Tái lập thành tích “bạc” sau 6 năm
Giải năm nay thu hút trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Đáng chú ý, trong khu vực Đông Nam Á chỉ duy nhất Việt Nam có lực lượng tham dự với 5 đô vật nữ: Phạm Thị Duyên (hạng 44kg), Nguyễn Thị Lụa (48kg), Vũ Thị Hằng (51kg), Hoàng Thị Thương (55kg), Dương Thị Lan (59kg). Đoàn do Trưởng bộ môn vật (Tổng cục TDTT) ông Nguyễn Thế Long dẫn đầu.
Ở hạng cân nhỏ nhất của vật tự do nữ (hạng 44kg) có 14 đô vật tham gia. Lá thăm may mắn đã giúp VĐV Phạm Thị Duyên (sinh năm 1991) không phải đấu trận vòng loại mà vào thẳng tứ kết, gặp nữ đô vật Bogunenko Ganna (Ukraina). Với tâm lý tự tin và kỹ thuật vượt trội, Duyên đã không quá khó vượt qua trận đầu. Ở trận bán kết, Duyên tiếp tục vượt qua đối thủ Golston Erinsimone (Mỹ) và chỉ chịu thua đối thủ Fedorova Nađeza (Nga) trong trận chung kết căng thẳng.
Niềm vui đã đến trên đất nước Rumani trong sự ngỡ ngàng của cả đoàn Việt Nam bởi VĐV Phạm Thị Duyên năm nay mới tròn 20 tuổi, kinh nghiệm thi đấu quốc tế chưa nhiều so với một vài trường hợp còn lại, nên trước giờ lên đường, giới chuyên môn không đặt nhiều hy vọng Duyên sẽ là người mang huy chương về cho đoàn.Vậy mà, cô gái này đã rinh luôn tấm HCB trẻ thế giới ở lần đầu dự giải. Thành tích này cũng đánh dấu sự trở lại của các đô vật Việt Nam trong bảng phong thần huy chương cấp thế giới bởi 6 năm trước, cũng trong khuôn khổ giải vô địch trẻ thế giới, tổ chức tại Litva, đô vật Nguyễn Thị Hằng (Thái Nguyên) đã từng vượt qua ĐKVĐ vật tự do trẻ người Nhật để lọt vào chung kết và trở thành người đem về cho vật Việt Nam tấm HCB ngay trong lần tham dự đầu tiên.
Phạm Thị Duyên giành HCB giải vô địch vật trẻ thế giới 2011. Ảnh: Internet
4 trường hợp còn lại của đoàn tại giải trẻ thế giới năm nay đều không giành huy chương. Tiếc nhất là hạng 48kg. Đây là hạng cân Việt Nam đặt nhiều hy vọng vì có Á quân ASIAD 16 Nguyễn Thị Lụa. Tuy nhiên, hạng cân này có quá đông VĐV tham gia (20 VĐV), tất cả đều rất mạnh vì thế, sau khi vượt qua Ribak Irina (Ukraina) Lụa đã thua trong trận tứ kết gặp đối thủ đến từ Nga. Sau đó, sự nỗ lực của Lụa cũng bất thành ở lượt trận Repechat tranh HCĐ.
Hạng 51kg và 55kg, Vũ Thị Hằng cùng Hoàng Thị Thương đều thua ngay trong trận đấu.
Hạng 59kg, Dương Thị Lan (HCĐ châu Á) thắng 1 trận trước Forgo, Fruzsina (Hungary) sau đó dừng bước ở tứ kết.
Thêm hy vọng ở tương lai
Rõ ràng câu chuyện các đô vật Việt Nam tấn công vào đấu trường thế giới cho đến thời điểm này hoàn toàn không có sự “ăn may” mà phản ánh tiềm năng thực sự của vật Việt Nam, đặc biệt là với vật nữ.
Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đi lên từ những tấm HCV khu vực ở đấu trường SEA Games, sau đó len chân vào giành huy chương châu lục, HCB ASIAD 16 và trước khi giành HCB ở giải trẻ thế giới lần này, chuyện vật nữ Việt Nam giành HCB, HCĐ ở mỗi lần xuất quân dự giải vô địch và vô địch trẻ châu Á không còn gì là lạ. Tính riêng trong năm nay, ở cả hai giải đấu cấp châu lục, các đô vật nữ lần nào tham dự cũng đều rinh HCB và HCĐ về và thực tế chỉ còn thiếu HCV.
Không ít nhà chuyên môn, trong đó có Trưởng bộ môn vật (Tổng cục TDTT) ông Nguyễn Thế Long, từ vài năm trước cũng đã nhận thẫy rõ tiềm năng của vật nữ và bày tỏ với TTVN, vật Việt Nam hoàn toàn có cửa vươn ra đấu trường thế giới và Olympic.
Cũng chính vì xác định rõ, đây là môn thể thao Olympic nên trong nhiều năm qua, vật luôn là một trong số những môn được Tổng cục TDTT quan tâm đầu tư. Hầu như năm nào đội vật cũng được Tổng cục TDTT mời chuyên gia hướng dẫn. Năm 2011, đội vật cũng được tập trung tập huấn từ sớm dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Gruzia.
Chỉ có điều, do kinh phí hoạt động chung còn nhiều hạn hẹp, vì thế thời gian qua kinh phí rót cho đội vật chưa nhiều. Điều này cũng dẫn đến những khó khăn nhất định. Đầu tiên là thiếu cơ hội cọ xát ở các giải quốc tế quan trọng. (một số giải không tham gia, có giải tham dự thì quân số không đông). Kế đến, chế độ dinh dưỡng và áp dụng khoa học kỹ thuật trong tập luyện vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Dẫn quân đi thi đấu ở nhiều giải, ông Nguyễn Thế Long không khỏi ngậm ngùi so sánh “Tôi đã có dịp đến một vài địa điểm tập luyện cũng như thi đấu của một số đội quốc tế. Mọi thứ đều rất chuyên nghiệp. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, chỉ là chuẩn bị cho một giải đấu Đại hội TDTT toàn quốc, tổ chức 4 năm một lần như ở ta, nhưng các VĐV đều ăn tự chọn và trước hoặc sau mỗi bữa ăn, đều có các bác sỹ kiểm tra độ lượng Calo. Thi đấu xong có bác sỹ xoa bóp, mát xa... Mình thì cái đó tới nay vẫn chưa làm được... Hy vọng trong thời gian tới, mọi vấn đề sẽ được cải thiện hơn”.
Hiện nay, mục tiêu lớn nhất của vật Việt Nam là phấn đấu giành các suất tham dự Olympic London 2012. Theo kế hoạch dự kiến, tháng 9 tới, vật Việt Nam sẽ tiếp tục tham dự giải vô địch thế giới. Đây đồng thời cũng là vòng đấu tuyển chọn đến Olympic 2012 đầu tiên trong 4 vòng đấu tuyển chọn từ nay đến năm 2012 nên BHL và bộ môn sẽ cân nhắc kỹ lưỡng lực lượng, trình lãnh đạo phê duyệt. Cùng đó là nhiệm vụ bảo vệ vị trí số 1 ở SEA Games 16.
VOC.org.vn