích của công văn này thì AVG chỉ là một doanh nghiệp được phép truyền dẫn, phát sóng các chương trình truyền hình chứ không phải là một đài truyền hình. AVG không có quyền hoạt động báo chí, không được sản xuất tác phẩm báo chí (ở đây là các trận đấu). Đây cũng là lời đáp trả đối với AVG và VFF của VPF.
Hôm qua, AVG đã gửi công văn đòi VTC bồi thường và xin lỗi vì đã làm truyền hình trực tiếp trận đấu V.Ninh Bình và CS Đồng Tháp ở vòng một giải Ngoại hạng quốc gia hôm 1/1.
Nếu AVG không có quyền sản xuất tác phẩm báo chí cũng như hoạt động trong lĩnh vực báo chí thì công ty này không thể tự sản xuất sản phẩm và bán lại cho các đài truyền hình thuộc lĩnh vực báo chí, cũng như trách cứ VTC.
Đồng thời, VPF cũng đã có hành động trả lời cho công văn số 06 mà VFF vừa gửi tới VPF trong ngày 4/1.
Trong công văn gửi VPF, Liên đoàn bóng đá Việt Nam tiếp tục khẳng định mình là chủ sở hữu duy nhất giải bóng đá vô địch quốc gia và các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, đồng thời dẫn chứng ra một loạt các điều khoản trong Luật thể thao để làm rõ quan điểm của tổ chức này.
Từ đó, VFF khẳng định việc VFF chuyển quyền quản lý, tổ chức và điều hành theo Nghị quyết 426 có ý nghĩa là việc ủy quyền cho thành viên của VFF (ở đây là VPF) tổ chức thực hiện, quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật của giải cũng như quyền lợi nhà tài trợ giải theo chỉ đạo và quyết định của VFF cũng như thông lệ của FIFA.
VFF cũng cho rằng vì VPF chưa đáp ứng đủ điều kiện ủy quyền đến đến thời điểm này, việc VFF ủy quyền cho VPF là chưa đủ hiệu lực pháp lý. Với lý lẽ này, có thể hiểu VFF chứng minh công văn cho các đài, trong đó có VTC được phát sóng, truyền hình trực tiếp các trận đấu của VPF là không có hiệu lực và AVG là đơn vị có quyền duy nhất trong vấn đề bản quyền truyền hình các giải đấu trong nước ở thời điểm này.
Pháp Luật Xã Hội