Trông người…
Trong làng cờ vua chuyên nghiệp thế giới tồn tại một đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn, phụ tá cho các cao thủ khi họ tham dự những giải đấu lớn. Những người này được xem là vũ khí bí mật, âm thầm đứng đằng sau các cao thủ, có nhiệm vụ giúp cao thủ đó phân tích điểm mạnh, yếu của đối thủ cũng như chuẩn bị cho họ có được trạng thái tâm lý tốt nhất trước khi bước vào tranh tài.
Tại giải vô địch TG năm 2008, khi Anand (Ấn Độ, hiện xếp hạng 2 TG) vượt qua Kramnik (Nga, hiện xếp hạng 5 TG) để đăng quang ngôi vô địch, người ta mới giật mình khi Anand tiết lộ rằng để có được chiến thắng này, ông đã làm việc chăm chỉ với đội ngũ trợ lý gồm: Peter Heine Nielsen (Đan Mạch), Rustam (Uzbekistan), Radoslaw (Ba Lan), Surya Ganguly (Ấn Độ). Cả 4 trợ lý này đều là các Đại kiện tướng quốc tế và cũng là các cao thủ trong làng cờ TG. Trong khi đó đứng đầu trong nhóm trợ lý cho Kramnik tại giải cũng là một cao thủ khác Peter Leko (Hungary), người nhiều năm liền nằm trong tốp 10 TG, hiện xếp hạng 25 TG.
Lê Quang Liêm cần được đầu tư tốt hơn chứ không nên thả nổi tự xoay sở như hiện nay - Ảnh: Minh Châu
Tùy tầm quan trọng của giải đấu, tùy đối thủ mà các cao thủ chọn lựa một hoặc nhiều trợ lý cho mình. Nhóm trợ lý chỉ được người thuê tiết lộ sau khi họ đã kết thúc giải đấu nhằm tránh “lộ bài” trước nhóm trợ lý của các đối thủ cạnh tranh. Vì lẽ đó mà sau khi Anand tiết lộ nhóm trợ lý của mình sau khi vượt qua Kramnik, làng cờ TG mới thán phục về sự chuẩn bị quá chuyên nghiệp của đại cao thủ này.
…Ngẫm đến ta
Để có một tài năng như Lê Quang Liêm lại không dễ. Nếu thể thao VN không vượt qua lối mòn để đầu tư đặc biệt cho tài năng đặc biệt như Quang Liêm là lãng phí lớn.
TP.HCM, đơn vị chủ quản Lê Quang Liêm, mỗi năm chỉ đủ sức chăm lo cho kỳ thủ này chi phí tham dự các giải mời, giải mở rộng. Trong khi đó bộ môn, Liên đoàn Cờ VN cũng chỉ đảm đương cho Quang Liêm các chế độ như bất kỳ một tuyển thủ QG nào khác đó là tiền ăn, tập luyện theo chế độ đội tuyển cùng với kinh phí khi thi đấu các giải quốc tế như vô địch TG, vô địch châu Á, vô địch Đông Nam Á…
Nhắc đến việc cần đầu tư đặc biệt cho Quang Liêm như HLV ngoại chứ chưa nói đến đội ngũ trợ lý, trưởng bộ môn cờ TP.HCM Trương Đức Chiến nói: “Vẫn biết là Quang Liêm rất cần có HLV hoặc bộ phận trợ lý nếu muốn thành công khi theo đuổi cờ vua chuyên nghiệp, nhưng việc nhà nước đầu tư cho một VĐV là chuyện xa xỉ. Bởi vì kinh phí để thuê HLV đúng đẳng cấp cho Quang Liêm ước tính lên tới gần 20 ngàn USD/giải đấu, một khoản tiền quá lớn trong khi chúng ta chỉ đủ sức thuê HLV trong mức dao động từ 2.000 - 2.500 USD/giải. Theo tôi, việc đầu tư đặc biệt cho Quang Liêm cần có sự phối hợp của gia đình, Nhà nước và công tác xã hội hóa thể thao”.
Trưởng bộ môn kiêm Phó chủ tịch Liên đoàn Cờ VN Đặng Tất Thắng cho biết kinh phí hoạt động của bộ môn chỉ tầm 60 ngàn USD/năm. Từng đó chỉ đủ lo cho các tuyển thủ tập huấn, thi đấu các giải quốc tế khi khoác áo tuyển VN. Việc đầu tư cho Quang Liêm là cần thiết nhưng chưa có tiền lệ một khi vướng mắc nằm ở khâu đầu tiên là kinh phí. Ông Thắng cũng cho biết thêm do chưa thấy gia đình cũng như bản thân Quang Liêm đề xuất về việc cần có HLV hay lực lượng trợ lý. “Nếu có đề xuất này, chúng tôi sẽ tìm cách để giải quyết trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho Quang Liêm”, ông Thắng cho biết.
Trong khi chờ sự đổi thay tích cực trong cách nghĩ, cách làm của thể thao VN, kỳ thủ trẻ vừa lên ngôi số 1 TG Lê Quang Liêm một mình tập luyện và du đấu quốc tế. Do đó, “trợ lý” - theo cách gọi của Lê Quang Liêm - chính là ba, mẹ khi họ luôn sát cánh cùng anh đến các giải đấu để chăm lo sức khỏe và tinh thần.
TNO