Hấp dẫn đến độ có những ông bầu thực sự, thường là các cán bộ thuộc những đơn vị kinh doanh của nhà nước hay các doanh nhân, trực tiếp hay gián tiếp móc hầu bao nuôi bóng chuyền và những người này từng nổi đình đám trong các giai đoạn khác nhau. Không ồn ào và rầm rộ như các ông bầu Đức, bầu Hiển, bầu Thắng bên bóng đá nhưng họ âm thầm góp sức tạo dựng sức cuốn hút của môn thể thao rất được ưa thích là bóng chuyền.
Những gương mặt
Đi tiên phong có lẽ là Tổng Giám đốc Công ty Giấy Bãi Bằng Trần Ngọc Quế. Ông là kỹ sư Bách khoa, yêu bóng chuyền đến độ chiêu mộ và xây dựng một đội bóng chuyền nữ một thời làm mưa làm gió ở hạng đội mạnh, đến nỗi có cả Cúp bóng chuyền nữ mang tên Giấy Bãi Bằng, lại sớm có ngoại binh Piyamas đẹp người đẹp nết, cùng nhóm nội binh có chất lượng khá và vài ba người được “lên tuyển”. Bên cạnh ông Quế là ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bưu điện Quảng Ninh. Ông Thư người khiêm nhường và nhiệt tình, chính vị Giám đốc này là “người cha tinh thần” của đội nữ Bưu điện Quảng Ninh vô địch toàn quốc mấy mùa liền, lại nêu kỷ lục vô tiền khoáng hậu, hạ bệ nhà vô địch Bộ Tư lệnh Thông tin ngay trên sân khách chỉ trong vòng 56 phút để lên ngôi. Quảng Ninh hồi đó rất tự hào với những gương mặt Trần Thị Yến, Bùi Lan Anh, Tô Dung và lớp trẻ hơn là Trần Hiền, Lê Hiền…
Bùi Pháp (đeo caravat đỏ), ông chủ đầu tiên của hai đội bóng chuyền chuyên nghiệp tại Việt Nam |
Vậy mà có lẽ phải tới thời điểm này, những ông bầu đích thực của bóng chuyền mới xuất hiện và đủ sức lấy hoạt động thể thao làm đòn bẩy mạnh mẽ cho kinh doanh và cho đời sống thể thao nói riêng. Hãy nghe tâm sự của ông Lê Huy Hoàng, Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng Giám đốc công ty Yến sào Sanest, Khánh Hòa: “Thể thao là hoạt động truyền thống của công ty, là sân chơi bổ ích cho cán bộ, công nhân viên và được tổ chức thường xuyên thông qua các hội thao truyền thống hàng năm. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác xã hội hóa thể thao, công ty đã tiếp nhận đội bóng chuyền nam Khánh Hòa từ năm 2007. Cùng với sự hỗ trợ chuyên môn của Sở Văn hóa - thể thao và Du lịch, Công ty đã đầu tư nâng cao chất lượng của Ban huấn luyện, nâng cao chế độ cho vận động viên, chú trọng phát triển đội ngũ vận động viên trẻ và có chế độ đãi ngộ, khuyến khích để thu hút nhân tài…” Ai cũng biết, Sanest Khánh Hòa luôn ở nhóm VIP của bóng chuyền Việt Nam và đi cùng là tên tuổi “oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều, từ đó, thương hiệu này đã trở nên niềm tự hào và thế mạnh của thể thao Khánh Hòa.
Một địa chỉ mới nổi lên ở giới bóng chuyền là CLB Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương. Đây là đội bóng mới được đầu tư xây dựng và năm nay chơi ở hạng Nhất, dưới sự dẫn dắt của 2 HLV Trần Minh Khang và Đặng Đức Xuyên. Họ có ông bầu là Đỗ Trung Thành - Tổng Giám đốc Công ty xây lắp dầu khí Thái Bình Dương và tập thể này đang tràn đầy hy vọng đi tiếp. Tuy nhiên, nhân tố mới vừa xuất hiện ở làng bóng chuyền, chính là ông Bùi Pháp.
