Hành trình của một chiến binh
Nói Tiến Minh là một chiến binh có lẽ chẳng sai, dù rằng ban đầu Minh không hề có ý định trở thành một VĐV, cũng không ham mê game chiến đấu như những người bạn cùng trang lứa. Tất cả những gì Minh yêu thích từ khi còn là cậu bé 10 tuổi chạy long nhong ngoài đường cùng bè bạn là cây vợt và trái cầu, là những buổi chiều vẽ vài vạch phấn trước sân nhà để đánh cầu với trẻ con trong khu phố. Cậu bé Minh ngày ấy vô tư chạy theo đường bay của những trái cầu, luôn là một trong những “ứng cử viên nặng ký” cho chức vô địch “xóm”.
28 tuổi và hơn 10 năm cầm vợt, với Tiến Minh, vinh quang có nhiều
mà cái giá phải trả cũng không ít. Ảnh: Quang Nhựt
Tuổi thơ của Minh kể từ đó đã thấp thoáng bóng dáng của cầu lông. Năm ấy có giải cầu lông cấp quận, Minh mon men đi thi đấu với niềm kiêu hãnh để rồi bị một tay vợt của trường Năng khiếu quận “dập tơi tả” tới 15-0. Thua đau, nhưng Minh không nản. Rồi một chiều, Minh bỏ tập ở mảng sân quen thuộc trước nhà để cùng chị mon men đến sân trường Năng khiếu với ý định “tầm sư học đạo”. Ông thầy nọ lập tức nhận Minh sau khi bảo Minh vào đánh thử cho ông xem vài đường. Năm sau đó, Minh gặp lại đối thủ ngày nào. Anh chàng cao to của trường Năng khiếu quận đã nhận thất bại với tỷ số đúng bằng 15-0. Đó cũng là lần “hả hê” đầu tiên của Minh trước một chiến thắng.
Minh không còn có thể nhớ chính xác ngày hôm ấy, chỉ biết nó đã thay đổi cuộc đời Minh. Anh bắt đầu những chuỗi ngày “đánh đâu thắng đó”, bắt đầu vào ĐT TP.HCM, rồi ĐTQG. Minh cũng quen dần với những chuyến xuất ngoại thi đấu, đăng quang hết giải này đến giải nọ.
“Với Minh, chưa bao giờ niềm đam mê cầu lông lại đẹp như cái thời ấy. Hồi đó vô tư lắm, chỉ thích chơi cầu thôi. Giờ cuộc sống với cầu lông không chỉ có đam mê mà còn trách nhiệm nữa”, Minh tâm sự.
“Buồn tẻ, vô vị và đôi khi chán nản…”
Cho đến nay, khi bộ sưu tập huy chương, bằng khen của Tiến Minh đã được tính bằng con số hàng trăm, nhiều người vẫn nghĩ cuộc sống của tay vợt số một Việt Nam này luôn tràn đầy sự viên mãn và hạnh phúc. Tuy nhiên, đằng sau “số một” là cả một vực thẳm của stress chỉ chực trào lên nuốt chửng anh bất cứ lúc nào.
So với nhiều VĐV khác, Minh thừa nhận mình may mắn vì không phải lo lắng về vật chất. Căn nhà 4 tầng rộng thênh thang tọa lạc trên một con phố nhỏ ở quận 5 (TP.HCM) đủ để anh đi về thoải mái sau những giờ tập căng thẳng. Bố mẹ làm kinh doanh suốt ngày bận rộn với công việc, anh chị cũng thường xuyên vắng nhà, song mọi người trong gia đình Tiến Minh vẫn luôn quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Họ thường đợi nhau trong bữa cơm tối, và Minh luôn nhận được sự đồng thuận từ phía gia đình cho tất cả những quyết định của mình khi theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.
Thế nhưng, nhìn vào mắt Minh, có thể thấy sự mệt mỏi đã xâm chiếm và chỉ chờ cơ hội đánh gục anh trên những chặng đường đầy gian khó ấy. Có lẽ vì thế mà trở về sau giải đấu ở Malaysia tuần trước, Tiến Minh đã phải nằm nhà thêm mấy ngày vì ốm.
“ Buồn, tẻ nhạt, vô vị và đôi khi chán nản”, đó là những từ Minh dùng để mô tả về cuộc sống hiện tại của mình. Không thể tưởng tượng nổi cường độ luyện tập cao và lịch trình được sắp sẵn như dành cho một người máy của Tiến Minh trong một ngày. Tập cầu với HLV và đồng đội tại sân Phú Thọ, tập thể lực ở phòng tập, rồi lại tập vận động tại nhà. Liên tục như thế suốt cả tuần, và rồi từ tuần nọ đến tuần kia. Cuộc sống của Minh là một chuỗi những tháng ngày hết thi đấu rồi luyện tập, luyện tập rồi lại thi đấu, mà nếu không có một niềm đam mê cháy bỏng, trách nhiệm cao với cái “nghề” mà mình theo đuổi, cộng với ý chí “thép”, khó có thể có đủ bản lĩnh để theo đến cùng.
