Tấm HCĐ của Hà Thanh ở giải VĐTG 2011 mới đây là thành tích rất đáng khích lệ của đội thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam. Để có một chiếc huy chương của môn TDDC, nhất là huy chương tầm cỡ thế giới là điều chẳng đơn giản, bởi nó được kết thành từ bao công sức, ý chí phấn đấu trong đó có cả máu và nước mắt của HLV, VĐV…
Đáng tiếc là ở SEA Games 25 trên đất Lào, môn TDDC không được đưa vào chương trình thi đấu nên các tuyển thủ của chúng ta không được dịp mang về những thành tích tốt nhất. Bởi xét mặt bằng chung ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là nước có thế mạnh ở môn thể thao này. Thành tích giành HCĐ của Phan Thị Hà Thanh tại giải VĐTG 2011 (diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản) mới đây là một ví dụ tiêu biểu, vì không có bất cứ đối thủ nào của Đông Nam Á góp mặt ở lượt chung kết, trừ Hà Thanh.
Ngân Thương và đồng đội đã sẵn sàng tỏa sáng trên đất Indonesia
Thành tích gần nhất để dự liệu TDDC Việt Nam sẽ làm được gì ở Indonesia lần này chính là bảng huy chương ở SEA Games 24, cách đây 4 năm. Khi ấy, chúng ta có tới 5 HCV do công của Phan Thị Hà Thanh (nhảy ngựa nữ), Nguyễn Minh Tuấn (vòng treo nam), Đỗ Thị Ngân Thương (cầu thăng bằng), Nguyễn Hà Thanh (xà kép nam) và Phạm Phước Hưng (xà đơn nam). Hiện đội hình bây giờ chỉ Nguyễn Minh Tuấn không còn ở tuyển, các gương mặt khác đều vẫn là thành viên chủ chốt của đội và chúng ta vẫn đặt chỉ tiêu giành từ 3-4 HCV.
Thi đấu chuyên môn là thực tế để khẳng định thành tích. Tuy nhiên, dù đây là môn trọng điểm của Olympic, nhưng nhiều năm qua các VĐV của TDDC Việt Nam đã gặp khá nhiều khó khăn trong tập luyện. Kinh phí hạn hẹp là nhân tố không nhỏ tác động tới quá trình tập huấn, nên nhiều tuyển thủ gần như phải tập chay tại Trung tâm HLTTQG 1 (Hà Nội). Chưa kể, dụng cụ tập luyện sau nhiều năm đã xuống cấp chưa kịp thay thế.
Thắc mắc được đặt ra cho giới chuyên môn là vì sao danh sách VĐV đội tuyển nhiều năm qua chưa có sự thay thế nào đáng kể về lực lượng?
Tuy nhiên, những người trong cuộc đều hiểu rất rõ, để đào tạo được một VĐV ra ràng có thể thi đấu ở môn TDDC không đơn giản, bởi ngoài chế độ ăn uống và tập luyện thì ý chí của VĐV phải được đặt lên hàng đầu. Chỉ khi không ngại gian khổ thì họ mới tự tin thi đấu. Ngoài ra, quá trình tìm kiếm lứa kế cận cho VĐV đội tuyển TDDC không dễ như các môn khác, vì không nhiều địa phương đầu tư cho môn thể thao này. Ngay như ở giải VĐQG 2011 tại Hà Nội vừa qua, cũng chỉ có 4 đơn vị cử quân tới tranh tài.
Tại Sea Games 26, TDDC Việt Nam kỳ vọng ở những gương mặt nào? Có thể nói Phan Thị Hà Thanh là VĐV được nhắc tới đầu tiên, như Trưởng bộ môn Nguyễn Kim Lan chia sẻ ngay khi đội tuyển trở về từ Tokyo: “Tố chất của Hà Thanh không phải điểm mạnh, nhưng điểm mạnh của em là ở sự quyết tâm tập luyện, thi đấu. Ngoài ra, nội dung đơn môn nhảy ngựa tay chống mà Hà Thanh tham gia cũng rất đặc thù nên đây sẽ là thế mạnh của riêng Thanh”. Không chỉ ở đơn môn, Hà Thanh cũng tự tin khẳng định sẽ dốc hết sức ở nội dung toàn năng và tự đặt chỉ tiêu từ 1-2 HCV cho bản thân ở Indonesia. Sau Hà Thanh, những cái tên như Ngân Thương (nữ), Đặng Nam, Phước Hưng, Hà Thanh (nam) cũng là những niềm hy vọng vàng của TDDC Việt Nam.
Tại SEA Games lần này, “búp bê vàng” Ngân Thương đã trở lại sau sự cố doping ở Olympic 2008. Hiện nay, dù chấn thương dây chằng đầu gối đã dần bình phục, nhưng Thương thổ lộ rằng cô vẫn không thể thực hiện tốt các động tác khó như trước. Lẽ ra, Ngân Thương đã tính tới nghiệp HLV sau khi tốt nghiệp ở Đại học TDTT Từ Sơn, nhưng “máu nghề” vẫn còn và cô tin tưởng sẽ phải giành 1 HCV ở kỳ SEA Games 26, và có thể là SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp của “búp bê vàng” môn TDDC ngày nào.
Đội tuyển TDDC Việt Nam tham dự SEA Games với 13 thành viên, trong đó có 9 tuyển thủ (3 nữ). Đội tuyển TDDC khá đặc biệt khi có đến 2 HLV trưởng: HLV trưởng của đội nam là ông Trương Kim Tuấn, còn phía nữ là bà Đỗ Thùy Giang.
THÀNH TÍCH TDDC VIỆT NAM QUA CÁC ĐẠI HỘI GẦN NHẤT
SEA Games 23: 2 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ.
SEA Games 24: 5 HCV, 4 HCB, 4 HCĐ.
SEA Games 25: Không tổ chức thi đấu.
Bongdaplus