2 chiếc HCB ASIAD 16 mà đội giành được càng làm tăng lên niềm hy vọng về những chiếc huy chương của đội tại kỳ SEA Games này.
Thực ra với rowing Việt Nam, áp lực tại đấu trường SEA Games không phải là quá lớn nếu các đội được thi đấu theo đúng tinh thần fair - play của thể thao. Nhưng chẳng mấy khi tinh thần đó được thực hiện mặc dù rowing là môn thi đấu mà trọng tài không chấm điểm theo cảm tính.
Một trong những lý do dẫn đến việc rowing Việt Nam thiệt thòi trong các cuộc thi đấu quốc tế bởi những khó khăn về kinh phí dẫn đến việc đội tuyển không có thuyền mang theo để thi đấu tại các giải quốc tế.
Khi đã không có thuyền thì BTC muốn xếp cho thuyền nào đành phải chịu thuyền nấy. Mà thường thì chẳng mấy khi nước chủ nhà chịu xếp thuyền cho đội khách (nhất là với những đội có khả năng cạnh tranh huy chương như rowing Việt Nam) có chất lượng ngang bằng với “gà” nhà.
Ngay cả tại ASIAD vừa qua, rowing Việt Nam cũng “được” BTC xếp cho thuyền kém chất lượng hơn hẳn VĐV nước chủ nhà. Vì thế, dù xuất sắc nhưng các VĐV của chúng ta cũng chỉ ì ạch về đích ở vị trí thứ 2, sau VĐV Trung Quốc. Nếu thuyền thi đấu có chất lượng ngang nhau thì có thể diễn biến cuộc đua đã khác. Theo HLV Phạm Ngọc Lan thì đây là chuyện cơm bữa, ngay cả khi thi đấu SEA Games cũng thế thôi.
Vì thế yếu tố rủi ro của SEA Games 26 được tính đến là nếu khi thi đấu, BTC nước chủ nhà bố trí cho các tay chèo Việt Nam thuyền nặng hơn tiêu chuẩn thì sẽ rất khó khăn trong các cuộc tranh chấp. Nếu thuyền đôi, trọng lượng tiêu chuẩn thường là 14 kg mà BTC cấp thuyền cũ, nặng 20 kg; thuyền 4 người, tiêu chuẩn là 52 kg nhưng nếu được cấp thuyền nặng tới 60 kg thì VĐV của ta chỉ có... ngồi mà khóc.
Khi xuống nước, chỉ cần thuyền nặng thêm vài kg là khả năng cạnh tranh với các đối thủ giảm đi rất nhiều. Indonesia vốn là một quốc gia mạnh về môn này nhưng khi VN phát triển đua thuyền hiện đại, đã nhiều lần đội tuyển đua thuyền Việt Nam giành ngôi vô địch tại các giải ĐNÁ.
Ở giải ĐNÁ vừa tổ chức vào tháng 6, đoàn Việt Nam cũng giành ngôi nhất toàn đoàn với 6 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Điều đó dù là lợi thế về mặt tâm lý nhưng cũng làm cho đua thuyền Việt Nam phải đối mặt với áp lực vì bạn sẽ có quyết tâm cao để giành lại ngôi vị trên sân nhà.
Hiện toàn đội đang tập luyện tại CLB đua thuyền Hà Nội. Điều đặc biệt của đội đua thuyền là đội này nhận được sự giúp đỡ rất đặc biệt từ chuyên gia Joe Donelly. Tình cờ trú chân tại khách sạn ven Hồ Tây, quan sát đội tập luyện, chuyên gia này đã tự nguyện giúp đỡ không công cho đội rowing Việt Nam.
Joe Donelly, từng đứng thứ 5 giải VĐTG môn rowing thập niên 80 của thế kỷ trước, hiện là giám đốc của CLB đua thuyền rowing của một trường đại học tại bang New South Wales, Australia. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của chuyên gia này mà đội rowing Việt Nam đã thu được thành công rực rỡ tại ASIAD 16.
Nhằm giúp cho rowing Việt Nam tiếp tục thành công, Joe Donelly vẫn thường xuyên bay qua, bay về tham gia trực tiếp vào quá trình huấn luyện của đội và từ ngày 26.3-7.5 vừa qua, ông đã bỏ tiền túi cho đội sang Australia tập huấn.
HLV Phạm Ngọc Lan cho biết: "Chúng tôi đã có chuyến tập huấn lý tưởng, tích lũy, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, bổ ích cho việc thi đấu tại SEA Games cũng như việc giành vé đến Olympic 2012 tại London”.
Ngày 11.8 này, Joe Donelly sẽ trở lại Việt Nam cùng đội tuyển chuẩn bị cho Giải vô địch thế giới tổ chức tại Slovenia từ ngày 26.8 đến 6.9 và sau đó sẽ là mục tiêu lấy 2 huy chương vàng tại SEA Games 26.
Văn hóa Online