Bắn súng là đội tuyển duy nhất được cấp thuốc bổ tính đến hiện nay
Điệp khúc...chậm và thiếu
Theo kế hoạch, các ĐT tập luyện tại 3 trung tâm HLTTQG phải được cấp thuốc bổ khi các vòng loại Olympic 2012 chuẩn bị diễn ra đồng loạt, thậm chí 1 số môn như bắn súng, vật, bơi, bóng bàn, taekwondo... đã bắt đầu thi đấu rồi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thể Thao, hiện tại mới có duy nhất ĐT bắn súng là được cấp thuốc bổ từ đầu năm nhằm chuẩn bị cho vòng loại Olympic hồi tháng 4, nhưng chủ yếu là thuốc nội chứ không phải thuốc ngoại theo yêu cầu ban đầu.
Trả lời về sự chậm trễ này, Phó TC TDTT Lê Quý Phượng cho biết: “Kế hoạch cấp thuốc có từ đầu năm nhưng do ngành thể thao phải đáp ứng những nhu cầu cần thiết khác như chế độ ăn, cơ sở vật chất tập luyện, tập huấn, thi đấu quốc tế... nên đã bị chậm lại. Rõ ràng không có thuốc bổ thì thiếu hiệu quả trong tập luyện nhưng trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi đành chấp nhận và hy vọng sẽ có thuốc sớm cho các VĐV”.
Việc các VĐV mới được đồng loạt tăng chế độ dinh dưỡng đã giải quyết một phần nhu cầu cấp bách hiện nay về thể lực. Thế nhưng muốn có thành tích cao, dinh dưỡng thôi chưa đủ mà phải có thuốc bổ. Việc “no dồn đói góp” chẳng thể mong nâng cao được thành tích, lại dễ khiến các VĐV nản chí. Một VĐV của ĐT bắn súng cho biết: “Chúng tôi cần những loại thuốc theo đúng yêu cầu mới hy vọng sự hiệu quả. Việc dùng thuốc nội hay số lượng chưa đủ cũng chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu thôi”.
Bất cập
Xác định tầm quan trọng của thuốc bổ nhưng do kinh phí eo hẹp, việc cấp thuốc bổ luôn là câu chuyện muôn thưở với thể thao VN. Thậm chí tại SEA Games 25, các VĐV còn phải dùng “đồ thừa” từ AIG 3 do đến thời điểm cuối năm, ngành thể thao đã cạn kiệt kinh phí. Điều đáng nói là các nhà quản lý và chuyên môn thừa hiểu việc sử dụng thuốc phải có quá trình nhất định mới đem lại hiệu quả trong tập luyện, thi đấu, chứ cấp thuốc gần ngày thi đấu thì chỉ mang tính động viên là chính. Một cán bộ thuộc phòng y tế tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội cho biết: “Lý do thiếu kinh phí chỉ là 1 phần, quan trọng nhất chính là những bất cập từ khâu tổ chức, lên kế hoạch. Tức là những người cấp thuốc cần phải hiểu rõ chuyên môn để không có độ chênh, dẫn đến sự chậm trễ hay lãng phí”. Cũng theo cán bộ này giải thích, các thuốc hầu hết là thực phẩm chức năng nhằm tăng dinh dưỡng cho VĐV khi chế độ ăn uống chưa cung cấp đầy đủ, cơ thể chỉ có thể hấp thụ 1 mức nào đó. Người có chuyên môn sẽ biết với VĐV này ở bộ môn này, giai đoạn tập luyện này thì cần bổ sung thuốc gì, liều lượng là bao nhiêu; Có thể người này cần bổ sung, người kia không, chứ không nhất thiết là ai cũng phải được cấp như nhau. Chính vì vậy, việc cấp thuốc tưởng như đơn giản nhưng lại phải có 1 kế hoạch thật nghiêm túc, tỉ mỉ và bắt buộc phải có người hiểu biết chuyên môn.
Thực tế, hiện nay ở các trung tâm vẫn chưa có bộ phận theo dõi sát sao nhu cầu thuốc của các VĐV thực sự là gì để có sự bổ sung kịp thời. Tuy nhiên, do các ĐT đều có những yêu cầu khác nhau với số lượng đầu thuốc nên để đáp ứng toàn bộ số này vừa cần phải có kinh phí lớn, vừa phải có người hiểu biết chuyên môn để phân loại thuốc, mà điều này thì thể thao VN chưa thể đáp ứng được một cách tốt nhất.
TTTPHCM