Bầu Pháp và tham vọng
Từng hỗ trợ cho đội bóng hạng mạnh Đức Long - QK5 ở mùa trước, lần này ông Bùi Pháp tổ chức họp báo giới thiệu CLB bóng chuyền Đức Long - Gia Lai, thi đấu hạng A1 và đều có những tên tuổi như Nguyễn Hữu Hà, Thái Anh Văn, Phạm Văn Thành, Mai Hồng Thái, Nguyễn Văn Toại… và HLV Bùi Quang Ngọc, kể cả danh thủ hàng đầu khu vực là chủ công Wanchai của Thái Lan sẽ bay sang khi vào giải. Quả thực đây là đội bóng chuyền bạc tỷ, gồm những cầu thủ xuất sắc dù đa số đã bước qua nửa còn lại của sự nghiệp. Bầu Pháp cho hay trước mắt đội sẽ phấn đấu lên hạng để tham gia cuộc chơi đỉnh cao vào mùa sau, về lâu dài, tập đoàn sẽ đặt nhiệm vụ đào tạo trẻ để chung tay xây dựng bóng chuyền Việt Nam.
Cách đây hơn mười năm, tôi từng dự xem một đội bóng khác của Gia Lai thi đấu ở hạng đội mạnh, đó là Xổ số kiến thiết Gia Lai, ngày đó cũng có một số cầu thủ đến từ Hà Nội và các tỉnh thành khác như Vân (Đắc Lắc), Thủy, Diệu (Thể Công)... và hiện tại, tin từ Tây Nguyên cho hay, bầu Pháp tiếp tục “tái cơ cấu” đội bóng này theo cách thức mang tính chuyên nghiệp, nếu mọi sự suôn sẻ thì ông sẽ là trường hợp đầu tiên ở làng bóng chuyền xứ ta khi dưới tay có đến 2 đội bóng mạnh, câu hỏi lại được đặt ra cho người viết bài này.
Bầu Pháp có phạm luật?
Gần đây, dư luận băn khoăn việc V-League và giải hạng Nhất có những ông bầu sở hữu 2 đội bóng và theo đó là không đúng với luật của FIFA, là không công bằng, cho dù VFF lại lý giải theo cái kiểu đặc biệt là “nước ta có luật ta”. Vì thế, việc bầu Pháp xuất tướng khiến dư luận lo lắng, liệu rằng bên bóng chuyền mọi sự có phức tạp và rắc rối như bên bóng đá?
Theo dõi bóng chuyền đã lâu, từ luật của thế giới do Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB) ban hành cho đến luật của Việt Nam do Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) tôi chưa thấy có một điều khoản nào quy định về chuyện một người có hay không quyền quản lý cùng lúc nhiều CLB. Phải chăng bóng chuyền chưa nhiều rắc rối và những uẩn khúc hay các kỳ án như bên bóng đá nên người ta không vội bàn tới chuyện này? Tôi cũng hỏi lại anh Trần Đức Phấn, Tổng thư ký VFV, và được nghe rằng VFV cũng đã cất công nghiên cứu bộ luật của FIVB mà chưa thấy, do đó chưa có quy định nào về chuyện đó cả.
Để kết thúc vụ việc, tôi xin được phép hoan nghênh ông Bùi Pháp, xin ông cứ việc móc hầu bao xây dựng 2 CLB bóng chuyền của Việt Nam. Bên cạnh việc này, tôi mong VFV hãy nhanh chóng vào cuộc để trả lại quyền được chơi bóng cho Nguyễn Hữu Hà và không nên kéo dài sự im lặng đến cái mức “để lâu cứt trâu hóa bùn” như thế. SEA Games 26 chẳng còn bao xa mà việc lọt vào Top 3 của đội nam bóng chuyền Việt Nam đang trở nên rất khó khăn mà “người nhà mình” lại cứ tự làm khó nhau theo cái kiểu như thế thì thật đáng chê cười.
Thể thao & Văn hóa Online