1. Dù chưa công bố chính thức, nhưng 4 gương mặt Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh và Nguyễn Thành Luân là những người chắc suất ở đợt triệu tập này. Sau giải VĐQG ở Hải Dương hồi tháng 4, tư tưởng “làm mới, làm trẻ” đội tuyển sẽ thông thoáng hơn. Nhiều ý kiến chuyên môn được đưa ra và nhiều khả năng các tay vợt trẻ Đào Duy Hoàng, Tô Đức Hoàng (Tập đoàn Dầu khí VN), Nguyễn Hoàng Chung (Hải Dương) và Nguyễn Ngọc Tú (Hà Nội T&T) cũng được triệu tập lần đầu.
Đội hình đông đảo rõ ràng giúp HLV lựa chọn kỹ hơn. Tuy nhiên, xét về tính “thực tế” hay chiều sâu ở chất lượng chuyên môn để nhắm tới các mục tiêu giành huy chương tại đấu trường quốc tế thì vị trí chính thức của tuyển vẫn không nằm ngoài các gương mặt đã quá quen thuộc. Trưởng bộ môn bóng bàn Việt Nam, ông Nguyễn Đức Long bày tỏ: “Bóng bàn Việt Nam còn 2 giải quốc tế quan trọng là giải vô địch châu Á (tháng 9) và SEA Games 26 (tháng 11). Vì thế, tuyển chọn đội tuyển phải dành cho các gương mặt xuất sắc nhất”. Đúng, với những kỳ tập trung, việc lựa chọn VĐV cho danh sách đội tuyển luôn phải đề cao mục đích như vậy. Nhưng xét về chuyên môn, liệu HLV nào dám mạnh dạn xếp các tay vợt trẻ ra thi đấu khi mà chỉ tiêu huy chương đã đề xuất với lãnh đạo trước đó.
Nếu vắng tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang, đội tuyển nữ không biết sẽ trông cậy vào ai. Ảnh: Quang Thắng
Bốn tay vợt vừa dự giải VĐTG 2011 là đội hình mạnh nhất của bóng bàn nam Việt Nam hiện nay. Nguyễn Thành Luân đã không còn xa lạ và bước tiến của tay vợt từ lò Quân đội này đã tiến triển vượt bậc. Thậm chí, Thành Luân gần như đã chiếm luôn vị trí số 4 mà Phan Huy Hoàng (Hà Nội T&T) giữ bấy lâu. Tuy nhiên, không hẳn cứ được lựa chọn sẽ là chắc suất thi đấu. Nhược điểm lớn nhất của Luân chính là tâm lý luôn bị dao động ở những trận đấu then chốt. Xét về mặt bằng chung, Đoàn Kiến Quốc đã có tuổi tác nhưng vì mục đích huy chương, tay vợt này còn được sử dụng dài dài. Vấn đề nằm ở chỗ phía CLB chủ quản liệu có đồng ý “chia sẻ” với đội tuyển quốc gia tay vợt này hay không, bởi nếu tính từ thời điểm chiêu mộ Kiến Quốc đầu quân từ năm 2009, anh chưa đóng góp được nhiều cho Tập đoàn Dầu khí. Hẳn đấy cũng là một trong những lý do phía CLB rất muốn bộ môn cho Quốc về thi đấu tại giải Cây vợt vàng (tháng 7) mà đơn vị này tổ chức.
2. Phía nữ thì trái ngược hoàn toàn. Dự kiến đội nữ sẽ triệu tập 8 tay vợt nhưng giới chuyên môn đã ái ngại khi chẳng có ai ngoài Mai Hoàng Mỹ Trang (Viễn thông TPHCM), dưới hơn một chút là Lương Thị Tám (Quân đội), Nguyễn Việt Linh (Bộ Công an) hoặc Phạm Thị Thiên Kim (Tiền Giang).
Tay vợt kỳ cựu Mai Xuân Hằng không tập trung vì bận học ở nước ngoài, đội tuyển nữ còn gặp khó khăn hơn do Mai Hoàng Mỹ Trang xin rút lui với lý do ở lại TPHCM để chăm sóc mẹ ốm.
Bộ môn bóng bàn đang cuống cuồng tìm cách thuyết phục, tháo gỡ khó khăn nhân sự vì Mỹ Trang là VĐV tốt nhất ở thời điểm này. Mỹ Trang đoạt tới 4 HCV ở giải toàn quốc (đơn nữ, đôi nữ, đôi nam-nữ, đồng đội nữ) hóa ra lại là nỗi buồn chung cho làng bóng bàn nữ. Bởi lẽ, trình độ chuyên môn giữa các tay vợt quá chênh lệch. Thiên Kim nhiều năm lên tuyển nhưng cách thi đấu vừa rồi thua 0-4 trước Mỹ Trang ở chung kết đơn và những kết quả quốc tế gần đây thì thấy trình độ của tay vợt gốc Tiền Giang này vẫn dừng ở một chỗ. Trong khi, lối đánh phòng thủ của Việt Linh chưa xuất sắc, còn Lương Thị Tám đang sa sút vì gánh nặng tuổi tác.
Tìm ai, chọn ai để đội nữ có chất lượng chuyên môn đồng đều nhằm đảm bảo cơ hội vào sâu các nội dung trong cuộc chơi ở SEA Games 26 tới đây, đó còn là bài toán khó. Giả sử (chỉ là giả sử thôi), nếu Mai Hoàng Mỹ Trang không lên tuyển lần này, đội tuyển nữ sẽ lâm vào khủng hoảng lực lượng thật sự do chưa tìm được tay vợt số 1 trong đội hình.
SGGP Online