Nhưng điểm lại, những 2 HCV châu Á (của Nguyễn Minh Hiếu năm 2004 và Nguyễn Văn An năm 2006) và thế giới (Vương Thị Vy năm 2011) đều ở võ đài của các tay đấm trẻ. Không bàn đến sự tăng tiến của các tay đấm nữ, mục kích lối đánh của các võ sĩ nam tại giải VĐQG vừa diễn ra tuần trước tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 2 - QK7, giới mộ điệu môn võ nghệ thuật quyết liệt này không khỏi ngao ngán và âu lo cho tương lai của nó.
Nhìn vào con số 98 võ sĩ tham dự giải đấu này, thâm niên nhiều nhất chính là tay đấm Quảng Ngãi Trần Quốc Việt (-60kg) - người từng giành HCĐ Tiền SEA Games 22, HCĐ SEA Games 22, HCB SEA Games 23 và HCĐ châu Á 2005. Kế đến có thể kể đến Phạm Ngọc Huệ (trên 91kg) - tay đấm gốc Đắk Lắk nay khoác áo tuyển Quân đội từng nhiều năm liền vô địch toàn quốc.
Quyền anh VN đang "chết đuối". Ảnh: Internet
Vất vả tìm sao
Tuy nhiên, với thâm niên gần một thập kỷ thượng đài, phong độ của cả 2 võ sĩ này, nhất là niềm hy vọng giành HCV của quyền Anh nam tại SEA Games 26 Quốc Việt đã chững lại nhiều. Vẫn còn đó lối đánh phòng thủ phản công dựa trên những bước di chuyển đờ - tăng nhịp nhàng và ra vào hợp lý, nhưng đòn đấm của anh đã mất đi độ bén và chính xác khá nhiều. Xem Quốc Việt đọ găng, anh di chuyển, tránh né đòn là chủ yếu và khá kiệm tung đòn. Với phong độ như thế, khả năng giành vị trí cao tại Indonesia sắp tới là hoàn toàn không khả thi, đó là chưa kể anh sẽ mất khá nhiều sức cho việc ép cân (xuống đánh hạng -57kg). Quốc Việt phải đảm đương trọng trách nặng nề tại SEA Games tới cũng phản ánh rõ sự khủng hoảng về lực lượng của bộ môn này.
Trong khi Quốc Việt đang dần đánh mất phong độ của mình, thì sáng giá nhất của làng quyền Anh nam Việt Nam hiện tại là Nguyễn Văn Hải sẽ đọ tài ở hạng -54kg. Ngoài chỉ tiêu phấn đấu giành HCV ở SEA Games 26, tay đấm đang khoác áo CAND này sẽ còn được đầu tư để tiếp cận tấm vé đến Olympic 2012 - dù là rất khó. Theo kế hoạch, trong tuần tới, Văn Hải sẽ là võ sĩ nam duy nhất cùng đội DTQG nữ sang Thái Lan tập huấn trước khi tham dự giải VĐTG 2011 diễn ra vào cuối tháng 9/2011, đây cũng là giải đấu giành vé đi London. Nhìn cách võ sĩ này thể hiện tại giải VĐQG vừa qua, nhất là khi phải rất vất vả để giành chiến thắng trước tay đấm trẻ Quân Đội Đỗ Huỳnh Duy trong trận chung kết hạng -57kg, người ta đồ rằng mục tiêu giành HCV SEA Games 26 và tiệm cận vé đến London là “bít cửa” với tay đấm này.
Trong tình thế đó, bộ môn quyền Anh phải tập trung cho một số tay đấm trẻ ở các hạng cân nhỏ và trung bình để đảm nhận nhiệm vụ “săn vàng” tại Palempang (Indonesia) vào trung tuần tháng 11 tới cũng như trong tương lai. Theo nhận định của giới chuyên môn, nếu như được đầu tư đúng mực, những tay đấm đến từ Quân đội - đội tuyển xuất sắc 2 năm liền giành ngôi vô địch toàn đoàn tại Giải VĐQG như Huỳnh Ngọc Tân (HCV hạng -49kg), Trần Tuấn Hải (-52kg), Đỗ Huỳnh Duy (-57kg)... hoàn toàn có cơ hội phát triển đột phá trong tương lai để đảm nhận nhiệm vụ tìm vàng cho quyền Anh VN trên võ đài SEA Games. Ngoài ra, một vài võ sĩ trẻ khác như Trần Văn Thảo (TPHCM, HCV -46kg), Xầu Gia Xương (HCB hạng -52kg)... cũng cho thấy khả năng phát triển lâu dài nếu như có được một bệ phóng tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự đầu tư của bộ môn này còn hạn chế, nhiều khả năng phải chờ thêm một thời gian nữa khi Liên đoàn quyền Anh Việt Nam được thành lập thì may ra các tay đấm trẻ này mới có thêm điều kiện để phát triển đúng mực.
Hãi với lối chơi sở đoản thành sở trường
Trong gần 2 thập kỷ qua, các võ sĩ Thái Lan hay Philippines đã chọn lối đánh phòng thủ phản công tầm xa để ghi điểm, đồng thời khắc phục điểm yếu là sức mạnh trong các pha đối đòn với các đối thủ mạnh mẽ đến từ các châu lục khác trên thế giới. Với cách lựa chọn chiến thuật rất phù hợp dựa vào đặc thù thể chất và tầm vóc của con người Đông Nam Á và châu Á, các võ sĩ của 2 quốc gia này đã làm mưa làm gió trên võ đài quyền Anh nghiệp dư thế giới với hàng loạt tấm HCV thế giới và Olympic.
Vài năm trước, các võ sĩ Việt Nam dù còn non kinh nghiệm quốc tế cũng thi đấu tương đối thành công với lối đánh này. Tuy nhiên, không hiểu sao, mục kích hầu hết các trận đọ găng ở Giải VĐQG vừa qua, đại đa số các võ sĩ thượng đài đều chọn lối đánh nhập nội trực diện (áp sát với cự ly rất gần, dùng găng che chắn mặt để chờ cơ hội dứt điểm bằng những cú đấm móc ngang và móc bụng) theo lối đánh của các võ sĩ châu Âu hay na ná kiểu đánh của quyền Anh nhà nghề hạng nặng. Với kiểu đánh này, với những ai am tường một chút về quyền Anh cũng chắn chắn rằng các võ sĩ chúng ta sẽ chỉ mãi quanh quẩn trên võ đài trong nước. Ra quốc tế, trước các đối thủ vượt trội về sức mạnh và tầm vóc, những pha che chắn bằng găng ở một cự ly quá gần vô hình trung sẽ biến các tay đấm chúng ta trở thành “tấm bia di động” để đối thủ “nã đạn”. Hy vọng những nhà chuyên trách quyền Anh Việt Nam sớm điều chỉnh ngay chiến thuật không hợp lý này, chớ để thêm một thời gian nữa những kỷ năng thi đấu kiểu này trở thành kỹ xảo thì chỉ có xóa đi mà làm lại - trong khi đối thủ ngày càng phát triển nhanh chóng - mục tiêu có HCV SEA Games hay tiệm cận thành tích ở Olympic sẽ ngày càng xa dần!
Báo Thể thao TPHCM