Cơ bắp và ngã rẽ cuộc đời
Vô số người tập thể hình, với muôn vàn mục đích khác nhau, nhưng coi thể hình là một nghề, có lẽ nhiều người sẽ phải cân nhắc. Cân nhắc không chỉ vì đó gần như là một nghề quá đặc biệt để có thể theo đuổi, quá khắt khe để có thể thành công và trụ lại với nó. Đó là chưa kể, thể hình với nhiều người chẳng qua chỉ là một “trò” tiêu khiển của giới thượng lưu không hơn không kém.
Nhưng với Phạm Văn Mách lại khác. Vốn con nhà nông, sinh ra và lớn lên từ gốc rạ thì cái sự khiêm tốn của cơ thể là một nỗi phiền hà với cậu bé nhỏ con xứ Long Xuyên. Là cậu con trai duy nhất trong gia đình có 8 chị em, lúc đầu Mách cũng được sung túc, no đủ như bao bạn bè. Nhưng kỳ lạ là Mách càng lớn, gia đình anh càng rơi vào cảnh nợ nần, kiệt quệ. Năm 1997, Phạm Văn Mách đã đánh liều từ Long Xuyên lên Sài Gòn với mục tiêu luyện thi vào trường ĐH Kiến trúc. Để có tiền luyện thi, anh đã từng phải làm rất nhiều công việc khác nhau, trước khi kiếm được chân huấn luyện trong môt trung tâm thể hình tại quận Gò Vấp. Nhưng cuối cùng, ước mơ đẹp đẽ của cậu học trò hiếu học không thực hiện được, cũng chỉ bởi cái thời ấy, luyện thi vào ĐH Kiến trúc là một điều gì đó quá xa xỉ với một cậu trai 18 tuổi, bữa đói bữa no, đơn thương độc mã giữa Sài Gòn.
Không học được, Mách bắt đầu chuyển sang bỏ mối hàng. Mọi chuyện vẫn chẳng hề khấm khá hơn với chàng trai trẻ. Tuy nhiên, trong “cái khó ló cái khôn”, bộ môn thể hình Mách theo tập tưởng chỉ để giữ gìn sức khỏe, hóa ra lại là cái duyên của cả cuộc đời anh. Phạm Văn Mách lần lượt vô địch quốc gia, vô địch châu Á rồi bước lên đỉnh cao thế giới. Cho đến giờ ngẫm lại, Mách vẫn thầm cảm ơn định mệnh đã “xe duyên” cho mình đến với bộ môn thể thao đầy khắc nghiệt nhưng cũng mang về cho anh lắm vinh quang này.
Cuộc chiến thầm lặng
“Không giống những môn thể thao khác, đòi hỏi nhiều năng lượng để tập luyện và thi đấu, ở môn thể hình, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng. Phải cốt làm sao “ép” toàn bộ cơ thể vào đúng cân nặng cần có để thi đấu.” Với kinh nghiệm dạn dày, Mách chia sẻ rằng, 3 tháng trước mỗi giải đấu, Mách và các đồng đội đều thực hiện ăn kiêng rất chặt, hoàn toàn nói không với muối để cơ bắp săn chắc và đúng cân nặng cần có trong ngày “lâm trận”. Mặc dù đã rất nhiều năm trong nghề, với Mách, mỗi lần như thế vẫn là điều… khủng khiếp. Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến nhiều người hoặc không theo được, hoặc chỉ đi được nửa đoạn đường với môn thể thao đặc biệt này.
Bộ môn thể hình Mách theo tập tưởng chỉ để giữ gìn sức khỏe, hóa ra lại là cái duyên của cả cuộc đời anh. Ảnh: V.V
Mỗi ngày Mách tốn khá nhiều tiền cho việc ăn uống. Giá cả đắt đỏ bởi phần lớn các loại thức ăn là những loại đặc biệt nhập khẩu dành riêng cho dân thể hình chuyên nghiệp. Ngoài thịt bò, ức gà, cá thu, cá hồi, tôm, mực, thực phẩm bổ sung như bột protein, anh còn phải uống thêm vitamin tổng hợp, thuốc bổ khớp, các thuốc giảm cân, tăng cường sức tập... Anh tự lên thực đơn, đi siêu thị và chế biến món ăn mỗi ngày cho mình. Ngoài ra, giờ giấc sinh hoạt và luyện tập cũng phải vô cùng nghiêm khắc. Ngủ đủ 8 tiếng và tập đều đặn để cơ bắp săn chắc và khỏe mạnh, tinh thần hưng phấn là một trong những tiêu chí hàng đầu của Mách.
“Chú kiến càng” đa tài
Không nhiều người biết chuyện Mách đã từng là một ca sỹ hẳn hoi trước khi bước vào nghề “cơ bắp”, đi hát ở không biết bao nhiêu phòng trà, quán bar, thậm chí, đã từng là một … thầy dạy nhảy ở các vũ trường. Mách cười nhắc lại cái thuở xa lắc ấy : “Bây giờ nhìn mình chắc ai cũng nghĩ gã này được mỗi cái cơ bắp, nên thỉnh thoảng mình hát, họ ngạc nhiên lắm”.
