Hiệu lệnh "tăng tốc" đã được chuyển tới các VĐV, HLV của chúng ta. Dù dư luận có thế nào thì với những người làm thể thao Việt Nam: SEA Games không thể bị xem như những ngày hội làng!
Từ sứ mệnh ban đầu của SEA Games
Tên gọi ban đầu của đại hội thể thao này kỳ đầu tiên (1959) là SEAP Games (viết tắt của dòng chữ đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á). Mãi tới năm 1977, chữ "bán đảo" bị bỏ đi, và SEAP Games đổi thành SEA Games, do khu vực Đông Nam Á không chỉ có bán đảo Đông Dương mà còn bao gồm 2 quần đảo lớn của Indonesia, Philippines, quốc đảo Singapore và riêng hòn đảo khổng lồ Borneo đã chứa trọn vương quốc Brunei cũng như hai phần lãnh thổ lớn của Indonesia và Malaysia...
Vận mệnh của ĐTVN tại Sea Games 26 là khá nặng nề. Ảnh: Internet
Trong lịch sử 25 kỳ SEA Games trước đây, Thái Lan đang dẫn đầu với 6 lần tổ chức, kế tiếp là Malaysia (5), Indonesia (3), Singapore (3), Philippines (3)... Việc được đăng cai tổ chức SEA Games là cơ hội rất tốt để các quốc gia chủ nhà có thể tranh thủ quảng bá hình ảnh đất nước, tạo động lực phát triển không chỉ thể thao mà còn đẩy nhanh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các địa điểm đăng cai, đồng thời tạo lợi thế cho các ngành du lịch và dịch vụ.
Về chuyên môn, SEA Games ngày càng góp phần quan trọng, tạo những chuyển biến rõ rệt về chất lượng thể thao khu vực. Trong đó, Thái Lan luôn được xem như một "anh cả" với 11 lần dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương. Kế tiếp là Indonesia, quốc gia từng có một nền thể thao hùng mạnh nhóm đầu của châu lục với 9 lần vô địch (trong đó có 8 lần đứng nhất trong 9 kỳ SEA Games liên tiếp từ 1977-1993). Cũng chỉ có hai quốc gia trên từng đứng đầu bảng tổng sắp khi SEA Games không diễn ra tại "sân nhà" của họ. Điều này đã chứng tỏ tiềm năng và sức mạnh thật sự của thể thao tại Thái Lan và Indonesia. Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều từng đứng đầu bảng tổng sắp huy chương, nhưng đó là khi các nước này là chủ nhà của SEA Games.
Tuy nhiên, một ý nghĩa vô cùng quan trọng không thể không đề cập khi nói về các sự kiện quốc tế lớn như SEA Games. Đó chính là cơ hội để các "đại sứ thể thao" của các nước gặp gỡ, tranh tài và thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị. Ngày 8-8-1967, khi hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được chính thức thành lập, SEA Games đã lập tức được xem như một trong những phương tiện hữu hiệu để các nước xích lại gần nhau hơn.
Tới những khiếm khuyết tại SEA Games
Như đã đề cập, việc hình thành cũng như phát triển của SEA Games xuất phát từ những ý nghĩa vô cùng cao đẹp. Nhưng trong quá trình diễn ra các kỳ đại hội, cuộc đua tranh thành tích vô tình bị những người trong cuộc lợi dụng, bóp méo đi để phục vụ cho danh lợi của một số cá nhân lãnh đạo thể thao các nước. Để vươn lên trong các cuộc đua ấy, một số nước chủ nhà cố gắng "nhồi nhét" một vài môn thể thao là thế mạnh của mình vào chương trình thi đấu, bất chấp sự khiên cưỡng do có quá ít nước ủng hộ. Việc giới thiệu các môn thể thao mới và từng bước đưa chúng vào chương trình thi đấu vốn là việc cần thiết, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng nếu được đặt trên nền tảng của sự công tâm, hướng tới mục tiêu quốc tế hoá rộng rãi môn thể thao ấy.