Là một VĐV đã khổ, là một VĐV cầu lông lại càng phải “ép” mình vào những chế độ luyện tập và nghỉ ngơi khắc nghiệt hơn rất nhiều. Bởi vậy mà với Minh, cuộc sống luôn căng ra như một sợi dây đàn. Bất cứ một sai sót, một điều gì đó “trật ra ngoài đường ray” là có thể làm đổ vỡ tất cả. Minh rất sợ điều này. 28 tuổi, anh không có thời gian và sức lực cho những cuộc vui của tuổi trẻ. Rất hiếm khi anh đi chơi với bạn bè, hay chỉ đơn giản là ra đường chạy vài vòng. Nỗi sợ mất sức cứ lởn vởn trong đầu Minh, nhất là khi hàng năm anh phải tham gia rất nhiều giải đấu, đi nước ngoài như cơm bữa và đặc biệt là phải luôn luôn phải cố gắng duy trì vị trí của mình trong top 10. “Nhiều hôm đi tập về, cảm giác mệt đến nỗi không muốn làm gì nữa cả, lăn ra giường như cái xác. TV, máy tính cũng không xem nổi. Đến việc dắt xe ra khỏi bãi xe sau giờ tập cũng oải lắm rồi. Minh bán chiếc SH để đổi qua xe Wave là vì thế”, Tiến Minh trần tình.
Không cho phép mình bỏ cuộc
Luyện tập gian khổ theo đúng nghĩa một chiến binh, nhưng trong đời VĐV đâu phải ở đâu và lúc nào, mọi nỗ lực cũng được đền đáp bằng những chiến thắng. Tiến Minh có thể dừng chân ở bán kết giải này, chung kết giải nọ, nhưng đó hoàn toàn không phải là chiến bại. Chỉ có điều con người bao giờ cũng cầu toàn.
Minh rất bức xúc vì dường như trong con mắt của công chúng, Tiến Minh chỉ được phép thắng. Minh cho rằng mọi người không hiểu giá trị của những “top 10”, “top 5”, những “bán kết” và “tứ kết”, bởi lẽ chẳng ai theo chân Tiến Minh trong những chuyến thi đấu xuất ngoại của anh để có sự công nhận đúng đắn. Với Tiến Minh mà nói, đó là những chuyến độc hành, với vô khối hành lý phải tự tay sắp xếp, với những lần xin tập nhờ với những tay vợt nước ngoài, và lăn xả trên sân đấu không một bóng dáng HLV, CĐV nhà. Nếu không có bản lĩnh cứng cỏi và ý chí bền bỉ, tay vợt số một Việt Nam có lẽ đã thua ngay từ những vòng ngoài.
“Minh luôn thích sự hoàn hảo. Minh không giỏi nhiều thứ, nhưng đã đam mê cái gì là phải làm cho đến cùng, dẫu có trở ngại đi chăng nữa”. Đó là tính cách rất đáng quý ở tay vợt 28 tuổi này. Có lẽ vì thế chăng, mà những lúc quá mệt mỏi, Minh cũng đã từng có ý định từ bỏ cầu lông để trở về một cuộc sống bình thường như bao người khác, nhưng rồi cái ý nghĩ ấy lại nhanh chóng bị dập tắt chỉ sau một hoặc 2 ngày.
28 tuổi và hơn 10 năm cầm vợt, vinh quang nhiều và cái giá phải trả cũng không ít, cầu lông giờ đây với Tiến Minh không chỉ là đam mê, mà là nghề, là trách nhiệm với bản thân. Là VĐV cầu lông có thu nhập cao nhất Việt Nam, nhưng Tiến Minh chưa bao giờ hoang phí đồng tiền. Anh quý trọng nó như chính những nỗ lực của bản thân trong hành trình vươn lên đỉnh cao nghề nghiệp không mệt mỏi của mình.
Có 2 vấn đề mà người ta luôn muốn đề cập với Tiến Minh. Đó là chuyện lập gia đình và chuyện giải nghệ. Nhưng nhìn vào những ba lô, túi xách chuẩn bị cho những chuyến đi xa hãy còn ngổn ngang trong phòng ngủ của Minh, nhìn vào lịch tập luyện dày đặc và sự khổ luyện của anh cho những giải đấu triền miên, e rằng đặt câu hỏi ấy với Minh lúc này chẳng khác nào một sự xúc phạm.
Rõ ràng Tiến Minh chưa sẵn sàng cho một sự kết thúc nào cả trong sự nghiệp, dù có thể anh đã nghĩ đến việc trở thành HLV sau khi rời sân đấu. Tại sao phải thúc ép Tiến Minh nói lên ý định từ bỏ đam mê của họ, trong khi thể thao Việt Nam vẫn chưa có sự đầu tư đúng mực cho những nhân tài hiếm hoi như anh?
Và thế, xin hãy cứ để yên cho Tiến Minh tiếp tục thể hiện bản lĩnh và sự bền bỉ của anh trên mọi đấu trường, rồi hãy cổ vũ cho anh bằng trái tim của một người hâm mộ. Điều đó chẳng phải có ý nghĩa hơn nhiều so với những soi mói, thất vọng và chỉ trích không đáng có hay sao?
TTVH Online