Không chỉ thích hát và hát hay, Mách còn vẽ đẹp và đam mê thiết kế. Năm lớp 2, Mách đã đạt giải môn vẽ toàn tỉnh. Phần thưởng dẫu chỉ là một vài quyển vở, vài cây bút chì và mấy trăm nghìn, nhưng với Mách, mỗi lần nhớ lại, một niềm vui không thể nào diễn tả nổi dâng trào trong anh. Nó nuôi lớn ước mơ trở thành kiến trúc sư của Mách. Chẳng thế mà, lý do chính anh khi bỏ quê lên Sài Gòn là để luyện thi trường ĐH Kiến trúc, chứ hoàn toàn không phải tiếng gọi của môn thể hình.
Mách cười hiền lành: “Nhiều người bạn cùng thời với tôi đã là những kiến trúc sư làm việc trong các công ty nước ngoài với mức lương hàng nghìn USD/tháng, nhìn lại mình đôi khi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng tôi không nuối tiếc gì cả. Thể hình đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi mong đợi. Và quan trọng là giờ đây, tôi có thể tự thiết kế mọi thứ trong cuộc sống của tôi. Đó cũng là niềm vui rồi”.
Không tự nhận mình có khiếu kinh doanh, nhưng nhìn vào “cơ ngơi” tuy không lớn lắm nhưng được tổ chức đâu ra đó của Mách ở sân Tao Đàn, mới thấy “Kiến càng” Phạm Văn Mách quả thực đa tài. Không theo đuổi được đam mê từ thuở nhỏ, nhưng chính quyết định rẽ ngang sang thể hình đã làm nảy sinh trong Mách ý định kinh doanh chuỗi CLB thể hình. Nói là làm, Mách bắt đầu dành dụm, tích góp dần từ đồng lương bèo bọt, cùng những khoản tiền thưởng từ các chuyến du đấu. “Lúc mới chân ướt chân ráo mở phòng tập ở Quận 5, chỉ sau chưa đầy một năm tôi mất trắng cả tỷ bạc vì giải tỏa, di dời. CLB trên sân Thống Nhất làm ăn cũng không khấm khá hơn là bao. Đến khi tôi bán lại và dời về sân Tao Đàn mọi chuyện mới dần ổn định. Thế mới biết kinh doanh không hề đơn giản”, Mách thành thật chia sẻ.
Một Hercules nhiều trăn trở
Hiện tại, Phạm Văn Mách vẫn sống chung với 2 đồng đội tại căn phòng tập thể Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (170 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3). Sau giờ tập, anh dồn hết thời gian cho CLB thể hình của mình ở sân Tao Đàn. “Trước đây mọi việc trong CLB đều một tay tôi lo, giờ thuê nhân viên quản lý cả rồi, nên cũng thong thả hơn”, Mách giãi bày
Tuy bận rộn là thế, nhưng với Hercules đa cảm này, gia đình bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Sẽ luôn luôn có một Phạm Văn Mách sẵn sàng trút bỏ mọi hào quang khi hàng tháng đều đặn trở về sau một hành trình mấy chục cây số giữa An Giang và Sài Gòn. Cha anh vừa mới mất không lâu, Mách thực sự không thấy yên lòng chút nào khi phải để mẹ già với em gái ở quê. “Người già vốn không thích thành thị. Mình thương mẹ lắm, mà cũng chịu”. Có lẽ bây giờ với mẹ Mách mà nói, một cô con dâu là món quà tốt nhất với bà rồi.
Hết tập luyện, thi đấu rồi kinh doanh, cũng có đồng ra đồng vào thường xuyên, song Phạm Văn Mách vẫn canh cánh bên lòng nỗi lo rất thật của một người đàn ông ở độ tuổi chín chắn để nghiêm túc nghĩ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Nhưng trước hết, phải có được một mái ấm đúng nghĩa. Chẳng riêng gì Mách, hầu như VĐV thể thao nào cũng mong ước điều này. Mức lương một VĐV của ĐTQG không thể đáp ứng được nhu cầu đó. Tiền thưởng từ huy chương tại các giải đấu cũng chỉ được vài chục triệu. Nếu không có nguồn tài chính vững và không thực sự đủ bản lĩnh theo đuổi đam mê, có lẽ giờ này Mách đã không còn là một VĐV thể hình, chứ đừng hy vọng xa xôi về một căn nhà nào.
“Phải cầm trong tay được 2 tỷ thì mới mong có nhà ở cái đất đắt đỏ này”, Mách nhẩm tính, rồi le lưỡi “ngán” chính con số mình vừa nói ra. Bằng cách nào anh sẽ có được nó? Đi thi đấu và đoạt thêm 100 HCV thế giới, hay kinh doanh phòng tập thể hình thêm 5, 10 năm? Với tình hình tài chính hiện tại của ĐKVĐ thể hình thế giới, mọi phương án đều có vẻ như không tưởng.
Cũng may, Mách chẳng phải là một người hay buồn lâu cho cái sự thiệt thòi ở đời, và cũng không quen trông chờ điều gì khác ngoài sự nỗ lực của bản thân mình trong cả thi đấu và kinh doanh. Với bản lĩnh rắn rỏi của một Hercules, chẳng có lý do gì để Mách không đứng vững được trên sàn đấu. Còn chuyện “ngôi nhà và những đứa trẻ”, hãy cứ để thời gian trả lời vậy!
TTVH Online