Tại một số kỳ SEA Games, còn xảy ra hiện tượng "phân chia" huy chương bắt đầu từ các... cuộc đàm phán. Theo đó, nếu nước A được đưa một vài môn hay nội dung mạnh của mình vào chương trình thi đấu thì nước B hay nước C cũng được đưa vào các nội dung "tủ"... Cá biệt còn từng có những thoả thuận "nhường" nhau một số nội dung để đạt được các mục đích khác. Nhìn từ một góc độ nào đó, việc "chia huy chương" có thể giúp cổ vũ tinh thần một vài đoàn thể thao yếu, nhưng lại bóp méo giá trị thể thao chân chính, khiến uy tín của SEA Games bị sứt mẻ đáng kể trong thời gian qua. Việc trong dư luận xuất hiện cách gọi SEA Games là "chiếc ao làng" hay "những ngày hội làng" cũng bắt nguồn từ thực tế này, khiến người ta quên đi những ý nghĩa vô cùng cao đẹp của SEA Games trong sự phát triển của các nước ASEAN ở quá khứ, hiện tại và tương lai.
Giới thể thao khu vực đương nhiên đều biết và thấy rõ những mặt khiếm khuyết này và đang cố gắng cùng nhau hạn chế nó. Nhưng để SEA Games thật sự vừa là nơi thể hiện tình đoàn kết giữa các nước, vừa là đấu trường hấp dẫn về chuyên môn thì lãnh đạo thể thao Đông Nam Á cần cùng nhau hạ quyết tâm xoá bỏ căn bệnh thành tích, đồng thời có những định hướng thiết thực để SEA Games thực sự là bàn đạp tốt hướng tới các đấu trường lớn như Asiad hay Olympic.
SEA Games 26: Lớn nhất, nhưng có đảm bảo chất lượng?
Khác với 3 lần tổ chức trước đó tại Indonesia, SEA Games 26 sẽ không chỉ ở Thủ đô Jakarta mà còn đồng thời tại thành phố Palembang, thủ phủ bang Nam Sumatra. Với việc sẽ tổ chức 43 môn thể thao và hơn 500 bộ huy chương, đây sẽ là kỳ SEA Games lập kỷ lục về số nội dung thi đấu. Câu hỏi đặt ra là: Liệu công tác tổ chức có thật sự đảm bảo chất lượng hay không, đặc biệt trong bối cảnh chính trường Indonesia có phần chưa thật ổn định?
Những ai từng đến Jakarta có lẽ đều có thể tin tưởng vào khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất cũng như các mặt tổ chức của Thủ đô Indonesia. Nhưng thành phố đồng đăng cai (thậm chí còn được xem là địa điểm chính thứ nhất), Palembang thì lại khác. Khó khăn đầu tiên đã được xác định chính là cách thức di chuyển tới Palembang. Theo đó, các đoàn thể thao tới đây dự tranh các môn như bóng đá, quyền Anh, bóng chuyền, bơi lội, điền kinh, bắn súng, billiards & snooker, cờ vua, lướt ván, cầu mây... sẽ chỉ có thể chọn 1 trong 2 cách: Bay thẳng từ Singapore, hoặc tới Thủ đô Jakarta rồi đáp chặng bay chuyển tiếp tới đây.
Đoàn TTVN Việt Nam: Giữ nguyên vị trí trong top 3
Để tránh những dư luận bất lợi không cần thiết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như Tổng cục TDTT đã đề ra nguyên tắc không tuyên bố chỉ tiêu cụ thể sẽ "đứng thứ mấy" trong bảng tổng sắp huy chương kỳ này. Tuy nhiên, căn cứ vào thứ hạng của đoàn TTVN suốt 4 kỳ gần đây (xếp thứ nhất năm 2003 khi SEA Games tổ chức ở VN, đứng thứ 3 các năm 2005 và 2007; hạng Nhì năm 2009 khi SEA Games ở Lào) thì một vị trí trong TOP 3 là khả thi.
Đoàn TTVN sẽ có khoảng 600 VĐV được cử tranh tài ở 31 môn thi đấu. Trong đó, vẫn có những "mỏ vàng" mà TTVN đang đặt nhiều hy vọng: Điền kinh, Bắn súng, Karatedo, Taekwondo, Wushu, Vật, Pencak Silat, Lặn, Rowing... cùng 2 "mỏ" mới là Vovinam (lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu) và Cờ vua.
Một điều đáng quan tâm nữa: Liệu việc tham dự và "chỉ tiêu HCV" tại SEA Games 26 có làm ảnh hưởng gì tới mục tiêu tại Olympic London 2012 của các VĐV hiếm hoi của thể thao nước nhà hay không? Làm gì để có thể "vẹn cả đôi đường" chính là một nhiệm vụ đối với các quan chức hữu trách.
PL&XH